Sự việc cô giáo ở Trường tiểu học Chương Dương, Quận 1, TPHCM xin phụ huynh tiền mua laptop đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Bên cạnh những ý kiến chỉ trích, lên án nặng nề, thậm chí đòi cô giáo phải ra khỏi ngành… cũng có quan điểm cho rằng không nên “dồn ai đến chân tường”. Bởi, là con người ai cũng có lần mắc sai lầm, hãy cho họ một cơ hội sửa sai.
Ngày 30/9, cô Trương Phương Hạnh (giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3, Trường tiểu học Chương Dương, phường Cầu Kho, Quận 1, TPHCM) bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày sau sự việc xin phụ huynh hỗ trợ tiền mua laptop khiến dư luận bức xúc. Ngày 1/10, ông Võ Cao Long, Trưởng phòng GD&ĐT Quận 1 trả lời báo chí rằng sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, không bao che sai phạm, công khai, minh bạch, làm rõ thông tin dư luận.Để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho học sinh, cô Đinh Thị Kim Thoa, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Chương Dương sẽ phụ trách giảng dạy lớp 4/3 vào sáng 1/10.
Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) về sự việc này.
|
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Mai Loan. |
Thầy cô làm những điều trái chuẩn mực, sao dạy được trò?
Thưa TS Nguyễn Tùng Lâm, là nhà giáo tâm huyết với nghề, cảm xúc của ông thế nào về sự việc cô giáo xin tiền mua laptop?
Khi đọc thông tin về vụ việc, tôi rất đau xót khi vẫn còn những đồng nghiệp mắc phải những sai lầm như thế. Tuy nhiên, tôi không ngạc nhiên, bởi trong xã hội luôn có những tồn tại, cần chúng ta đấu tranh, gạt bỏ. Nó cũng giống các hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” khác, không nên nâng tầm, làm trầm trọng hóa, khái quát hóa lên thành vấn đề to tát, lớn lao.
Tuy nhiên, phẩm chất, đạo đức nhà giáo là vấn đề chúng ta cần phải xem xét, rút kinh nghiệm.
Vấn đề cần rút kinh nghiệm ở đây là gì, thưa ông?
Vấn đề cần chỉ ra ở đây là nhà giáo chưa thấy rõ trách nhiệm của mình với xã hội, với đối tượng mình phục vụ, chưa thấy rõ sứ mệnh của mình.
Mỗi nghề nghiệp đều có sứ mệnh riêng. Sứ mệnh của thầy cô giáo là người được trao nhiệm vụ giúp đỡ những học sinh từ bé đến lớn, từ cấp mầm non, tiểu học, trung học, rồi đại học…. Đối tượng tác động của thầy cô giáo không những bằng tri thức, hiểu biết khoa học mà còn phải bằng chính con người nhà giáo. Có nghĩa là mỗi tấm gương của thầy cô giáo là một động lực, nguồn cảm hứng cho học sinh noi theo.
Điều này cũng phù hợp với định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018, đó là đào tạo những con người có phẩm chất, có năng lực… Để phát huy được điều đó, học trò phải tôn trọng, kính phục thầy cô giáo. Thực tế, đã có nhiều học sinh trưởng thành từ sự động viên, khuyến khích, và từ tấm gương của các thầy cô. Các em được truyền cảm hứng, muốn noi theo những điều tốt đẹp.
Nếu thầy cô giáo làm những điều trái với đạo lý, lương tâm, đạo đức xã hội thì làm sao mà thu phục được học trò? Chúng ta không nâng tầm vấn đề, nhưng cũng cần nói lên để các thầy cô giáo khác nhìn vào, cảnh giác với những điều mình dễ mắc phải.
Góp ý trên tinh thần xây dựng, tránh “dồn ai đến chân tường”
Nhiều bình luận trên các diễn đàn mạng xã hội bày tỏ sự giận dữ, mạt sát, chửi bới nặng nề, yêu cầu cô giáo này phải rời khỏi ngành giáo dục. Cô giáo trở thành nhân vật nguyên mẫu trong nhiều tiểu phẩm để đả kích, châm biếm, thu hút lượng lớn tương tác. Ông suy nghĩ gì về cách phản ứng của cộng đồng?
|
Trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, TPHCM. Ảnh: Nhàn Lê/ Tiền Phong. |
Tôi hiểu sự bức xúc của dư luận, cộng đồng mạng. Bởi, nghề giáo là nghề dạy người, luôn có đòi hỏi khắt khe về đạo đức, phẩm chất, việc cô giáo đi ngược lại với những chuẩn mực dễ gây phẫn nộ. Trong vụ việc này, cô giáo phải chịu trách nhiệm về những hành vi không chuẩn mực của mình, không thể đổ lỗi cho ai khác.
Tuy nhiên, là con người, ai cũng có thể mắc sai lầm, cô giáo cũng không là ngoại lệ. Chúng ta phê phán, lên án nhưng trên tinh thần chỉ ra cái sai để cô giáo nhận ra và khắc phục, chứ không phải là sự vùi dập, không cho người ta một lối thoát thì làm mất đi tính nhân văn.
Cụ thể, theo ông, cô giáo ở đây đã sai ở điểm nào?
Như chúng ta đều thấy, đầu tiên là việc cô giáo xin tiền phụ huynh mua laptop. Đây là điều không thể chấp nhận được. Ngoài ra, như báo chí đã đưa, cô có những phát ngôn thiếu chuẩn mực. Là cô giáo mà lại nói: “Chỉ những phụ huynh hiểu chuyện, có ăn học mới thích tôi”, hay: “Trên mặt bằng phường Cầu Kho này toàn dân gì đâu không, dân học thức ít, ăn đằng sóng nói đằng gió, sáng điện thoại nói thế này, chiều nói thế khác, trở mặt còn hơn bánh tráng… “ đều là phát ngôn không chuẩn mực.”
Một nhà giáo, ngoài yêu cầu về đạo đức, lối sống thì còn phải có trách nhiệm đối với phát ngôn của mình. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh là “trách nhiệm”, chứ không phải chỉ kỹ năng. Để có được điều này thì giáo viên phải rèn luyện.
Việc cô giáo mang mì tôm đến lớp, bán cho học sinh… cũng là những việc làm chưa phù hợp của nhà giáo.
Cần có quy định về “xã hội hóa” trong nhà trường
Theo ông, những sai lầm của cô giáo xuất phát từ đâu? Cô giải thích rằng đã không hiểu đúng về “xã hội hóa” nên đã dẫn tới hành động đáng tiếc?
Tôi cho rằng, là một cô giáo thì khó có thể hiểu sai được, đó có thể là lý do cô nói tránh đi. Tuy nhiên, từ những cách cư xử chưa chuẩn mực cho thấy, cô chưa có những nhận thức đúng về vai trò, sứ mệnh của nhà giáo.
Câu chuyện cô giáo xin tiền phụ huynh mua laptop khiến dư luận nhắc nhiều đến chủ đề xã hội hóa giáo dục và lạm dụng xã hội hoá để phụ huynh đóng góp. Vậy làm thế nào để xã hội hóa trong nhà trường không bị lạm dụng, thưa ông?
Xã hội hóa giáo dục là vận động toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục, điều này được quy định trong Luật Giáo dục 2019. Tuy nhiên, không được lạm dụng. Xã hội hóa nhà trường phải là chủ trương của nhà trường, được phòng giáo dục, chính quyền địa phương cho phép, chứ không phải từng cá nhân, từng lớp muốn làm thế nào thì làm.
Chẳng hạn, khi máy chiếu, điều hòa… của lớp bị hỏng, thì cần phản ánh lên nhà trường, xem trường có còn tiền không và có quy trình xử lý. Tuy nhiên, việc này cần phải có sự cho phép của các cấp.
Trân trọng cảm ơn ông!
Một số phát ngôn của cô Trương Phương Hạnh mà dư luận, phụ huynh đánh giá là thiếu chuẩn mực
“Tính tôi thẳng thắn nên người ta không thích tôi. Chỉ những phụ huynh hiểu chuyện, có ăn học mới thích tôi thôi. Tôi chỉ giao du với những phụ huynh đó, còn những phụ huynh đầu đường xó chợ tôi không giao du". Trả lời báo chí, cô Trương Phương Hạnh thừa nhận đoạn ghi âm trên được cô nói trong một buổi họp cùng Ban giám hiệu, liên tịch trong trường.
Cô Hạnh cũng bị phản ánh là đã nấu cả mì tôm, xúc xích bán cho học sinh. Học sinh vừa học bài vừa ăn; hay có lúc cô mở Youtube, học sinh ngồi dưới làm bài, còn cô thì ngồi trên ăn. Giải thích với báo chí, cô Hạnh cho biết, do nhà ở xa nên có lúc đến trường chưa ăn sáng, cô luôn “thủ” sẵn mấy gói mì để hôm nào không kịp ăn sáng thì vào trường nấu ăn.
“Học sinh thấy vậy cũng lên nói 'cô ơi con đói quá, cô nấu cho con gói mì'. 1 hộp mì và 1 cây xúc xích là 20.000 đồng. Học sinh có tiền thì trả còn không có thì thôi. Có nhiều phụ huynh đưa con tới trường lúc 6h30 sáng chưa ăn gì thì lúc đó cô trò cùng ăn. Phần đồ ăn là tôi trang bị cho mình, các con muốn thì tôi nấu cho các con ăn. Các con có tiền thì trả cho tôi còn không thì thôi. Có những bạn không có tôi cũng cho”, cô Hạnh chia sẻ trên Báo Vietnamnet.
Mời quý độc giả xem video: TS. Nguyễn Tùng Lâm trao đổi với PV Tri thức & Cuộc sống về sứ mệnh của người thầy, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm. Giữa thầy và trò không có thua và thắng, chỉ có ân hận hay tự hào. Video do Báo Tri thức & Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan