Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm. Và chắc, khó có người dân ở quốc gia nào trên thế giới này lại thấm thía nỗi đau bom mìn như dân Việt Nam.
Vậy mà, giữa thời bình, tiếng nổ xé trời vẫn xảy ra. khung cảnh hoang tàn. 2 trẻ em tử vong, 7 người bị thương, 5 ngôi nhà bị sập và hàng trăm ngôi nhà xung quanh bị thiệt hại, vỏ đạn bắn xa nhất cách đó 4km.
|
2 trẻ em tử vong, 7 người bị thương, 5 ngôi nhà bị sập và hàng trăm ngôi nhà xung quanh bị thiệt hại, vỏ đạn bắn xa nhất cách đó 4km. |
Vụ nổ ở Bắc Ninh xảy ra lúc 4h10 phút sáng 3/1 khi mọi người đang ngủ say. Nếu nó phát nổ vào ban ngày thì đó quả thật là một thảm hoạ không thể tưởng tượng nổi mà tôi không muốn nghĩ đến.
Họ bất chấp đưa những vũ khí chiến tranh này tập kết giữa khu dân cư, giữa những người dân thường vô tội. Những ngày đầu năm mới 2018, hai đứa trẻ nhỏ đã chìm vào giấc ngủ vĩnh viễn, thật là buồn!
Làng tập kết máy bay, xe tăng
Nghề thu mua phế liệu có từ bao giờ? Khó có được câu trả lời chính xác. Nhiều ý kiến cho rằng, nó ra đời sau khi đất nước hòa bình, trong thời bao cấp khi mà cái gì cũng thiếu thốn.
Người ta nhặt nhạnh từng cái lông gà, lông vịt, vỏ chai để bán đồng nát, kiếm thêm chút tiền cải thiện thu nhập. Không chỉ có vậy, cái nghề này còn góp phần vào việc giữ gìn môi trường, tận dụng được nguyên liệu đồng, nhôm để tái chế sử dụng.
Những ngôi làng phế liệu mọc lên. Làng Quan Độ (xã Văn Độ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) là một trong số đó. Ngôi làng này đã trở thành nơi tập trung đồ phế thải kim loại từ cả chục năm nay.
Ngay ở lối vào làng ngổn ngang các dãy thân xác máy bay to, chiếc đã xẻ vỏ, cái chỉ còn trơ động cơ, nguyên ghế ở buồng lái hoặc phơi cả khoang lái đổ ra đường. Có những năm người dân nơi đây đã mua được hơn 20 chiếc máy bay quân sự bỏ đi đủ loại từ MiG 19, MiG 21 đến IL18.
Những chiếc xe quân sự cũ hỏng cũng được xe kéo, cẩu mang đến đây bán đồng nát. Điện thoại của bộ đội thông tin và màn hình máy vi tính, bánh xích xe tăng…
Từ đây, người dân sẽ bóc, “mổ” từng thiết bị để phân ra từng loại như sắt, đồng, nhôm sau đó cung cấp cho các làng nghề tái chế kim loại. Nghề đống nát đã giúp cho nhiều người Quan Độ không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành những đại gia, sắm nhà lầu xe hơi từ nghề… đồng nát. Nhưng, chẳng ai có thể ngờ…
Tiếng nổ long trời, lở đất
“Tôi đang ngủ thì nghe thấy tiếng nổ vang trời, tỉnh dậy thì thấy trong phòng kính cửa vỡ tung tóe. Quá sợ hãi tôi và vợ đã vội vàng bế con chạy ra khỏi nhà. Giờ nhà còn đang ngổn ngang không biết ra sao”, anh H. sống gần hiện trường kể lại.
Theo ghi nhận của phóng viên Câu chuyện Pháp luật, hiện trường là đống đổ nát hoang tàn, các loại đầu đạn súng trường xuất hiện ở nhiều nơi.
Giữa đống đổ nát còn xuất hiện một hố sâu nghi là tâm vụ nổ. Người dân cho biết, do ảnh hưởng của vụ nổ hầu hết nhà của các hộ dân sống cạnh hiện trường vụ nổ đều bị vỡ kính, sập trần, mái tôn.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, người dân đã nhanh chóng đưa các nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, hai cháu nhỏ miệng còn mùi sữa thì không có được niềm may mắn là sự sống đó. Hai em đã tử vong trước khi được đưa đến bệnh viện là bé Nguyễn Tiến N. (1 tuổi) và Đặng Thùy Tr. (2 tuổi).
Các bệnh nhân đang điều trị tại BV đa khoa tỉnh Bắc Ninh gồm: bà Nghiêm Thị Hằng (49 tuổi) bị đa chấn thương, vết thương trán, theo dõi chấn thương sọ não.
Anh Nguyễn Văn Lợi (29 tuổi) bị đa chấn thương, dị vật nằm gót chân phải, anh Đặng Đình Tiến (32 tuổi) bị đa chấn thương, chị Đặng Thị Thắm (23 tuổi) bị đa chấn thương, vỡ xương chậu, theo dõi vỡ bàng quang nặng được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức chữa trị.
Không dừng lại ở đó, khoảng 14h30 chiều 3/1, người đàn ông tên Hà (45 tuổi, quê Thanh Hóa) trong lúc thu nhặt đầu đạn rơi vãi xung quanh xưởng mộc nơi mình làm việc (cách hiện trường vụ nổ kinh hoàng khoảng 100m) thì bất ngờ có một viên đạn phát nổ khiến nạn nhân bị cụt gần hết 3 ngón, dập nát bàn tay trái.
Chân và tay phải bị nhiều mảnh đạn găm vào. Sau vụ việc nghiêm trọng trên, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, công an tỉnh, cảnh sát PCCC tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự cùng các cơ quan, ban ngành đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo giải quyết.
Cần làm rõ nguồn vật liệu nổ ở đâu ra?
Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ nổ tại các cơ sở thu mua phế liệu dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Chúng ta hẳn còn nhớ vụ nổ kinh hoàng xảy ra ở cửa hàng thu mua phế liệu ở Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) vào ngày 19/3/2016 khiến 4 người tử vong.
Tối 3/1, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Tiến, 54 tuổi, ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, hiện đang cư trú tại Phố Mới, phường Đình Bảng, TX. Từ Sơn, Bắc Ninh vì có hành vi “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng” quy định tại Khoản 3, Điều 304 Bộ luật Hình sự 2015.
Bước đầu, ông Nguyễn Văn Tiến khai nhận, từ cuối năm 2016 có thu mua một số tấn đầu đạn cũ loại 12 ly 7 và 14 ly 5 về để tháo dỡ phế liệu, số đầu đạn trên được tập kết tại khu vực sân vườn nhà và xảy ra vụ nổ.
Liên quan đến vụ việc trên, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và UBND tỉnh Bắc Ninh khẩn trương điều tra, xác minh về nguồn gốc vật liệu gây nổ; có biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm về quản lý vũ khí, vật liệu nổ... để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/1/2018.
Theo Châu Long / Pháp Luật Plus