Vụ Đồng Tâm: Thấy gì từ ông Lê Đình Kình chủ mưu gây rối?

Google News

(Kiến Thức) - Thiếu tướng Tô Ân Xô – Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, các đối tượng bị bắt giữ đã có những lời khai ban đầu thể hiện ông Lê Đình Kình chính là người chủ mưu, cầm đầu việc gây rối, chống đối lực lượng chức năng.

Ông Lê Đình Kình giữ vai trò gì?
Vụ việc chống người thi hành công vụ, giết người, Tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép xảy ra tại Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) ngày 9/1 đã khiến 3 cán bộ chiến sỹ công an hy sinh và một đối tượng chống đối tử vong được xác định là ông Lê Đình Kình.
Dư luận đặt câu hỏi, ông Lê Đình Kình giữ vai trò gì trong vụ việc này.
Trao đổi với báo chí mới đây, Thiếu tướng Tô Ân Xô – Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, các đối tượng bị bắt giữ đã có những lời khai ban đầu thể hiện ông Lê Đình Kình (82 tuổi, ở Đồng Tâm) chính là người chủ mưu, cầm đầu việc gây rối, chống đối lực lượng chức năng.
Theo chương trình thời sự của VTV, sau khi bị bắt, một đối tượng tên Nguyễn Văn Tuyển (xã Đồng Tâm) khai rằng: "ông Lê Đình Kình bảo cứ cho 3 người chết là phải chạy hết"; một người tên Công cũng hô hào "không phải bàn cãi nhiều, cứ vào là chết".
Vu Dong Tam: Thay gi tu ong Le Dinh Kinh chu muu gay roi?
 Ông Lê Đình Kình và vật liệu nổ các đối tượng dùng để chống đối lực lượng chức năng. Ảnh: VTV.
Ông Lê Đình Kình được xác định là người đứng đầu “Tổ đồng thuận” ký các đơn thư khiếu kiện liên quan tới khu đất Đồng Sênh đã được giao cho đơn vị Quốc phòng quản lý từ lâu.
Sáng 9/1/2020, khi một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn theo kế hoạch, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ. Hậu quả 3 cán bộ công an hi sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương. Ông Lê Đình Kình chính là người tử vong trong quá trình chống đối.
Các đơn vị chức năng đã khống chế và bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 9/1/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội giết người; chống người thi hành công vụ; tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép và khẩn trương tiến hành các biện pháp điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. Tại hiện trường, bước đầu thu giữ 8 quả lựu đạn, 38 chai bom xăng, 20 lít xăng, 12 tuýp sắt đầu gắn dao nhọn, 3 hộp pháo sáng, 1 khẩu súng bắn điện, 1 thanh kiếm, 1 búa.
Vụ việc Đồng Tâm diễn biến như thế nào?
Vụ việc xảy ra mới đây ở Đồng Tâm là vụ án đặc biệt nghiêm trọng khi các đối tượng đã gây ra hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép, chống người thi hành công vụ, giết người khiến 3 cán bộ công an hy sinh. Hiện cơ quan công an đã bắt giữ một số đối tượng đồng thời khởi tố vụ án đề điều tra. Tuy nhiên, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin xuyên tạc, sai bản chất của vụ việc, gây hoang mang dư luận. Vậy vụ việc ở Đồng Tâm diễn biến như thế nào và bản chất của vụ việc này là gì?
Tóm tắt lại toàn bộ vụ việc ở Đồng Tâm cho thấy, biến cố Đồng Tâm bắt nguồn từ năm 1980 khi Bộ Quốc phòng được giao xây dựng sân bay Miếu Môn trên địa bàn 3 xã của huyện Chương Mỹ và xã Đồng Tâm. Năm 2014, Bộ Quốc Phòng có quyết định giao đất cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) tiếp nhận, quản lý, sử dụng vào công trình quốc phòng A1, trong đó có 46 ha thuộc xã Đồng Tâm. Đây là khu đất đồng Sênh, nơi người dân canh tác hàng chục năm qua. Khi đó, người dân kiến nghị làm rõ đâu là đất nông nghiệp, đâu là đất quốc phòng.
Cuối năm 2016, vụ việc nóng lên khi hoạt động giải phóng mặt bằng diễn ra ở đồng Sênh trong sự phản đối của người dân. Đỉnh điểm ngày 15/4/2017, khi 4 người bị bắt để phục vụ điều tra vụ án Gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất ở xã Đồng Tâm. Hành động này vấp phải sự phản ứng dữ dội của người dân bởi trong số đó có cụ Lê Đình Kình (82 tuổi), người có tiếng nói và ảnh hưởng lớn đối với dân làng Hoành (Đồng Tâm). Ông Kình có hơn 60 năm tuổi Đảng, nguyên là Bí thư đảng ủy xã. Sau đó, ông Lê Đình Kình và những người khác bị đưa đi, một số công dân Đồng Tâm đã đập phá ôtô. 38 người (gồm cán bộ huyện Mỹ Đức, chiến sĩ công an, cảnh sát cơ động) bị người dân giữ trong nhà văn hóa thôn Hoành. Sau đó, người dân đã tự phong tỏa, lập các chốt chặn các lối vào thôn.
Vu Dong Tam: Thay gi tu ong Le Dinh Kinh chu muu gay roi?-Hinh-2
 Lực lượng chức năng bảo vệ hiện trường vụ việc. Ảnh: TTXVN
Ngày 17/4/2017, sau khi trao đổi điện thoại với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, người dân đã thả 15 cảnh sát cơ động và 3 người tự giải thoát. Đồng thời, 4 người dân Đồng tâm bị bắt trước đó đã được thả, riêng cụ Lê Đình Kình vẫn nằm viện điều trị.
Tại cuộc đối thoại với người dân Đồng Tâm ngày 20/4/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã cam kết làm rõ nguồn gốc đất khu sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng hay đất nông nghiệp - mấu chốt cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của nhiều người dân Đồng Tâm; điều tra đúng sai việc bắt 4 người. Sau đó, Thanh tra TP Hà Nội quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước tới nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn.
Ngày 22/4, ông Nguyễn Đức Chung về UBND xã Đồng Tâm đối thoại trực tiếp với người dân. Ghi nhận 21 vấn đề bức xúc của bà con và hứa sẽ chỉ đạo giải quyết công tâm nhất. Sau đó ông Chung tới Nhà văn hóa thôn Hoành. Sau gần 2 giờ làm việc, toàn bộ 19 chiến sĩ được trở về nhà. Đáng chú ý thời điểm đó, ông Nguyễn Đức Chung đã viết bản cam kết 3 điểm. Trong đó cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm.
Ngày 13/6/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại xã Đồng Tâm, để điều tra về 2 tội danh: “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Ngày 7/7/2017, Thanh tra thành phố Hà Nội công bố Dự thảo kết luận thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm. Theo hồ sơ quản lý đất nông nghiệp của UBND xã Đồng Tâm, xã Đồng Tâm không có đất nông nghiệp diện tích 59ha hoặc 49ha xứ đồng Sênh như ông Lê Đình Kình và một số công dân nêu. Đối với việc giải phóng mặt bằng một số hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng, Thanh tra TP Hà Nội đã kết luận những sai phạm trong việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 14 hộ dân. Đồng thời, những cán bộ để xảy ra sai phạm cũng đã bị xử lý. Cụ thể, Bí thư xã Đồng Tâm bị khai trừ Đảng, 3 lãnh đạo khác bị cảnh cáo và một bị khiển trách.
Không đồng tình, ông Lê Đình Kình (đại diện cho một số người dân có khiếu kiện ở xã Đồng Tâm) gửi đơn lên Thanh tra Chính phủ đề nghị giải quyết và xem xét tính chính xác, hợp pháp của kết luận mà Hà Nội công bố.
Khi người dân không đồng ý với kết luận thanh tra của Hà Nội thì Thanh tra Chính phủ cũng đã vào cuộc, làm rõ tất cả các vấn đề có liên quan. Thanh tra Chính phủ kết luận, theo quy định của pháp luật về đất đai, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP. Hà Nội giao cho các đơn vị quân đội quản lý, sử dụng vào mục đích quốc phòng.
Tháng 8 và tháng 11/2019, Thanh tra Chính phủ và thành phố Hà Nội lần lượt có các cuộc họp để thông tin, đối thoại với nhiều người dân xã Đồng Tâm và các xã tiếp giáp với sân bay Miếu Môn. Đến cuối năm 2019, lực lượng chức năng bắt đầu xây dựng tường rào bảo vệ sân bay này thì xảy ra sự việc trên.
Đất khu vực sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng
Kết luận của Thanh tra TP Hà Nội cho thấy, từ năm 1981 đến nay, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn có các mốc giới bê tông cốt thép được cắm trên thực địa còn nguyên là đất quốc phòng, do các đơn vị quốc phòng quản lý và sử dụng, có diện tích 236,9ha, tăng 28,9ha so với diện tích ghi trong Quyết định số 113/QĐ-TTg ngày 14/4/1980 của Thủ tướng Chính phủ. Phần đất tăng thêm này chủ yếu do trừ đường giao thông chạy qua, do sai số đo đạc ở các thời điểm, không làm ảnh hưởng đến việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng.
Quyết định số 386-QĐ/UB ngày 10/11/1981 của UBND tỉnh Hà Sơn Bình, Bộ Tư lệnh Công binh đã nhận bàn giao, đền bù 236,9ha đất, trong đó có 64,66ha đất thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm do 3 đơn vị bàn giao.
Trong quá trình quản lý, các đơn vị quốc phòng (Bộ Tư lệnh Công binh năm 1981-1989, Lữ đoàn 28 Quân chủng Phòng không Không quân từ năm 1989 đến nay) đã cắm mốc giới bêtông cốt thép tại thực địa, lập các sơ đồ năm 1988, 1992 đã được các xã Trần Phú, Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ) và xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) xác nhận không có tranh chấp, bản đồ hiện trạng sân bay Miếu Môn năm 2013 xây dựng các công trình phục vụ quốc phòng.
Kết luận của TTCP sau đó cũng cho thấy, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng”. Từ thời điểm Quyết định số 5383/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội được ban hành vào ngày 20/10/2014 trở về trước, không có sự tranh chấp về diện tích đất tại sân bay Miếu Môn.  
Như vậy, các hồ sơ, giấy tờ hiện có chứng minh rõ hiện trạng đất quốc phòng, không có sự mập mờ, khuất tất nào.
Vu Dong Tam: Thay gi tu ong Le Dinh Kinh chu muu gay roi?-Hinh-3
 Đối tượng kích động vụ việc. Ảnh: TTXVN
Ông Lê Đình Kình có động cơ gì?
Theo quy định của pháp luật, những hộ dân không có quyền, lợi ích hợp pháp trong vùng đất thuộc sân bay Miếu Môn không có quyền khiếu nại kết luận của thanh tra vì không phải đối tượng của cuộc thanh tra. Bởi đối tượng của thanh tra là chính quyền các cấp của Hà Nội và các hộ sử dụng đất.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, với các hộ dân đang ở trong khu vực sân bay Miếu Môn không có ông Lê Đình Kình và các người đang đồng ý kiến với ông Lê Đình Kình. Ông Kình không có quyền và lợi ích hợp pháp trong vùng đất thuộc sân bay Miếu Môn.
"Ông Lê Đình Kình không có quyền khiếu nại kết luận Thanh tra. Theo quy định pháp luật, ông Kình chỉ có quyền phản ánh thông tin thêm về đất đai hoặc có đơn thư tố cáo về vấn đề này. Được biết ông Kình cũng đã có đơn và TP Hà Nội đã giải quyết đúng quy trình", Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định.
Chiều 27/8/2019, Thanh tra Chính phủ và UBND TP Hà Nội đã tiếp tục có thông tin về quá trình thanh tra việc quản lý, sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm (Mỹ Đức). Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi đó nói rằng, có một bộ phận đối tượng cơ hội tham gia, lợi dụng đi khiếu kiện, tố cáo để mục tiêu lấn chiếm đất. Đồng thời, lợi dụng dự án của Bộ Quốc phòng triển khai ở đây nhằm xem chính quyền thành phố có bồi thường cho mình ít đất đai nào không hay liên quan việc hỗ trợ, bồi thường các cây hoa màu trên này không và bản thân mục tiêu ông Lê Đình Kình cũng như vậy.
 "Tôi có thể khẳng định, bản thân ông Kình có huy động tiền đóng của một số đối tượng ở xã Đồng Tâm để tham gia đi khiếu kiện, lợi dụng việc khiếu kiện nhằm mục tiêu cuối cùng muốn trục lợi, gây sức ép với chính quyền xã, chính quyền huyện, TP với mục tiêu xem có được bồi thường hỗ trợ không. Đây là câu chuyện có thật", ông Chung nói.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội khi đó cho rằng, bản thân ông Kình từng có thời gian rất dài làm cán bộ chủ chốt của xã, nhiều năm làm Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an xã. Ông Kình nắm chi tiết nguồn gốc đất đai, không phải đất đai ở sân bay Miếu Môn mà rất nhiều khu đất khác.
"Tại sao trong suốt những năm ông Kình làm Chủ tịch, Bí thư xã, nếu phát hiện ra có những sai sót trong quản lý, sử dụng đất đai, với cương vị của mình không kiến nghị các cấp chính quyền liên quan đến xử lý tất cả những việc này? Tại sao suốt năm 2012, khi Bộ Quốc phòng vào giải tỏa, chuẩn bị xây dựng và giai đoạn 2014, thực hiện theo Luật đất đai 2013 cũng như khi có biến động về đất đai, Bộ Quốc phòng làm thủ tục đề nghị UBND TP cấp giấy chứng nhận mới, ông không đề nghị? Vấn đề mấu chốt chúng tôi thấy, có một bộ phận và trong nhóm đồng thuận có ý thức chủ quan thông qua khiếu kiện mong muốn trục lợi. Câu chuyện này, đảng viên, nhân dân Đồng Tâm nắm rất rõ", ông Chung nói.
Chủ tịch Hà Nội cũng nhắc lại tại buổi đối thoại ngày 22/4/2017, các cụ đại diện, trong đó, ở cả nhóm đồng thuận của ông Kình đứng dậy nhận rõ vấn đề liên quan đến sai trái của mình và xin được khoan hồng...
>>> Mời độc giả xem video Đồng Tâm đổ máu: Họ có còn là dân lành?

Nguồn VTC 14.

Tâm Đức