Chỉ huy Đội CSGT Công an TP. Tuyên Quang cho biết, đơn vị vừa ra quyết định xử phạt ông Lê Quốc Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGD) tỉnh tuyên Quang 3 triệu đồng về hành vi cản trở CSGT kiểm tra, xử lý vi phạm.
Ngoài ra, Công an TP.Tuyên Quang cũng hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Công an tỉnh Tuyên Quang trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt ông Đạt 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng với lỗi vi phạm nồng độ cồn.
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hành vi của lái xe ô tô có dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Bởi vậy, cần phải hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính để khởi tố vụ án hình sự mới đúng bản chất sự việc và công bằng trước pháp luật.
|
Ông Lê Quốc Đạt túm cổ áo CSGT. |
Luật sư Cường nói: "Với thông tin sự việc ban đầu như vậy, kèm theo hình ảnh cho thấy người đàn ông này rất côn đồ, hung hãn, tóm cổ áo cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ. Đây là hành vi coi thường pháp luật, xâm hại nghiêm trọng đến hoạt động công vụ, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây dư luận xấu trong xã hội. Bởi vậy, hành vi này có dấu hiệu tội phạm về tội chống người thi hành công vụ chứ không đơn thuần chỉ là vi phạm hành chính".
Luật sư Cường phân tích, trường hợp cơ quan chức năng xử phạt hành chính về hành vi này thì quyết định xử phạt này cần phải được thanh tra kiểm tra lại để đánh giá đúng tính chất mức độ của hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo công bằng và nghiêm minh trước pháp luật, tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra.
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội chống người thi hành công vụ sẽ bị phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 7 năm tù. Như vậy, pháp luật quy định hành vi dùng vũ lực cản trở hoạt động công vụ của người thi hành công vụ là hành vi vi phạm pháp luật, đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội và phải bị xử lý bằng chế tài hình sự.
Khi cảnh sát giao thông kiểm tra, xem xét xử lý lái xe ô tô đã dùng vũ lực chống trả lại lực lượng chức năng, không chấp hành mà túm cổ áo quật ngã CSGT kèm theo những lời nói coi thường xúc phạm người thi hành công vụ...
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
|
Hành vi này có hình ảnh ghi lại và đang lan truyền trên mạng xã hội và báo chí gây bức xúc trong dư luận. Trong trường hợp này, cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ thì bị người đàn ông này dùng vũ lực tấn công, gây cản trở hoạt động công vụ, có thể gây tổn hại đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người thi hành công vụ.
Hành vi này thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên. Bởi vậy, với những tình huống như thế này hầu hết các địa phương đều xử lý hình sự đối với người vi phạm để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội và đảm bảo áp dụng pháp luật một cách đúng đắn, nghiêm túc. Tuy nhiên, sự việc này chỉ bị xử lý hành chính?!
Theo luật sư Cường, theo quy định của Luật phòng chống tác hại rượu bia thì việc cán bộ, công chức uống rượu bia vào buổi trưa, trong giờ làm việc là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của luật cán bộ công chức, luật viên chức và ít nhất cũng sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi uống rượu bia sai quy định.
Còn đối với hành vi vi phạm an toàn giao thông và chống người thi hành công vụ có thể xem xét xử lý hành vi này bằng chế tài hình sự tương ứng. Trong vụ việc này, người vi phạm là người có chức vụ, quyền hạn.
Tuy nhiên, người này lại không gương mẫu, không chấp hành quy định về phòng chống tác hại rượu bia, không chấp hành các quy định về luật tham gia giao thông đường bộ, thiếu tôn trọng thậm chí tấn công lại người thi hành công vụ gây cản trở hoạt động công vụ, bức xúc trong dư luận. Do vậy, cơ quan chức năng cần phải xem xét xử lý nghiêm để làm gương.
>>> Xem thêm video: Chi cục trưởng túm cổ áo CSGT
Nguồn: Truyền Hình Pháp Luật Việt Nam.
Gia Đạt