Sự vắng mặt của một số cá nhân có trách nhiệm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, nhất là sự vắng mặt của ông Trương Quý Dương (nguyên giám đốc bệnh viện) không chỉ gây bất lợi cho các bị cáo mà còn khiến quá trình xét xử vụ án khó đảm bảo được "công bằng, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội"...
Các tỉnh thành miền Bắc đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt nhưng sự khắc nghiệt của thời tiết không ngăn được rất nhiều người dân hàng ngày, hàng giờ tới Tòa án nhân dân (TAND) TP Hòa Bình để theo dõi phiên tòa xét xử vụ tai biến chạy thận làm 9 người chết tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Thậm chí có không ít người là y, bác sĩ, chuyên gia y tới nhiều tỉnh thành rất xa cũng không quản ngại vất vả, tốn kém tới theo dõi phiên tòa vì trong số 3 bị cáo bị đưa ra xét xử có một người là đồng nghiệp với họ, đó là bác sĩ Hoàng Công Lương (ở Đơn nguyên thận nhân tạo, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình).
Người dân và đông đảo phóng viên tới theo dõi phiên tòa cũng bởi lẽ đây là vụ án được dư luận xã hội và vụ tai biến chạy thận làm 9 người chết tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình là sự cố y khoa nghiêm trọng nhất từ trước tới nay. Hơn nữa, với việc bác sĩ Lương bị truy tố và xét xử về "Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" đã có vô vàn ý kiến từ các chuyên gia y tế, pháp lý và tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp lên tiếng phản đối vì cho rằng việc truy tố với tội danh nêu trên là quá bất công và không khách quan đối với bác sĩ Lương.
Thậm chí, ngay ít ngày trước khi phiên tòa diễn ra, Văn phòng Chính phủ cũng công văn có truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình gửi đến TAND tỉnh Hòa Bình sau khi nhận được bức "tâm thư" của bác sĩ Lương. Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến như sau: Chuyển đơn của bác sĩ Hoàng Công Lương đến TAND tỉnh Hòa Bình để chỉ đạo, xem xét, giải quyết theo quy định, đảm bảo việc xét xử công bằng, không bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không làm oan người vô tội...
Vì vậy, rất nhiều người tới dự phiên tòa trong những ngày nóng bức vừa qua không chỉ để xem các "Bao công" tại TAND TP Hòa Bình xét xử vụ án và các bị cáo như thế nào, mà họ còn bày tỏ tình cảm chia sẻ và động viên đối với bác sĩ Lương. Thậm chí không ít người trong gia đình các nạn nhân của vụ tai biến cũng rất chia sẻ, cảm thông và ủng hộ tình cảm đặt biệt dành cho "bị cáo" Lương. Quả thực là hiếm gặp ở các phiên tòa khi bị hại lại chia sẻ, động viên "bị cáo"!
Thế nhưng tại phiên tòa xét xử vụ tai biến chạy thận làm 9 người chết còn vô cùng kỳ lạ và tràn ngập bức xúc.
Rõ ràng đây là một vụ án nghiêm trọng, một sự cố y khoa về chạy thận có nhiều người chết nhất xảy ra tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình nhưng suốt những xét xử vừa qua, ông Trương Quý Dương (nguyên giám đốc bệnh viện) đã vắng mặt vô thời hạn trước chốn "công đường" dù tòa đã nhiều lần có giấy triệu tập tới với vai trò là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tới vụ án.
Không chỉ có vậy, Giám đốc của Công ty TNHH Thiên Sơn là đơn vị cung cấp hệ thống máy chạy thận và dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống này cũng vắng mặt tại toà.
Rõ ràng sự vắng mặt của ông Dương và Giám đốc Công ty TNHH Thiên Sơn tại tòa là điều rất bất thường vì đây là 2 cá nhân có pháp nhân và vai trò rất lớn liên quan tới vụ tai biến vì họ là những người ký kết hợp đồng kinh tế về việc hợp tác đặt máy chạy thận nhân tại tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, cũng như liên quan tới các dịch vụ bảo trì, sửa chữa hệ thống.
Cũng giống như cựu lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, ông Trần Văn Thắng (phụ trách Phòng vật tư Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình), ông Đinh Tiến Công (Điều đưỡng trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu) cũng không tới dự tòa với lý do sức khỏe không đảm bảo. Còn ông Hoàng Đình Khiếu (Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, phụ trách Khoa Hồi sức cấp cứu) sau một buổi tới "công đường" thì hôm sau cũng biệt tăm vì lý do... ốm.
Quả thực việc vắng mặt của những cá nhân nêu trên là những người có vai trò, trách nhiệm tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã khiến nhiều câu hỏi của HĐXX và luật sư về các tình tiết liên quan tới vụ án đã không có người trả lời.
Sự vắng mặt của các cá nhân nêu trên không chỉ gây bất lợi cho các bị cáo, nhất là đối với bác sĩ Lương mà còn khiến quá trình xét xử vụ án khó đảm bảo được "công bằng, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội" ... như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.
Hơn nữa, việc vắng đồng loạt của các cá nhân có liên quan trên không chỉ khiến những người dân không quản ngại vất vả tới theo dõi phiên tòa mà tất cả dư luận, công đồng xã hội đều rất bức xúc, phẫn nỗ trước thái độ vô trách nhiệm, bỏ mặc đồng nghiệp và cấp dưới của một số người có trách nhiệm tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
|
Phiên tòa xét xử vụ án tai biến chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình có nhiều bất thường khiến dư luận không khỏi băn khoăn và bức xúc. |
Những ngày tới, phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra, dư luận rất ngóng chờ xem các "Bao công" ở chốn công đường - TAND TP Hòa Bình sẽ tiếp tục điều hành phiên tòa, xét xử các bị cáo ra sao?! Nhưng rõ ràng sự thoái thác, vắng mặt đồng loạt của những người có chức sắc liên quan tới vụ án tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình trong những ngày tòa diễn ra là có mục đích, chủ ý, khiến dư luận phải đặt câu hỏi rằng họ đang cố tình trốn tránh trách nhiệm và đổ hết tội lỗi cho cấp dưới của mình!
Theo Quốc Lập/Sài Gòn giải phóng