Vụ “chuyến bay giải cứu”: 21 cựu quan chức, cán bộ nhận hơn 140 tỷ

Google News

Kết luận điều tra cho thấy, một số doanh nghiệp đã phải chi từ vài tỷ cho đến hàng chục tỷ đồng cho các quan chức để được tổ chức các chuyến bay giải cứu.

Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố 54 bị can liên quan đến vụ chuyến bay giải cứu, xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ, UBND Hà Nội...trong đó, có đến 21 bị can là các cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc các bộ, ngành trên bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ.
Đáng chú ý, Cơ quan An ninh điều tra cũng đã làm rõ hành vi đưa hối lộ của nhóm đối tượng thuộc doanh nghiệp lên đến hơn trăm tỷ đồng.
Kết luận điều tra dẫn số liệu thống kê cho thấy, có khoảng hơn 100 doanh nghiệp được cấp phép thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước nhưng thực tế chỉ có khoảng 20 nhóm doanh nghiệp thực sự là đơn vị triển khai các chuyến bay sau khi được duyệt. Số còn lại là doanh nghiệp cho mượn pháp nhân hoặc đứng cấp phép chuyến bay, sau đó bán quyền được tổ chức các chuyến bay cho doanh nghiệp khác thực hiện.
Vu “chuyen bay giai cuu”: 21 cuu quan chuc, can bo nhan hon 140 ty
Các cơ quan chức năng đã cấp phép và tổ chức hơn 1000 chuyến bay đưa hơn 200.000 người dân từ quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. 
Để doanh nghiệp được tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước phải qua nhiều bước, nhiều công đoạn khác nhau theo trình tự thủ tục: Có văn bản chấp thuận của VPCP, Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ; có văn bản chấp thuận chủ trương cách ly y tế của UBND các tỉnh, thành phố.
Trong thời gian đó, doanh nghiệp còn song song ký hợp đồng và đặt cọc tiền thuê tàu bay với hãng hàng không, ký hợp đồng và đặt cọc tiền thuê khách sạn... Do vậy, nếu không được VPCP, Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ và địa phương chấp thuận chuyến bay và chủ trương cách ly y tế theo dự kiến thì doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại lớn về tài chính.
Thời điểm đó, cũng vì dịch bệnh COVID-19 nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, không có nguồn thu, không có việc làm trong khi họ vẫn phải chi phí tiền thuê mặt bằng, trả lương cho nhân viên. Vì vậy, nên khi bị yêu cầu hoặc bị gây khó dễ để được phê duyệt, tổ chức chuyến bay, các đối tượng đại diện doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau trực tiếp hoặc qua trung gian đưa số lượng tiền lớn cho những người có nhiệm vụ, quyền hạn.
Ngoài ra, nhiều đối tượng lợi dụng việc doanh nghiệp xin tổ chức các chuyến bay "combo" từ các cơ quan có thẩm quyền để trung gian thực hiện hành vi môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm thu lợi bất chính.
Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định bị can Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Nhật Minh đã có hành vi đưa hối lộ hơn 9,6 tỷ đồng cho 8 cá nhân có thẩm quyền để xin cấp giấy phép các chuyến bay cho các doanh nghiệp của Nghĩa.
Trong đó, Nghĩa đưa cho bị can Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao 40.000 USD; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự 20.000 USD, đưa cho Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự 40.500 USD; đưa cho Lê Tuấn Anh, cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự 15.000 USD; Lưu Tuấn Dũng 10.000 USD, Phạm Trung Kiên, Thư kí Thứ trưởng Bộ Y tế 1,8 tỷ đồng, Vũ Anh Tuấn hơn 3 tỷ đồng; Vũ Hồng Nam 60.000 USD và 450 triệu đồng. Ngoài ra, Nghĩa còn đưa tiền cho một số cá nhân khác, cơ quan công an sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý ở giai đoạn sau của vụ án.
Hai bị can Lê Hồng Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Bluesky và Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky cũng đã phải chi phí hàng chục tỷ đồng cho các cá nhân có nhiệm vụ, quyền hạn để được phê duyệt, hỗ trợ tổ chức chuyến bay; phê duyệt chủ trương cách ly y tế, cấp phép vượt số lượng khách.
Theo đó, Sơn và Hằng đã cùng bàn bạc, thống nhất mức tiền chi, cùng kết nối, đưa tiền cho các cán bộ có thẩm quyền. Hằng là người thực hiện hành vi đưa tiền. Quá trình xin 109 chuyến bay, xin chủ trương cách ly y tế, Sơn và Hằng đã chi tổng cộng gần 39 tỷ đồng cho các cán bộ có thẩm quyền gồm: Tô Anh Dũng, Nguyễn Thị Hương Lan, Đỗ Hoàng Tùng, Lê Tuấn Anh, Lưu Tuấn Dũng, Nguyễn Hồng Hà, Phạm Trung Kiên, Trần Văn Tân - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam…
Bị can Vũ Thị Hồng, Giám đốc Công ty Minh Ngọc trao đổi, thỏa thuận và đưa 3,3 tỷ đồng cho bị can Bùi Huy Hoàng để đưa hối lộ cho các cá nhân có thẩm quyền của Tổ công tác 5 Bộ, địa phương để được cấp phép, thực hiện 2 chuyến bay combo. Sau đó Hồng tiếp tục nhờ Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty Vitrato liên hệ các cá nhân có thẩm quyền để xin cấp phép thực hiện các chuyến bay combo đưa công dân về nước. Sau đó, bị can Tuấn nhận hơn 7,4 tỷ đồng từ Hồng và thông qua các mối quan hệ đưa số tiền này cho Nguyễn Thị Hương Lan, Lê Tuấn Anh, Lưu Tuấn Dũng, Vũ Anh Tuấn, Phạm Trung Kiên. Cơ quan công an kết luận, Hồng đã đưa hối lộ hơn 10,7 tỷ.
Bị can Hoàng Diệu Mơ – Tổng Giám đốc Công ty An Bình đã đưa hối lộ cho 7 cá nhân có thẩm quyền để xin cấp phép cho 66 chuyến bay của nhóm Công ty An Bình và 5 công ty liên kết lao động về nước. Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định, Mơ đã đưa hối lộ hơn 34 tỷ đồng. Các cán bộ nhận tiền từ Mơ có Tô Anh Dũng, Nguyễn Thị Hương Lan, Đỗ Hoàng Tùng, Lê Tuấn Anh, Lưu Tuấn Dũng, Vũ Anh Tuấn, Phạm Trung Kiên.
Cơ quan ANĐT Bộ Công an cũng xác định bị can Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Hoàng Long Luxury đã đưa hối lộ hơn 27 tỷ đồng; bị can Vũ Thuỳ Dương, Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt đưa hối lộ hơn 24 tỷ đồng và Hoàng Anh Kiếm đưa hối lộ hơn 22.8 tỷ đồng.
Bị can Nguyễn Thị Tường Vy, Giám đốc Công ty ATA đưa hối lộ cho 9 cá nhân có thẩm quyền số tiền hơn 11,8 tỷ đồng để cấp phép 32 chuyến bay cho nhóm Công ty ATA, Invest, Minh Vượng; Bị can Trần Thị Mai Xa đã đưa hối lộ hơn 8,1 tỷ đồng để xin cấp phép cho 18 chuyến bay…Bị can Nguyễn Thị Hiền đã đưa hối lộ hơn 4,1 tỷ đồng; Lê Thị Ngọc Anh đưa hối lộ hơn 5,5 tỷ đồng và 91,500 USD; bị can Phạm Thị Kim Ngân đã môi giới giúp Lê Thị Ngọc Anh đưa hơn 1,9 tỷ đồng.
Nhiều bị can đã khai rằng, nguyên nhân của sự việc là do họ mong muốn đưa người dân Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động, học tập, bị kẹt tại nước ngoài về nước trong đợt dịch bệnh COVID-19 và để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nên buộc phải tìm cách liên hệ với các cán bộ có thẩm quyền để được cấp phép chuyến bay.
Cơ quan công an cho rằng, trong vụ án vấn đề chi phí doanh nghiệp của mỗi người dân đã không được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến các doanh nghiệp tự ý đặt ra giá cao để thu lợi nhuận và có nhiều lần đưa hối lộ cho các cá nhân có thẩm quyền xét duyệt, cấp phép các chuyến bay.
21 bị can nhận hối lộ hơn 140 tỷ đồng:
Theo kết luận điều tra, bị can Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng của đại diện các doanh nghiệp; Bị can Vũ Hồng Nam, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại nhận hối lộ 60.000 USD và 450 triệu đồng (tương đương hơn 1,8 tỷ đồng).
Bị can Chử Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nhận hối lộ số tiền hơn 2 tỷ đồng; Bị can Nguyễn Quang Linh, nguyên Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực đã nhận hối lộ với tổng số tiền 180.000 USD và 100 triệu (tương đương hơn 4,2 tỷ đồng); Bị can Nguyễn Thanh Hải, cựu Vụ trưởng Vụ QHQT đã nhận hối lộ hơn 3,6 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 2,3 tỷ đồng. Bị can Nguyễn Tiến Thân, nguyên chuyên viên vụ QHQT VPCP nhận hối lộ hơn 3,6 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 1,3 tỷ đồng. Bị can Phạm Trung Kiên với vai trò là thư ký, giúp việc cho ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhận hối lộ tới hơn 42 tỷ đồng.
Bị can Vũ Anh Tuấn, nguyên Phó Trưởng phòng Tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã nhận hối lộ hơn 27 tỷ đồng, hưởng lợi cá nhân hơn 22 tỷ đồng. Bị can Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng. Bị can Trần Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã nhận 5 tỷ đồng từ một đại diện doanh nghiệp.
Bị can Vũ Sỹ Cường, nguyên cán bộ Phòng tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã nhận hối lộ hơn 9,3 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 5,5 tỷ đồng. Bị can Đỗ Hoàng Tùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao bị xác định nhận hối lộ hơn 6,3 tỷ đồng và hơn 254 ngàn USD, tổng cộng hơn 12 tỷ đồng.
Bị can Nguyễn Hồng Hà, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng. Bị can Nguyễn Mai Anh, nguyên chuyên viên Vụ QHQT, VPCP nhận hối lộ 3 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 2,8 tỷ đồng
Bị can Lê Tuấn Anh, nguyên Chánh văn phòng Cục Lãnh sự nhận tổng cộng hơn 1,7 tỷ đồng, trong đó hưởng lợi hơn 1,3 tỷ đồng.Bị can Ngô Quang Tuấn, nguyên chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT) nhận hối lộ hơn 1,7 tỷ đồng. Bị can Vũ Hồng Quang, nguyên Phó Trưởng phòng vận tải Hàng không, Cục hàng không Việt Nam nhận hối lộ hơn 1,9 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 1,7 tỷ đồng. Bị can Trần Văn Dự, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhận hối lộ hơn 7,6 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 3,1 tỷ đồng.
Đối với hành vi có dấu hiệu nhận hối lộ xảy ra tại Bộ Quốc Phòng, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã quyết định tách hành vi và tài liệu liên quan, chuyển hồ sơ đến CQĐT Bộ Quốc phòng để điều tra xử lý theo thẩm quyền.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt tạm giam Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng về tội nhận hối lộ
  
Hải Ninh