Vừa qua, Tổng QLTT đã phối hợp với Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục A05, Bộ Công An "tấn công" vào một tổng kho hàng lậu rộng hơn 10.000m2 tại thành phố Lào Cai. Tổng cục QLTT nhận định đây là một vụ việc bán hàng giả, lậu liên quan tới thương mại điện tử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
|
Trong kho hàng lậu ở Lào Cai. |
Theo nhận định của lực lượng chức năng, nhóm đối tượng này đã tính toán rất kỹ khi lựa chọn tổng kho đặt tại Lào Cai. Phía trước mặt tổng kho tiếp giáp với đường ray của ga Lào Cai, phía sau là một quả đồi sừng sững che chắn.
Vị trí này sẽ giúp cho nhóm đối tượng khai thác được 4 lợi thế chính: Thứ nhất, do tiếp giáp cửa khẩu quốc tế, chỉ cần tuồn được hàng qua cửa khẩu biên giới là có thể nhập kho lượng lớn hàng hóa, tránh được sự giám sát của các cơ quan chức năng.
Thứ hai, chi phí thuê mặt bằng tại Lào Cai cho diện tích rộng cả héc-ta như vậy sẽ rẻ hơn rất nhiều so với tại các thành phố lớn.
Theo đó, nhân công vùng cao thuê mướn cũng rất rẻ, tạo lợi thế trong kinh doanh. Những lao động phổ thông, chốt đơn trong Tổng kho, làm việc quần quật cả ngày cũng chỉ được trả bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng. Cán bộ thủ quỹ, kế toán được trả từ 7-10 triệu đồng. Người quản lý chung được trả khoảng 20 triệu đồng. Cá biệt có một số nhân viên diễn livestream được trả tới trên 80 triệu đồng/tháng.
Qua điều tra của Tổng cục QLTT, tổng các loại chi phí bao gồm chi phí cố định, chi phí cho cơ sở vật chất, ăn uống, các chi phí phát sinh khác của tổng kho này trong 1 tháng là khoảng xấp xỉ 2 tỷ đồng.
Đáng chú ý trong danh sách liệt kê của nhóm đối tượng có một loại chi phí được kê “luật lá” là 20 triệu đồng/tháng.
Thứ ba, nhóm đối tượng sử dụng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội Facebook để tiếp cận với khách hàng và bán sản phẩm.
Hình thức này vô cùng hiệu quả vì bán được cho cả trăm ngàn người mà không cần đầu tư showroom, không cần mặt phố hoành tráng. Có duy nhất hai loại chi phí đáng kể là chạy quảng cáo trực tuyến mất khoảng gần 400 triệu đồng/tháng và cước điện thoại khoảng 122 triệu đồng/tháng!
Thứ tư, chính vì nằm ẩn nấp ở một tỉnh miền núi phía Bắc nên trong suốt thời gian dài, các cơ quan chức năng và ngay cả chính quyền địa phương cũng không phát hiện ra tổng kho này để tiến hành triệt phá.
Tổng cục QLTT cho hay, qua rà soát chứng cứ tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện một con số giật mình: Từ tháng 10/2018 tới nay, tổng lũy kế giao dịch qua tài khoản của Trần Thành Phú và 5 đối tượng trong nhóm là hơn 649 tỷ đồng!
Tổng cục QLTT cũng đặt câu hỏi: Làm cách nào mà Phú và nhóm đối tượng có thể thu lợi lớn đến như vậy chỉ trong chưa đầy 2 năm?
Ngoài bán lẻ trực tiếp tới tận tay người tiêu dùng qua hình thức livestream, Tổng kho này còn có hình thức nào khác? Phải chăng là cả đổ buôn trong nước? Bằng cách nào mà Phú có thể tổ chức đưa được một nguồn hàng lớn đến như vậy vào Việt Nam? Câu trả lời, theo Tổng cục QLTT cần được các cơ quan có thẩm quyền, chuyên môn làm rõ.
Do hiện nay tình trạng kinh doanh hàng kém chất lượng công khai trên các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội đã đến mức báo động, ảnh hưởng tới niềm tin của người tiêu dùng, xuất phát từ thực tế này, tổ công tác về thương mại điện tử (Tổ 368) của Tổng cục đã được thành lập nhằm thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử của lực lượng QLTT.
Theo Cường Ngô/ Lao Động