Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung với ông Trầm Bê (SN 1959, tại Trà Vinh) - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng Phương Nam) cùng 8 người khác về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo điều 206 BLHS 2015.
Riêng bị can Dương Thanh Cường (SN 1966), nguyên tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng thương mại Bình Phát, bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị can Dương Thanh Cường đang thụ án tù chung thân cho hàng loạt bản án khác nhau về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Kết luận điều tra cho thấy, Dương Thanh Cường đã có hành vi ký hồ sơ vay vốn gian dối, dùng tài sản đảm bảo là khu đất 10,5ha tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM là đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch không thể sang tên cho công ty Thanh Phát (công ty của Dương Thanh Cường) và đang thế chấp tại ngân hàng Agribank chi nhánh 6 để được ngân hàng Phương Nam cho vay và chiếm đoạt số tiền 185 tỷ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân.
Hành vi của Dương Thanh Cường gây thiệt hại cho ngân hàng Phương Nam số tiền lãi là 146 tỷ đồng.
|
Bị can Trầm Bê. Ảnh VNE |
Cụ thể, tháng 4/2018, Dương Thanh Cường mượn lại 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang đến gặp ông Trầm Bê để thế chấp vay tiền. Sau khi được cán bộ sở giao dịch Ngân hàng Phương Nam thẩm định hồ sơ, hội đồng tín dụng gồm Phan Huy Khang (chủ tịch), Phan Thị Hồng Vân và Trầm Viết Trung (ủy viên) đã ký duyệt cho công ty của Cường vay 130 tỷ đồng và yêu cầu sở giao dịch phải thực hiện đầy đủ 8 điều kiện trước khi cho vay.
Bản thân ông Trầm Bê đã phê duyệt cho công ty của Dương Thanh Cường vay không điều kiện và không theo đề nghị của hội đồng tín dụng. Từ đó, các ông Ngô Văn Huổi, PGĐ kiêm ủy viên Hội đồng tín dụng Sở giao dịch và nguyên Giám đốc Trung tâm xét duyệt tín dụng kiêm Ủy viên Hội đồng tín dụng ngân hàng Phương Nam cùng Phạm Trường Giang, Trần Quang Thắng (cán bộ tín dụng) đã giải ngân 130 tỷ mà không có bất kỳ chứng từ chứng minh việc sử dụng vốn vay. Sau đó, ông Cường dùng hơn 2 tỷ để trả lãi vay, còn lại gần 128 tỉ sử dụng cá nhân.
Tháng 5/2008, Dương Thanh Cường đến Ngân hàng Phương Nam gặp Trầm Bê xin vay thêm tiền. Lúc này, ông Trầm Bê đồng ý cho Cường vay thêm bằng cách đảo nợ ký hợp đồng vay mới, sau đó sử dụng tiền giải ngân để tất toán hợp đồng lần 1 và rút thêm tiền. Trình tự thủ tục xét duyệt cho vay như lần 1.
Ngân hàng Phương Nam đã giải ngân cho Cường hơn 57 tỷ đồng và 9.000 lượng vàng, tổng cộng là 221,3 tỷ đổng. Bị can Cường dùng số tiền này để tất toán khoản vay trước, trả 32 tỷ đồng lãi, còn lại hơn 57 tỷ sử dụng cá nhân.
Sau đó, do không có tiền trả nợ, Dương Thanh Cường tiếp tục đến gặp Trầm Bê xin gia hạn nợ. Ông Bê đồng ý cho Cường gia hạn nợ bằng cách đảo nợ, ký hợp đồng tiền vay mới lần 3. Đến đầu năm 2010, Cường gán toàn bộ 23 bất động sản cho Ngân hàng Phương Nam để thanh lý các khoản nợ.
Kết quả điều tra xác định ông Dương Thanh Cường dùng nhiều thủ đoạn gian dối, mang tài sản đang thế chấp tại Agribank đi vay và chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Phương Nam. Tính đến năm 2010, số tiền ông Cường nợ ngân hàng cả gốc và lãi là hơn 331 tỷ đồng (trong đó, vốn gốc là 185 tỷ đồng bị Cường chiếm đoạt và tiền lãi là 146 tỷ đồng).
Ông Trầm Bê cùng các thuộc cấp đã ký duyệt hồ sơ giải ngân cho công ty của Cường vay đối với tài sản thế chấp là đất nông nghiệp, hồ sơ của doanh nghiệp không đủ điều kiện, đồng thời giải ngân cho công ty của Cường trước khi công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm, gây thiệt hại lớn.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đối với ông Trầm Bê và các bị can bị khởi tố, điều tra về hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng quy định tại Điều 206 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Cấp tín dụng cho trường hợp không được cấp tín dụng, trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng;
b) Cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định của pháp luật;
c) Vi phạm quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng;
d) Cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng đối với trường hợp phải có tài sản bảo đảm;
đ) Vi phạm quy định của pháp luật về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng;
e) Cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
g) Vi phạm quy định của pháp luật về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng;
h) Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả;
i) Kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép;
k) Tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng.
Đối với mức thiệt hại cực kì nghiêm trọng nêu trên (theo thống kê khoảng 331 tỷ đồng) thì mức phạt sẽ được áp dụng tại khoản 4 điều 206 “4. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.”
|
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa. |
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung: “Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Tuy nhiên, để xác định ông Trầm Bê và những bị can khác có phạm tội không? Hình phạt cụ thể là bao nhiêu? Có được hưởng tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng không?... Điều này cần phải trải qua cả một quá trình tố tụng theo quy định của luật, phải có bản án có hiệu lực của tòa án có thẩm quyền.
“Việc xác định rõ, xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm trong hoạt động của lĩnh vực ngân hàng cũng là sự răn đe và bài học lớn để các cá nhân, tổ chức thận trọng, tôn trọng các quy định của pháp luật”, Luật sư Hoàng Tùng cho hay.
>>> Mời độc giả xem thêm video Trầm Bê không phục tội danh bị truy tố:
Hải Ninh