Liên quan vụ việc nữ trưởng phòng Đắk Lắk "mượn" bằng chị gái để tiến thân, ngày 1/1/2020, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk đã phát đi thông cáo về việc xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân liên quan.
Trong số các cá nhân bị xem xét kỷ luật có ông Trần Phú và ông Bùi Văn Bang, hai cựu Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk dù được xác định có thiếu sót, khuyết điểm trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm phụ trách kế toán, chuyển ngạch bổ nhiệm làm phụ trách kế toán và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó trưởng phòng Quản trị, xem xét đề nghị kết nạp chưa đúng quy định.
Do vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã quyết nghị thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Trần Phú và ông Bùi Văn Bang. Tuy nhiên, theo Quy định 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị “về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm” thì sai phạm, khuyết điểm của ông Trần Phú và Bùi Văn Bang đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật. Vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất không ban hành quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Trần Phú và ông Bùi Văn Bang.
|
Bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thêm). |
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, những trường hợp hotgirl thăng tiến thần tốc, những trường hợp “nâng đỡ không trong sáng” hotgirl xảy ra trong cơ quan nhà nước không còn là chuyện lạ.
Những sự việc như vậy khiến người dân nghi ngờ về những khuất tất, tiêu cực trong công tác cán bộ, nghi ngờ sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Bởi vậy, việc xác định làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, xử lý kỷ luật đảng là cần thiết để đảm bảo công bằng, lấy lại niềm tin trong nhân dân.
Việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức hiện nay được thực hiện theo quy định tại Nghị định 34/2011/NĐ-CP với nguyên tắc kịp thời, nghiêm minh, công bằng, đúng pháp luật.
Các hình thức kỷ luật có thể áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là: khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; buộc thôi việc. Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc.
Theo điều 6 Nghị định 34 cũng quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật như sau: Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến thời điểm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật.
Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của công chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật quy định tại Điều 15 Nghị định này phải ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật. Thông báo phải nêu rõ thời điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật, thời điểm phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật và thời hạn xử lý kỷ luật.
Như vậy theo quy định tại điều 6 của Nghị định 34 thì thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật. Điểm hạn chế của nghị định này là tính thời hạn kể từ thời điểm có hành vi vi phạm kỷ luật chứ không tính từ thời điểm phát hiện ra hành vi vi phạm.
Bởi vậy, sự việc vi phạm của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (Trần Thị Ngọc Thêm) đã xảy ra cách đây nhiều năm, tính về thời hiệu thì đến nay đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật công chức theo quy định tại Điều 6, Nghị định 34 nêu trên.
Về nguyên tắc thì việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức chỉ được tiến hành trong thời hiệu, thời hạn mà pháp luật quy định. Quá thời hiệu thì cơ quan có thẩm quyền không có quyền xử lý đối với hành vi vi phạm đó.
Đối với các hành vi vi phạm mà thời hiệu được tính từ khi phát hiện hoặc có trường hợp không tính thời hiệu nếu trốn tránh, cản chở thì mới áp dụng theo các quy định đó. Còn nếu quy định như điều 6 của nghị định này thì thời hiệu tính từ thời điểm vi phạm, trong thời hạn 24 tháng thì cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành xử lý vi phạm. Nếu quá thời hạn trên mới phát hiện thì không còn điều kiện để xử lý kỷ luật.
>>> Mời độc giả xem video Nghi vấn "nâng đỡ không trong sáng" tại Đắk Lắk:
Những cá nhân bị xử lý kỷ luật, yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm gồm:
Bà Trần Thị Ngọc Ái Sa bị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đã xem xét, kết luận và ban hành quyết định khai trừ ra khỏi Đảng và Văn phòng Tỉnh ủy đã xem xét, thi hành kỷ luật buộc thôi việc.
Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng kinh doanh, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (chồng bà Trần Thị Ngọc Thêm) bị UBKT Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đã kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì đã khai lý lịch xin vào Đảng và lý lịch đảng viên của mình không trung thực; để vợ sử dụng tên, tuổi và văn bằng của chị ruột vợ để đi học, tuyển dụng, kết nạp Đảng, bổ nhiệm các chức vụ công tác.
Các ông Trần Xuân Bảy, Bí thư chi bộ Nhà khách tỉnh Đắk Lắk; ông Trần Phú - nguyên Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; ông Bùi Văn Bang - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Đắk Lắk, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy bị các cơ quan chức năng quyết nghị thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách do có những thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình công tác trước đó liên quan đến sai phạm của bà Sa. Tuy nhiên, do hết thời hiệu xử lý kỷ luật nên không ban hành quyết định thi hành kỷ luật.
UBKT cũng yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với: bà H’Kim Hoa Byă (Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk), ông Bạch Văn Mạnh (Giám đốc Sở Nội vụ), bà Phạm Thị Long (Bí thư chi bộ Phòng Hành chính, Tiếp dân, Lưu trữ), ông Trần Quang Tân (Phó bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh), ông Lê Tiến Hùng (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất Nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk), bà Phạm Thị Lan (nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Trưởng phòng Hành chính - Tiếp dân Văn phòng Tỉnh ủy).
Hải Ninh