Cơ quan điều tra cần sớm làm rõ sự việc và có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Chiều 23/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, trú tại TP Cao Bằng) về tội "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi".
Khoảng 17h ngày 21/8, anh Nguyễn Văn Hưng (ở Bắc Ninh) cùng con trai là cháu Nguyễn Cao Gia Bảo đến công viên Nguyễn Văn Cừ (TP Bắc Ninh) chơi. Anh Hưng để cháu Bảo lại khu vui chơi và ra mua nước, khi quay lại đã không thấy con trai đâu.
Quá trình điều tra, công an đã công bố hình ảnh 1 người phụ nữ được cho là nghi phạm đã dắt tay cháu Bảo ra khỏi công viên và đưa đi bằng xe máy. Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cùng sự phối hợp của Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), Công an tỉnh Tuyên Quang, lực lượng phá án xác định nghi phạm đã đưa cháu Gia Bảo bằng xe máy vượt quãng đường hàng trăm cây số từ Bắc Ninh về Hàm Yên (Tuyên Quang). Tại đây, công an đã khống chế hai nghi phạm và giải cứu thành công, an toàn cho cháu Gia Bảo.
|
Đối tượng Thu tại cơ quan công an. |
Bình luận về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội) chia sẻ, có lẽ không chỉ gia đình cháu bé Gia Bảo mà sẽ rất nhiều người vui mừng khi biết tin cháu bé đã được giải cứu và giao cho gia đình.
Đúng như nhiều người dự đoán ban đầu, vụ việc có dấu hiệu của hành vi chiếm đoạt trẻ em khi những thông tin manh mối ban đầu cho thấy có người phụ nữ trung tuổi đã tiếp cận với cháu bé và chở cháu bé đi bằng một chiếc xe máy. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh làm rõ nhân thân lai lịch của các đối tượng này và mục đích chiếm đoạt đứa trẻ để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
Nhà nước Việt Nam luôn đề cao và tôn trọng quyền trẻ em, Việt Nam cũng là nước sớm gia nhập Công ước về Quyền trẻ em và có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá đầy đủ để bảo vệ trẻ em. Theo đó các bản Hiến pháp, Luật Bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em năm 2004, sau này là Luật Trẻ em năm 2016, Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Dân sự qua các thời kỳ và các văn bản pháp luật khác có liên quan đều quy định các quyền cơ bản của trẻ em, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ, người giám hộ đối với trẻ em và quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, của cộng đồng trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Pháp luật cũng luôn có những quy định cụ thể để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, quyền tự do của công dân trong đó có trẻ em (người dưới 16 tuổi). Hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe quyền tự do cư trú của công dân đều bị xử lý bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự. Hành vi xâm phạm đến đối tượng là người dưới 16 tuổi thì mức chế tài sẽ nghiêm khắc hơn. Theo quy định của pháp luật thì trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục bởi cha, mẹ, người giám hộ, đó là người có quyền và có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Việc giao trẻ em cho người khác trông nom, quản lý phải được cha mẹ, người giám hộ đồng ý. Các đối tượng đã lợi dụng sơ hở của cha cháu bé để đưa cháu đi thì đây là hành vi bắt cóc hoặc chiếm đoạt trẻ em. Hành vi này là nguy hiểm cho xã hội bởi đứa trẻ phải rời khỏi gia đình, cha mẹ, tước bỏ quyền nuôi dưỡng, chăm sóc của cha mẹ cháu bé một cách trái pháp luật. Bởi vậy các đối tượng chiếm đoạt cháu bé sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi" theo quy định tại Điều 153 (BLHS 2015).
|
Luật sư Cường cho rằng, hành vi của đối tượng là nguy hiểm, gây hoang mang dư luận nên cần xử lý nghiêm minh để răn đe. |
Cũng theo luật sư Cường, các đối tượng khác không được sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ mà đưa trẻ ra khỏi tầm kiểm soát của cha mẹ dù với mục đích là "giành quyền chăm sóc, giáo dục" thì đây là hành vi chiếm đoạt trẻ em. Theo quy định, trẻ em được xác định là người dưới 16 tuổi và mọi hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác để giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
Trường hợp phạm tội có tổ chức, có sự bàn bạc, phân công, phân nhiệm, có sự cấu kết chặt chẽ với nhau thì các đối tượng phạm tội sẽ phải chịu mức án từ 05 năm đến 10 năm tù. Nếu phạm tội có tính chất chuyên nghiệp thì có thể chịu mức án cao nhất lên đến 15 năm tù giam.
"Hành vi bắt cóc trẻ em có thể gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý của nhiều người. Bởi vậy cơ quan điều tra cần sớm làm rõ sự việc và có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội", luật sư Cường nhấn mạnh.
Điều 153. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đối với 06 người trở lên;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
Theo Bình Minh/Giadinhnet