Vụ Trịnh Quốc Hưng KingLand: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản "lên ngôi"... do án nhẹ?

Google News

(Kiến Thức) - Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại và đầu tư KingLand Trịnh Quốc Hưng vừa bị Cơ quan CSĐT Công an TP HCM bắt tạm giam để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo đó, Công an TP HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trịnh Quốc Hưng (40 tuổi, quê Hưng Yên, ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) để điều tra về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ông Hưng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thương mại và đầu tư KingLand (Công ty KingLand) có trụ sở tại quận Thủ Đức.
Công an TP HCM xác định Công ty KingLand chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép làm chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Định An (KingLand Home City 5). Riêng ông Hưng đã tự lập bảng vẽ phân lô dự án, quảng cáo gian dối, ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng hợp tác đầu tư để bán đất nền và thu tiền của nhiều cá nhân. Ông Hưng đã không thực hiện thỏa thuận, lẩn tránh khách hàng nhằm chiếm đoạt tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng, thu lợi bất chính cho cá nhân và đồng phạm.
Dư luận cho rằng, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản án 3 năm, hành vi có tổ chức cao nhất là 7 năm. Với những vụ lừa đảo số tiền lên đến nhiều tỷ đồng thậm chí hàng nghìn tỷ thì các đối tượng sẵn sàng đánh đổi 3-7 năm tù để vi phạm. Phải chăng chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, phải có chế tài nào xử phạt thật nặng những đối tượng này?
Vu Trinh Quoc Hung KingLand: Lua dao chiem doat tai san
Khách hàng căng băng rôn tố Công ty KingLand lừa đảo. 
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức kinh doanh đa cấp và trong lĩnh vực bất động sản đã và đang trở thành vấn nạn xã hội, bởi vậy việc xử lý hình sự đối với các trường hợp vi phạm là cần thiết để đảm bảo ổn định trật tự, an toàn xã hội.
"Nguyên nhân của các hành vi lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản gia tăng không phải là do chế tài không nghiêm minh. Trước năm 2009 thì chế tài nghiêm khắc nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tử hình, từ năm 2009 đến nay thì Việt Nam bỏ chế tài tử hình đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo đó mức hình phạt nghiêm khắc nhất là tù chung thân" - Luật sư Cường thông tin.
"Với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam hiện nay thì người phải chấp hành hình phạt tù là rất khổ so với những người sống bên ngoài đời sống xã hội, bởi vậy không thể nói rằng chế tài hình sự của Việt Nam không nghiêm minh hoặc là việc thi hành án hình sự không nghiêm túc khiến các đối tượng nảy sinh ý định phạm tội.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì với hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự, nếu số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên thì hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, hoặc cao nhất có thể là tù chung thân.
Chế tài như vậy là rất nghiêm khắc so với các quốc gia khác cũng như so với các hành vi vi phạm pháp luật khác. Nếu bị xử lý bằng chế tài nghiêm khắc nhất là tù chung thân thì ít nhất người phạm tội phải chấp hình hành hình phạt đến 12 năm mới được xem xét đặc xá giảm án và dù giảm án nhiều thì phải chấp hành tối thiểu 20. Tuy nhiên, không phải phạm nhân nào cũng có cơ hội được giảm án như vậy" - Luật sư Cường nói.
Vu Trinh Quoc Hung KingLand: Lua dao chiem doat tai san
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội. 
Luật sư Cường cho biết thêm, bởi vậy, nếu nói rằng lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng tỷ đồng mà hình phạt chỉ vài năm tù là không có cơ sở, nói rằng vì hình phạt không đủ răn đe nên các đối tượng ngang nhiên phạm tội là thiếu căn cứ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói chung, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực bất động sản nói riêng xảy ra nhiều như:
- Những thông tin về các dự án bất động sản còn chưa rõ ràng, thiếu minh bạch dẫn đến việc người dân khó khăn trong việc xác định dự án bất động sản nào có thật, dự án bất động sản nào không có thật, dự án bất động sản nào ở giai đoạn được phép huy động vốn;
- Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức kinh doanh đa cấp hoặc thông qua hoạt động bất động sản sẽ kiếm được một khoản tiền rất lớn trong thời gian rất ngắn bởi vậy vì hám lợi nhuận nên nhiều đối tượng đã bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi vi lừa đảo;
- Nhiều đối tượng ngây thơ cho rằng khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được nhiều tiền thì có thể dùng tiền để che giấu hành vi phạm tội, tìm kiếm thế lực bao che, chống lưng cho bản thân mình để thoát thân nhưng khi bị bắt mới hiểu được là suy nghĩ dại dột;
- Sự hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, bất động sản. Các nhà đầu tư thường theo phòng trào, theo kinh nghiệm mà không tìm hiểu pháp luật, thiếu thông tin nên rất dễ bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ tham gia vào các dự án không có thật;
- Còn thiếu cơ chế quản lý giám sát, thiếu quy định trách nhiệm của người đứng đầu ở các địa phương khi xảy ra các vụ việc lừa đảo lớn, bởi vậy nhiều địa phương cán bộ rất thờ ơ khi có những thông tin về các đối tượng chuẩn bị thực hiện các hoạt động để lừa đảo người dân. Việc yếu kém, thậm chí thiếu trách nhiệm trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm đã khiến các đối tượng ngang nhiên thực hiện hành vi lừa đảo trong một thời gian dài mới bị phát hiện, xử lý;
Vu Trinh Quoc Hung KingLand: Lua dao chiem doat tai san
Bị can Trịnh Quốc Hưng bị bắt tối 3/12. 
- Một số người dân bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ, lôi kéo trở thành những đối tượng tiếp tay cho chúng, thậm chí vì lợi nhuận có thể bất chấp pháp luật để môi giới, giới thiệu người khác trở thành những nạn nhân tiếp theo của hành vi lừa đảo;
- Việc chậm phát hiện, chậm xử lý dẫn đến các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo trong một thời gian dài, chiếm đoạt rất nhiều tiền và nhiều nạn nhân sau đó mới bị xử lý khiến nhiều người tưởng dự án là có thật;
Bởi vậy, để đấu tranh với loại tội phạm này thì cần phải thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa, cần phải công khai minh bạch trong lĩnh vực bất động sản, trong đó có các dự án đầu tư bất động sản. Cần phải nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý về đầu tư, về xây dựng, nhà ở để kịp thời ra soát, chấn chỉnh các đơn vị huy động vốn trái phép.
Khi phát hiện các dự án ma, dự án không có thật hoặc chưa đủ thủ tục mà huy động vốn thì cần phải can thiệp kịp thời, xử lý nghiêm minh, tránh trường hợp các đối tượng lừa đảo lừa gạt hàng trăm người mới bị xử lý. Cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để người dân có thêm thông tin, hiểu biết trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, cung cấp thông tin kịp thời về các dự án bất động sản đến người dân thì nguy cơ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ ít hơn.
Xử lý nhanh chóng kịp thời các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực bất động sản, thậm chí xét xử lưu động, tuyên truyền để người dân hiểu biết cách thức thủ đoạn của các đối tượng và mà phòng tránh. Cần truy trách nhiệm của các cán bộ, cơ quan có liên quan trong việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý để các đối tượng lợi dụng vào đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Để tội phạm xảy ra nhiều, công khai, chiếm đoạt nhiều tiền, nhiều nạn nhân thì nguyên nhân đầu tiên phải nói đến công tác phòng ngừa chưa thực hiện tốt, còn để lỏng, để hở, còn thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền, của cơ quan chức năng và sự nhẹ dạ cả tin, thậm chí hám lợi của người bị hại. Bởi vậy để giảm thiểu các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản lớn như vậy thì cần phải công khai minh bạch các thông tin trong lĩnh vực đầu tư, bất động sản, công khai thông tin về các dự án đã được phê duyệt và tiến độ dự án, xử lý nghiêm minh kịp thời các trường hợp huy động vốn trái phép.
Cần thực hiện tốt hơn trong quản lý kinh tế, nâng cao nhận thức ý thức của người dân và trách nhiệm của cơ quan chức năng thì mới giảm thiểu được các vụ việc như thế này. Việc áp dụng chế tài chỉ là bước sau cùng khi tất cả các giải pháp phòng ngừa thất bại.
>>> Xem thêm video: Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Nguồn: Đài Truyền Hình Thanh Hóa.

Gia Đạt