Vụ cô giáo chiếm đoạt 45 triệu bị tuyên phạt 5 năm tù: Có được giảm án?

Google News

Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu xét xử vụ cô giáo chiếm đoạt 45 triệu đồng theo thủ tục phúc thẩm phải đúng quy định pháp luật, đảm bảo công bằng, thấu tình đạt lý.

Thông tin mới nhất vụ cô giáo chiếm đoạt 45 triệu đồng bị tuyên phạt 5 năm tù, mới đây, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã họp và nghe các ngành, đơn vị liên quan báo cáo nội dung vụ án và các vấn đề liên quan.
Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đề nghị bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập, tuân thủ theo pháp luật. Xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm phải đúng quy định pháp luật, đúng người, đúng tội, chặt chẽ, đảm bảo công bằng, khách quan, thấu tình đạt lý, tạo được sự đồng thuận trong xã hội.
Vu co giao chiem doat 45 trieu bi tuyen phat 5 nam tu: Co duoc giam an?
Hình ảnh phiên sơ thẩm xét xử cô giáo Dung. 
Cáo trạng nêu gì?
Ngày 24/4, TAND huyện Hưng Nguyên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bà Lê Thị Dung (51 tuổi) - nguyên Giám đốc Trung tâm GDNN- GDTX huyện Hưng Nguyên 5 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cáo trạng cho thấy, từ năm 2012 đến năm 2017, bà Dung là Bí thư chi bộ, chủ tài khoản của Trung tâm GDNN- GDTX huyện Hưng Nguyên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt số tiền gần 45 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp.
Theo cáo trạng, bà Dung đã chủ trì xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ. Dù quy chế này chưa được Sở GD&ĐT Nghệ An thông qua theo quy định, nhưng đã được Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên vận dụng, dẫn đến chi sai nguyên tắc, hưởng lợi số tiền hơn 48 triệu đồng.
Cụ thể, dù đã được thanh toán những nội dung: phụ cấp bí thư chi bộ; hỗ trợ học cao học và tập huấn, kiểm tra, nhưng bà Dung vẫn tiếp tục quy đổi các nội dung này ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ (thanh toán lần 2) theo quy chế nêu trên. Trong đó, số tiền thanh toán tiền thừa giờ trong năm học 2011-2012 là 3.317.979 đồng; năm học 2013-2014 là 303.052 đồng, năm học 2014-2015 là 30.952.368 đồng; năm học 2015-2016 là 13.810.509 đồng. Tổng số bốn lần thanh toán này của Lê Thị Dung là 48.383.908 đồng.
Bà Dung hai lần có hành vi gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước cấp cho Trung tâm GDNN- GDTX huyện Hưng Nguyên với số tiền ở mức hơn 10 triệu đồng. Trong năm học 2014-2015, đã thanh toán lần 2 là 30.952.368 đồng; năm học 2015-2016 là 13.810.509 đồng, tổng số tiền của hai lần là 44.762.874 đồng.
Tại bản án hình sự sơ thẩm, TAND huyện Hưng Nguyên quyết định căn cứ điểm b, khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự tuyên phạt bà Dung mức án 5 năm tù, mức thấp nhất của khung hình phạt.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Quốc Cường, Chánh Văn phòng TAND tỉnh Nghệ An cho biết, bị cáo chỉ có một tình tiết giảm nhẹ thuộc điểm v, khoản 1, điều 51 BLHS năm 2015 nên không có căn cứ để xét xử bị cáo dưới khung hình phạt theo quy định tại khoản 1, điều 54 BLHS.
Hiện bị cáo Lê Thị Dung đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Vụ án sẽ được Hội đồng xét xử phúc thẩm nghiên cứu, đánh giá khách quan và xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
Có được giảm án?
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng đại diện Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, đây là vụ án hình sự phức tạp, bị cáo kêu oan, bởi vậy tòa án cấp phúc thẩm sẽ thận trọng xem xét đánh giá toàn diện các tình tiết của vụ án để xác định các dấu hiệu cấu thành tội phạm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập...
Do đó, trường hợp tại thời điểm sự việc xảy ra mà không có văn bản pháp luật quy định cụ thể là quy chế chi tiêu nội bộ phải có sự phê duyệt của Sở GD&ĐT mới được tổ chức thực hiện thì hành vi của bị cáo không phạm tội.
Đây là vấn đề quan trọng quyết định đến việc bị cáo có oan hay không oan. Ngoài ra cũng cần xác định trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan trong trường hợp có căn cứ cho thấy quy chế chi tiêu nội bộ đã được xây dựng công khai, thông tin công khai cho các cơ quan chức năng và nhiều cơ quan cùng công nhận hiệu lực, tổ chức thực hiện quy chế này...
Về lý luận cấu thành tội phạm, tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ có lỗi cố ý. Bởi vậy, để buộc tội bị cáo thì cơ quan tố tụng phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh bị cáo biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả thiệt hại cho nhà nước xảy ra, thiệt hại từ 10.000.000 đồng trở lên thì hành vi cấu thành tội phạm.
Theo nội dung trình bày tại phiên tòa, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng quy chế đã được xây dựng hợp lệ và việc chi tiêu thực hiện đúng quy chế, được công khai trước nhiều cơ quan chức năng. Bởi vậy, cơ quan tiến hành tố tụng cấp phúc thẩm cần làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của bị cáo khi thực hiện việc chi tiêu nội bộ này như thế nào, chứng cứ nào chứng minh bị cáo đã thực hiện hành vi với lỗi cố ý.
"Trường hợp pháp luật chưa quy định rõ ràng, còn nhiều cách hiểu khác nhau, không nên xử lý hình sự trong trường hợp này mà có thể áp dụng biện pháp xử lý khác để truy thu tài sản cho nhà nước, rút kinh nghiệm, tiến hành kỷ luật cũng có thể giải quyết được vấn đề", ông Cường nhấn mạnh.
  
Theo luật sư Cường, cơ quan chức năng cũng làm rõ những thông tin dư luận về việc mâu thuẫn nội bộ, nguyên nhân sự việc để giải quyết triệt để, đảm bảo công bằng, khách quan, đúng pháp luật.
Trong vụ án này, tòa án cấp sơ thẩm cho rằng bà Dung phạm tội 2 lần trở lên nên áp dụng khoản 2, điều 356 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt là phạt tù từ 5 năm đến 10 năm, tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bà Dung ở mức thấp nhất là 5 năm tù. Trường hợp nếu bà Dung có tội, việc kết án 5 năm tù không sai.
Theo quy định tại điều 54 Bộ luật Hình sự thì trường hợp người phạm tội có từ 2 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điều 51 Bộ luật Hình sự trở lên thì có thể chuyển sang khung hình phạt khác liền kề nhẹ hơn. 
Tuy nhiên, trong vụ án này, tòa án cấp sơ thẩm cho rằng bà Dung không thành khẩn khai báo, không nhận tội nên không được áp dụng điều 54 để chuyển khung hình phạt.
Thông thường, khi bị cáo đã kêu oan thì mức hình phạt 1 năm hay 5 năm đều như nhau, nhiều bị cáo kêu oan thì dù tòa tuyên 1 ngày tù, bị cáo cũng không chấp nhận. Bởi vậy, bị cáo không kháng cáo về hình phạt mà chỉ kháng cáo kêu oan và cho rằng việc kết tội như vậy là oan sai.
Đây là vụ án phức tạp, dư luận có nhiều thông tin trái chiều, bản thân bị cáo bức xúc và kháng cáo kêu oan. Bởi vậy, luật sư Cường cho rằng tòa án cấp phúc thẩm cần thận trọng trong việc xem xét đánh giá toàn bộ các tình tiết có liên quan đến vụ án, làm rõ các dấu hiệu cấu thành tội phạm, đặc biệt là quy định của pháp luật về việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị sự nghiệp công để xác định hành vi của bị cáo có vi phạm pháp luật hay không, mức độ xử lý như thế nào cho phù hợp với quy định của pháp luật.
“Trường hợp không đủ căn cứ để kết tội, phải sửa bản án sơ thẩm để tuyên bố bị cáo không phạm tội và phục hồi các quyền công dân của bị cáo theo quy định của pháp luật, luật sư Cường nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khởi tố hiệu trưởng dâm ô 2 học sinh lớp 9 ở Hòa Bình
  
Hải Ninh