Liên quan đến vụ sau khi xin nghỉ việc, công nhân bị giám đốc công ty Iiyama Seiki Việt Nam bêu thông báo sa thải kèm hình ảnh kéo cắt cổ khiến dư luận dậy sóng, chiều ngày 27/9, giám đốc công ty này đã có thư xin lỗi tới toàn thể người lao động.
Ông Yoshiharu Jin, giám đốc công ty Iiyama Seiki đã có thư xin lỗi bằng hai thứ tiếng là tiếng Việt và tiếng Nhật gửi đến toàn thể công nhân công ty. Trong thư, ông Yoshiharu Jin có nêu: “Tôi thực lòng xin lỗi toàn thể công nhân viên vì một số hành vi thô lỗ của tôi với tất cả mọi người”.
Đồng thời giám đốc người Nhật này cũng cam kết: “Từ nay về sau tôi sẽ không làm những việc thô lỗ như thế này nữa. Tôi sẽ trở thành một người quản lý tốt, luôn bàn bạc với chủ tịch Công đoàn và lắng nghe ý kiến của người lao động”.
|
Sau khi xin nghỉ việc, công nhân bị giám đốc công ty Iiyama Seiki Việt Nam bêu thông báo sa thải kèm hình ảnh kéo cắt cổ khiến dư luận dậy sóng. |
Trước đó, như tin đã đưa, 2 công nhân của công ty Iiyama Seiki là anh Trịnh Quang Vinh và anh Nguyễn Văn Thuấn có đơn xin nghỉ việc, đã được lãnh đạo công ty chấp thuận trong đơn. Tuy nhiên, chiều 23/9, vị giám đốc công ty này lại ký thông báo và dán lên bảng tin công ty với nội dung sa thải 2 công nhân trên, kèm theo hình ảnh một người đàn ông bị cây kéo cắt ngang cổ, vụ việc khiến dư luận “dậy sóng” và vô cùng bức xúc.
Tập thể người lao động công ty Iiyama Seiki cũng có đơn, phản ánh bị ông giám đốc này chèn ép, đối xử không đúng, khi thường xuyên vào nhà vệ sinh chụp ảnh công nhân đưa lên trang mạng nội bộ; tự ý ra vào phòng nghỉ của công nhân trong giờ nghỉ để kiểm tra, gây mất giấc ngủ và quyền riêng tư của công nhân.
Trước sự việc này, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng đã có buổi làm việc với đại diện Công ty Iiyama Seiki. Theo đó xác định, việc các công nhân Vinh, Thuấn có đơn xin nghỉ, Công ty đồng ý và ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động là đúng quy định. Tuy nhiên việc giám đốc Công ty dán văn bản thông báo sa thải kèm theo hình ảnh phản cảm là không đúng.
Đối với phản ánh về việc giám đốc Công ty vào phòng nghỉ, nhà vệ sinh chụp ảnh, công ty có quyền giám sát việc thực hiện nội quy lao động, tuy nhiên việc vào nhà vệ sinh, phòng nghỉ chụp ảnh khi không được người lao động đồng ý là không đúng quy định. Cuối buổi làm việc, sau khi thảo luận các bên thống nhất việc giám đốc sẽ có thư xin lỗi và cam kết không có những hành vi nêu trên. Công ty xây dựng quy chế dân chủ, quy định rõ thời gian tổ chức đối thoại, Hội nghị người lao động giải quyết vấn đề vướng mắc và nghe đề xuất kiến nghị của người lao động.
Đồng thời, Công đoàn công ty phải thành lập các tổ công đoàn và tổ chức họp ngay để tập hợp ý kiến của người lao động, để đưa ra giải quyết tại Hội nghị người lao động nêu trên.
>>> Mời độc giả xem thêm video Lê Văn Luyện gửi lời xin lỗi sau 12 năm: Ai sẽ chấp nhận?
(Nguồn: Truyền hình Quốc hội Việt Nam)
Thiên Di