Từ vụ án tàn độc này cho thấy, việc quản lý, mua bán xyanua còn nhiều "lỗ hổng" và nếu không được siết chặt thì những vụ án đau lòng tương tự có nguy cơ tiếp diễn.
Những cái chết bất thường
Quán cơm bình dân của Nguyễn Thị Hồng Bích nằm trên đường Hùng Vương, mở từ nhiều năm nay và nhiều thế hệ trong gia đình như cha, mẹ, chồng, con và các anh chị em cùng về ở đây để thuận tiện sinh hoạt, kinh doanh. Bích bán thêm cơm cho các công ty trong Khu công nghiệp Ông Kèo, mỗi ngày khoảng 200 suất ăn. Vài năm trở lại đây, việc bán cơm đưa đến cho Bích những mối làm ăn mới, việc làm ăn của gia đình cũng xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Người thân nghi ngờ Bích có quan hệ ngoài luồng nên nhắc nhở thì Bích tỏ ra bực dọc, khó chịu.
|
Bích tại cơ quan điều tra. |
Đỉnh điểm là trường hợp cháu T. bị trúng độc xyanua, 5 người thân mất đột ngột trong thời gian chưa đầy 1 năm. Các thành viên trong gia đình trước khi qua đời có biểu hiện nôn ói, ngưng tim đột ngột, nhồi máu cơ tim cấp. Sau cái chết của chồng và con, Bích được hưởng một khoản tiền được cho là bảo hiểm lên đến hàng trăm triệu đồng.
Ông D., một người dân địa phương kể lại, khi phát hiện nhiều người chết liên tục, hỏi các thành viên trong gia đình, ai cũng cho rằng do nhà có người mất vào giờ xấu nên "bị trùng tang"; còn láng giềng, hầu hết cho rằng các nạn nhân qua đời do bệnh tật, không nghi ngờ, không trình báo cơ quan chức năng.
Lãnh đạo xã Vĩnh Thanh cho biết, khi nạn nhân T. được bệnh viện phát hiện trong người có chất độc xyanua, gia đình mới gửi đơn tố giác đến cơ quan chức năng, còn những trường hợp khác dù chết bất thường nhưng gia đình không trình báo chính quyền địa phương. Phía gia đình có tiền sử một số người bị tai biến, bệnh tim mạch, đột quỵ nên không nghi ngờ ngộ độc để làm xét nghiệm.
Xyanua - “sát thủ vô hình”
Xyanua được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm khai thác kim loại, cũng là một hóa chất nguy hiểm và có thể bị lạm dụng cho mục đích giết người hoặc tự tử, chỉ với lượng nhỏ. Một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, xyanua là thuốc độc nên không thuộc sự quản lý của đơn vị, việc mua bán xyanua tràn lan trên mạng hiện nay cho thấy quản lý chất cấm còn lỏng lẻo.
Luật sư Đỗ Văn Vinh, Giám đốc Công ty Luật Đức Việt, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai cho biết, ngoài vụ án rúng động này, trước đây cũng đã có một số vụ án mạng liên quan đến xyanua. Có thể kể đến vụ việc đầu độc chị họ bằng cách cho xyanua vào trà sữa xảy ra tại Thái Bình vào tháng 5-2019, hay vụ án Tống Thị Tùng Linh ngụ tại Bà Rịa - Vũng Tàu hạ độc cha bằng xyanua...
Việc mua bán xyanua được quy định bởi Luật Hóa chất 2007 và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9-10-2017 của Chính phủ. Cụ thể, cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh, mua bán xyanua cần phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt. Trên thực tế, xyanua đang được rao bán tràn lan trên mạng với giá rẻ, không cần nhiều thủ tục. Việc dễ dàng mua được chất độc xyanua cho thấy có "lỗ hổng" trong quản lý chất độc hại.
Kiểm soát mua bán xyanua là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, với sự chung tay của các cơ quan chức năng và người dân. Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tác hại và nguy cơ tiềm ẩn của xyanua, cung cấp kiến thức về cách sử dụng, bảo quản an toàn, nâng cao cảnh giác, phát hiện và tố giác kịp thời các hành vi mua bán, sử dụng trái phép. Cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về điều kiện kinh doanh, mua bán, nâng cao mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về chất độc hại và có biện pháp xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế để trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong việc kiểm soát mua bán xyanua, tham gia các hiệp định quốc tế về quản lý hóa chất nguy hiểm.
Theo Hoàng Bắc/SGGP