Trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) mà TAND TPHCM đang xét xử. Ngoài nhóm bị cáo thuộc hệ sinh thái Tập đoàn VTP chuyên thành lập công ty “ma” để vay vốn, còn có nhiều nhóm chỉ làm mỗi việc tìm và thuê người đứng tên các công ty “ma”.
Thuê người đứng tên công ty “ma”, ký sẵn vào giấy trắng
Đó là các bị cáo Bùi Đức Khoa (SN 1974, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Natural Land), Nguyễn Thị Khánh Vân (SN 1980) và Trần Thị Kim Chi (SN 1990, cả 2 là nhân viên) thuộc hệ sinh thái Tập đoàn VTP, bị xét xử tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Theo đó, việc thành lập các công ty “ma” được Trương Mỹ Lan giao cho nhóm Hà Thục Kim, Đặng Phương Hoài Tâm (Trưởng Văn phòng HĐQT Tập đoàn VTP) phụ trách. Còn nhóm chuyên tìm và thuê người đại diện theo pháp luật các công ty “ma”, đứng tên hồ sơ vay do Nguyễn Ngọc Dương (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula, hiện đã chết) phụ trách, như: đặt tên, tìm địa chỉ trụ sở công ty, chọn ngành nghề kinh doanh... phù hợp với yêu cầu của Trương Mỹ Lan và đồng phạm.
|
Các bị cáo trong vụ án xảy ra tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát |
Cụ thể, Khoa cùng với Vân, Chi được Dương tuyển dụng và bố trí làm việc tại các công ty trong hệ sinh thái VTP (Công ty Cổ phần Natural Land, Công ty Sunny World, Công ty Cổ phần Future Plus). Trong quá trình làm việc tại Tập đoàn VTP, ngoài các công việc theo hợp đồng lao động, Dương còn chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Khoa, Vân, Chi tìm và thuê người đứng tên thành lập các công ty “ma”, đứng tên cổ phần, vốn góp và tài sản tại các công ty “ma” thuộc nhóm VTP, ký các từ rút tiền và chuyển tiền để tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống, phương án “giải quỹ”, tạo lập dòng tiền giúp Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền từ SCB.
Sau khi tìm và thuê được người đứng tên công ty “ma”, Khoa, Vân và Chi hướng dẫn các cá nhân được thuê ký vào các tờ giấy A4 không có nội dung, mà chỉ đánh dấu vị trí ký bằng bút chì để sử dụng khi cần thiết. Nguyễn Ngọc Dương và Khoa giao cho Vân, Chi trực tiếp liên hệ, thống nhất với Nguyễn Phương Anh (SN 1983, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula, bị xét xử tội tham ô tài sản) trong việc đưa các cá nhân đứng tên, ký hồ sơ chứng từ liên quan đến mỗi khoản vay.
Thuê người vay “khống”, gây thiệt hại hơn 200.000 tỷ đồng
Tính đến ngày 17/10/2022, Khoa đã tìm, thuê được 96 cá nhân và chuyển thông tin những cá nhân này cho nhóm Nguyễn Phương Anh để thành lập và sử dụng 77 công ty “ma”, lập hồ sơ 19 cá nhân đứng tên tài sản, cổ phần, vốn góp tại các công ty thuộc Tập đoàn VTP, hợp thức 166 hồ sơ vay vốn “khống”, chứng từ rút, nộp và chuyển tiền liên quan đến các khoản vay giúp Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền từ SCB. Đến nay 166 khoản vay này còn tổng dư nợ hơn 171.173 tỷ đồng (nợ gốc và lãi).
Tương tự, Vân đã tìm thuê 38 cá nhân và chuyển thông tin cho nhóm Nguyễn Phương Anh thành lập và sử dụng 33 công ty “ma”, tạo dựng hồ sơ 7 cá nhân; hợp thức 64 hồ sơ vay vốn “khống”. Đến nay 64 khoản vay còn tổng dư nợ hơn 49.932 tỷ đồng (nợ gốc và lãi).
Còn Trần Thị Kim Chi cũng tìm và thuê được 37 cá nhân và chuyển thông tin cho nhóm Nguyễn Phương Anh thành lập và sử dụng 32 công ty “ma”, tạo dựng hồ sơ 5 cá nhân; hợp thức 47 hồ sơ vay vốn “khống”. Đến nay, 47 khoản vay còn tổng dư nợ hơn 42.638 tỷ (nợ gốc và lãi).
Cáo trạng xác định Khoa, Vân và Chi đã thực hiện các hành vi sai phạm lập hồ sơ và chứng từ khống, để Trương Mỹ Lan rút và chiếm đoạt tiền từ SCB. Sau khi lấy tổng dư nợ (tính đến ngày 17/10/2022) trừ giá trị tài sản đảm bảo của các khoản vay, cơ quan điều tra xác định Khoa gây thiệt hại cho SCB hơn 154.880 tỷ đồng; Vân gây thiệt hại cho SCB hơn 40.327 tỷ đồng; Chi gây thiệt hại cho SCB hơn 37.583 tỷ đồng.
1.284 khoản vay không có khả năng thu hồi
Cáo trạng xác định, sau khi Khoa cùng Vân, Chi tìm thuê được người đứng tên theo yêu cầu, thì thông tin của người được thuê sẽ được Dương và Phương Anh giao cho Phan Chí Luân cập nhật danh sách và quản lý.
Trong hệ sinh thái VTP ngoài nhóm Khoa, Vân, Chi còn có nhóm của Trương Huệ Vân (SN 1988, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Tập đoàn VTP), là cháu ruột của Trương Mỹ Lan cũng bị xét xử tội “Tham ô tài sản”, với vai trò giúp sức Lan chiếm đoạt của SCB hơn 1.088 tỷ đồng) cũng tìm thuê cá nhân và lập ra 52 công ty “ma”.
Trong vụ án này, có tổng cộng 875 khách hàng, gồm 440 cá nhân và 435 pháp nhân đứng tên 1.284 khoản vay, được Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn VTP thuê để thành lập các công ty “ma”, đứng tên các khoản vay.
Quá trình tạo lập hồ sơ vay vốn “khống” để rút tiền từ SCB, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đưa ra 1.166 mã tài sản để đảm bảo cho 1.284 khoản vay, tổng giá trị tài sản đảm bảo đã được nâng khống ghi nhận trên sổ sách là 1.265.504 tỷ đồng.
Đến ngày 17/10/2022 còn 1.284 khoản vay (440 cá nhân vay 512 khoản, và 435 tổ chức vay 772 khoản), còn dư nợ 677.286 tỷ đồng (nợ gốc 483.971 tỷ đồng, nợ lãi 193.315 tỷ đồng), các khoản vay đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi.
Yến Thanh