Mới đây, việc cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố ông Nguyễn Hữu Tín - nguyên Phó chủ tịch UBND TP HCM cùng 4 bị can liên quan vụ án giao đất tại số 15 Thi Sách (TP HCM), khiến “trùm mafia thao túng đất vàng” Vũ "nhôm" tiếp tục được dư luận quan tâm. Nhiều câu hỏi được đặt ra, có bao nhiêu cán bộ, quan chức dính chàm, liên quan đến Vũ nhôm? Vì sao có cả những quan chức cấp cao lại ngã ngựa, lao vòng lao lý vì Vũ nhôm?
Phan Văn Anh Vũ – tức Vũ "nhôm", trước đây được biết đến là đại gia bất động sản khi những lô đất vàng tại TP Đà Nẵng và HCM liên tục rơi vào tay của Vũ nhôm với “giá bèo” cùng những phi vụ chuyển nhượng đất đai có giá chênh lệch lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Đáng chú ý, hầu hết các dự án thao túng nhà đất công sản của Vũ "nhôm" đều được mua bán không qua đấu giá. Sau khi mua nhà đất công sản, Vũ "nhôm" không sử dụng được mục đích như tờ trình xin mua ban đầu mà đem bán để hưởng giá trị chênh lệch. Thậm chí, nhiều lô đất, Vũ “nhôm” đã hưởng chênh lệch hàng trăm tỷ đồng chỉ với việc mua bán trên giấy. Tất nhiên để làm được điều đó, Vũ "nhôm" có sự tiếp tay của một số quan chức các tỉnh thành và các ngành địa phương.
|
Phan Văn Anh Vũ đã khiến hàng chục quan chức dính chàm. |
Do vậy, liên quan các vụ án kinh tế, chức vụ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 5 vụ án và 26 bị can về các tội danh Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại các Điều 219, 229 và 356 BLHS năm 2015 và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 285 BLHS năm 1999.
Trong đó, đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Phan Văn Anh Vũ về 3 tội danh Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, Vi phạm các quy định về quản lý đất đai và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại các Điều 219, 229 và 356 BLHS năm 2015.
Đồng thời, khởi tố bị can, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các ông Trần Việt Tân, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo và ông Bùi Văn Thành, nguyên Cục trưởng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 BLHS năm 1999; khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM về 2 tội danh Vi phạm các quy định về quản lý đất đai và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch UBND TP.HCM về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Ngoài ra, các cá nhân còn lại bị khởi tố đều là lãnh đạo các sở, ngành của TP Đà Nẵng và TP.HCM cùng một số lãnh đạo doanh nghiệp ở Đà Nẵng. Trước đó, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cũng bị kỷ luật đến mức mất hết các chức vụ trong Đảng cũng vì liên quan đến Vũ "nhôm".
Tuy nhiên, con số cán bộ bị xử lý kỷ luật, khởi tố chắc chắn chưa dừng lại ở con số trên khi những vụ việc tương tự còn xảy ra tại nhiều địa phương. Nếu mở rộng. danh sách quan chức liên quan đến Vũ nhôm chắc sẽ còn kéo dài.
Việc hàng loạt “quan to, quan nhỏ” bị khởi tố, truy tố, kết án liên quan đến Vũ nhôm khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Vì sao nhiều quan chức cấp cao lại ngã ngựa, sa vào lao lý vì Vũ nhôm?
Qua các vụ án kinh tế, chức vụ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, hàng chục cán bộ, lãnh đạo, cựu lãnh đạo bị khởi tố là minh chứng cho thấy sự bắt tay giữa những người có chức có quyền với doanh nghiệp tạo thành nhóm lợi ích nguy hại khi lũng đoạn chính sách nhằm trục lợi với số tiền lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, gây thất thoát lớn cho tài sản, đất đai của nhà nước.
Đây là ví dụ điển hình của sự móc ngoặc, thông đồng giữa các đối tượng thoái hoá, biến chất trong đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước với các đối tượng bên ngoài, giữa khu vực công và khu vực tư dưới các hình thức như thành lập các công ty “sân sau” dùng ảnh hưởng của mình để thâu tóm đất công sản; rút tiền của nhà nước... Đáng quan ngại đó là một chu trình khép kín, lợi dụng các khe hở của cơ chế, chính sách để hoạt động phạm tội, gây thiệt hại tài sản đặc biệt lớn.
Thực tế, trong hàng chục dự án bất động sản là công sản được bán cho Vũ nhôm hoặc các doanh nghiệp có liên quan đến Vũ "nhôm" không qua đấu giá, hoặc nếu có đấu giá thì với giá rẻ mạt, làm thất thu ngân sách hàng ngàn tỷ đồng. Sau đó, Vũ nhôm hoặc doanh nghiệp của Vũ nhôm bán lại số đất này và thu lợi hàng trăm tỷ đồng. Vũ nhôm trở thành đại gia bất động sản không phải từ làm ăn chân chính mà đó là sự dịch chuyển từ tài sản công sang làm của tư trái quy định của pháp luật dưới sự tiếp tay của những người có chức quyền nhưng thoái hóa biến chất. Tất nhiên số tiền chênh lệch trên không phải một mình Vũ nhôm được hưởng lợi bởi không ai bất chấp vi phạm pháp luật vẫn làm mà không vì lý do tư lợi bản thân.
Rõ ràng, sự bắt tay giữa nhóm lợi ích có sự góp mặt của một số cán bộ như trên đã làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư khi những doanh nghiệp chân chính phải nép vế trước những doanh nghiệp sân sau vốn được một số cán bộ cao cấp thoái hóa biến chất bao bọc dẫn đến sự mất niềm tin của các nhà đầu tư có năng lực.
Việc hàng chục cán bộ, cựu cán bộ cao cấp bị xử lý do liên quan vụ án Vũ nhôm một lần nữa lại chứng minh cho quan điểm của Đảng là không có “vùng cấm” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Bất cứ ai, khi đã sai phạm, có khuyết điểm trong việc quản lý đất nước, quản lý kinh tế, ảnh hưởng đến Đảng, đến nhân dân thì dù ở cấp nào cũng đều bị xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, sẽ khiến nhiều quan chức “chưa nhúng chàm” sẽ biết sợ bởi hàng chục tấm gương tày liếp trong vụ Vũ nhôm.
Tâm Đức