Nhưng khi những thông tin có mẫu số chung kiểu hung thủ và nạn nhân từng một thời "đầu ấp tay gối" ra tay một cách lạnh lùng, tàn độc đều khiến mọi người phải suy ngẫm về mối quan hệ vợ chồng trong thời điểm hiện tại.
Cuối cùng, xót xa nhất vẫn là những đứa trẻ khi phải đối mặt với dư luận, đối mặt với cảnh hoặc bố hoặc mẹ mất đi, rồi cũng chính hoặc bố hoặc mẹ phải trả giá những năm tháng dài tù tội vì hành vi tàn độc.
1. Thay bộ áo công nhân bằng bộ áo của nhà tạm giữ Công an tỉnh Bình Dương, Hoàng Thị Hồng Diễm (32 tuổi, trú tại xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) vừa mới bị khởi tố về hành vi "giết người", Diễm điềm tĩnh trả lời những câu hỏi của điều tra viên xung quanh vụ việc đầu người ở Bình Dương gây chấn động dư luận, vụ việc sát hại chồng rồi phân thi thể ra thành nhiều mảnh nhằm phi tang tại Khu phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, Bình Dương.
Nạn nhân của Diễm chính là người đã đầu ấp tay gối với Diễm 14 năm qua, có với nhau 2 mặt con: anh Trần Thanh Tú (37 tuổi).
Ngồi trước điều tra viên, Diễm không rơi một giọt lệ, trả lời rành mạch từng câu hỏi, mô tả chi tiết từng động tác hành động phi tang xác chồng của mình. Nhưng dường như người đàn bà mang trọng tội này đôi lúc tự cảm thấy rùng mình về hành vi của mình nên hoảng loạn đến ngất xỉu.
Hai dòng mâu thuẫn khác nhau dẫn đến nguyên nhân Diễm ra tay với chồng mình. Diễm cho rằng anh Tú có bồ nhí bên ngoài nên hai vợ chồng thường xuyên xảy ra cãi vã. Tú hiền lành nhưng hay nhậu nhẹt, mỗi khi lên cơn say nếu không hù dọa sẽ bỏ Diễm thì cũng hứa hẹn nhất định "tao sẽ giết mày".
Và trong cái đêm định mệnh này Tú cũng trong cơn say cầm dao chém vợ. Uất ức trong lòng nhiều năm nay cộng thêm cơn ghen của người phụ nữ nên khi chồng lao vào chém, Diễm né được và sử dụng chính con dao của chống chém mình để tước đi mạng sống của chồng.
|
Hiện trường vụ án vợ sát hại rồi phân thi thể chồng gây chấn động dư luận. |
Ngay cả Diễm đến giờ cũng không thể hiểu nổi vì sao mình lại bạo gan đến như vậy, dám cầm dao phân thi thể chồng ra từng mảnh để đem đi phi tang. Có lẽ nỗi sợ giết chồng không lớn bằng nỗi sợ bị phát hiện ra hành vi giết chồng, nên Diễm đã ra tay với một mục đích duy nhất, không để ai phát hiện ra tội lỗi của mình.
Tuy nhiên, suy nghĩ của một người phụ nữ trong thời điểm gây ra tội lỗi quá ngắn, ý đồ đem phi tang xác chồng bài bản nhưng khi thực hiện kế hoạch lại vẫn là suy nghĩ của một người phụ nữ dẫn đến việc chỉ trong một ngày, tất cả hành vi của Diễm đã bị bại lộ.
2. Đại tá Trần Văn Chính - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương nhận định, nguyên nhân vụ chặt đầu người ở Bình Dương bắt nguồn từ mâu thuẫn gia đình, giữa 2 người không có tiếng nói chung từ khi Diễm nghi ngờ và nổi cơn ghen khi nghi Tú có người đàn bà khác.
Vụ án xảy ra trong thời điểm cả 2 đều trong trạng thái không kìm được cảm xúc cá nhân. Có điều Diễm ra tay quá tàn độc và rất xảo quyệt. Sau khi phi tang xác chồng, Diễm sử dụng điện thoại của chồng nhắn tin cho người quen nói chồng thiếu nợ trốn về quê nhằm đánh lạc hướng những người xung quanh và cơ quan điều tra. Ngoài ra Diễm còn khóc lóc và kể khổ vì chồng ngoại tình, theo gái bỏ bê gia đình.
Không có một nét độc ác, hung dữ nào trên gương mặt của Diễm, nhưng tại sao một người phụ nữ miền Tây chân chất như thế này lại có những hành động mà khiến dư luận rùng mình khi nhắc đến tên. Ai sống cùng dãy trọ với vợ chồng Diễm đều cho rằng cả hai chịu thương chịu khó, không thấy cãi vã đánh nhau trong suốt thời gian sống ở đây. Chỉ có chuyện Diễm ít khi giao hảo với người trong xóm trọ mà chỉ lủi thủi trong phòng mỗi khi đi làm về, riêng anh Tú hiền lành cởi mở và thường ghé giao lưu bên mâm rượu với những người trong dãy trọ.
17 tuổi, Diễm gặp Tú khi cả gia đình Tú chuyển từ Sóc Trăng lên Bình Dương tìm kế sinh nhai. Cả 2 cùng quê miền tây, gặp nhau từ tình cảm đồng hương dẫn đến tình cảm trai gái. Vài mâm cơm để 2 gia đình giáp mặt, Diễm và Tú nên nghĩa vợ chồng.
Ban đầu chưa có việc làm Diễm và Tú đi bán vé số, sau xin được vào làm công nhân. Hai đứa con (14 và 9 tuổi) lần lượt ra đời. Cuộc sống khó khăn, 2 vợ chồng quyết định đưa 2 con về cho bà ngoại ở Hậu Giang chăm sóc để tiện việc cho chúng ăn học.
Thời gian gần đây tình cảm của 2 vợ chồng Diễm không còn khăng khít như xưa, nhất là việc Diễm phát hiện Tú có người phụ nữ khác nên nổi máu ghen. Tú cũng không chịu nổi những lần ghen tuông vô cớ của vợ nên mỗi khi đi nhậu về, giữa 2 thường xảy ra cãi vã và vụ án kinh hoàng trên đã xảy ra.
Những người thân trong gia đình Tú và Diễm dường như giấu bặt thông tin về vụ án đối với 2 đứa trẻ. Tuy nhiên với tầm tuổi này, nhất là khi phủ phục trước quan tài của cha không thấy mẹ về chịu tang lại nghe những người xung quanh bàn tán, chúng cũng hiểu ra phần nào câu chuyện. Khó có thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra, tương lai của 2 đứa trẻ này như thế nào nếu như chúng biết toàn bộ sự việc và những điều tiếng của dư luận mãi theo chúng.
Khi ngôn từ bất lực, sự cảm thông khoan dung không còn thì bạo lực sẽ lên ngôi, quả không sai. Có những mâu thuẫn trong sinh hoạt, trong đời sống vợ chồng, hay ngoài xã hội khi sử dụng lời nói không đem lại hiệu quả thì dễ dẫn đến việc sử dụng bạo lực để giải quyết.
Có biết bao vụ án mạng xảy ra trong một năm, trong đó có những vụ án chỉ bắt nguồn bằng những mâu thuẫn nhỏ. Chén trong song còn sánh huống hồ gì vợ chồng ăn đời ở kiếp với nhau không xảy ra những mâu thuẫn. Nhưng có điều giải quyết những mâu thuẫn ấy như thế nào để không dẫn đến việc phải dùng bạo lực để giải quyết.
Vụ án vợ giết chồng phân xác ở Bình Dương gây rúng động dư luận nhưng có ai nhớ đến có rất nhiều vụ án mà hung thủ và nạn nhân là vợ chồng đã xảy ra mà nguyên nhân dẫn đến những vụ án "cạn nghĩa phu thê" này đều xuất phát từ mâu thuẫn không đáng phải phạm tội.
Diễm - nghi can chính trong vụ giết chồng chặt xác.
Nguyễn Trung Hoàng (38 tuổi, ngụ huyện Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu) giờ đây đang gặm nhấm tội ác mà mình gây ra đối với vợ mình trong song sắt nhà tù với bản án chung thân. Sự hối hận biểu hiện rõ trên khuôn mặt của Hoàng.
"Tôi không cố tình giết cô ấy. Thấy cô ấy đi với người khác tôi nổi cơn ghen rồi 2 đứa cãi lộn. Khi vợ chết tôi rất sợ. Không phải sợ vì tội lỗi của mình gây ra mà sợ các con của tôi biết cha của chúng giết mẹ. Bởi vậy tôi mới phi tang xác cô ấy!" - Hoàng khóc.
4 năm sau cái ngày Hoàng sát hại vợ, vụ án mới được phanh phui. 4 năm trời chôn giấu tội ác nay đối diện với nó, Hoàng phần nào xóa bớt đi cảm giác tội lỗi chôn kín của mình.
Hoàng và P.T.T. (45 tuổi) sống với nhau như vợ chồng và có với nhau một người con trai. Do công việc của Hoàng không ổn định nên T. bỏ con lại cho Hoàng nuôi rồi đi theo một cuộc tình mới, thi thoảng nhớ con T. cũng về nhà. Hoàng đau đớn vì "người tình" mà T. theo cũng chẳng khá hơn mình là mấy lại là đồng nghiệp của mình. Những lần Hoàng và T. giáp mặt nhau cả 2 đều xảy ra cãi vã.
Vào một tối cuối tháng 8, T. trở về gặp con thì giáp mặt với Hoàng. Hai bên cãi nhau, đánh nhau. T. dùng ly thủy tinh ném Hoàng rồi xách cây tràm đuổi đánh Hoàng. Hoàng giật được khúc cây của T, trong cơn nóng giận, Hoàng đã đánh mạnh vào phần đầu T. khiến T tử vong.
Hoảng loạn do tội lỗi của mình gây ra. Ngồi thẫn thờ nhìn thi thể vợ, Hoàng bật khóc rồi lại nghĩ đến đứa con. Mẹ chết do cha sát hại, giờ ra đầu thú, sẽ ngồi tù không ai nuôi nấng dạy dỗ con. Nghĩ đến thảm cảnh này, trong đầu Hoàng lóe lên ý nghĩ rồ dại. Thu gom dao, búa, Hoàng cắt thi thể vợ ra nhiều phần rồi đục tấm đan hầm cầu đưa các phần thi thể chị T. cùng hung khí gây án xuống dưới.
Nhiều ngày trôi qua không thấy chị T., hàng xóm thấy lạ, Hoàng tung tin vợ bỏ đi theo người khác. Ai cũng chặc lưỡi thương cho Hoàng vì cảnh gà trống nuôi con. Hoàng hằng ngày vẫn đi làm kiếm sữa nuôi con, lâu lâu ân hận về tội lỗi của mình, Hoàng lên chùa làm công quả.
Rồi việc T. nhiều năm không liên lạc về nhà khiến gia đình T. lo lắng và nghi ngờ sự mất tích của T. nên làm đơn báo với công an. Biết tội lỗi của mình gây ra sẽ không còn giấu được nữa, Hoàng lên Công an tự thú.
3. Cuộc sống vợ chồng không phải lúc nào cũng ấm êm, dù có giữ hòa khí đến đâu thì cũng đôi ba lần mâu thuẫn, xích mích. Nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn trên có sự tác động không nhỏ của điều kiện kinh tế, điều kiện sống của từng gia đình.
Những mối hiềm nghi nhỏ nhặt, những xích mích không đáng có nhưng giữa 2 người không giữ được sự bình tĩnh, không suy xét cụ thể, không biết kìm nén cái tôi của mình lại thì dễ dẫn đến những xung đột.
Những vụ án mạng đau lòng xảy ra trong thời gian qua cho thấy những người trong cuộc thiếu tôn trọng mối quan hệ tình cảm, không nuôi dưỡng tình yêu bằng sự tin tưởng, không kìm chế được bản thân và không tìm được giải pháp nhẹ nhàng để dung hòa mối quan hệ, để giải quyết mâu thuẫn.
Cảnh người nằm xuống 3 tấc đất, kẻ rơi vào vòng lao lý, gia đình tan đàn xẻ nghé khiến nhiều người chứng kiến ngậm ngùi đau xót. Họ trách, họ phẫn nộ nhưng họ không phải là người trong cuộc nên không hiểu những người trong cuộc nghĩ gì, hành động ra sao. Đối với những nhân vật chính trong các vụ án, sau khi thỏa mãn cái tôi của riêng mình, lãnh hậu quả thích đáng, họ chỉ còn nghĩ đến họ mà không nghĩ đến phía sau họ là con cái.
Những đứa trẻ, con cái của họ, chứng nhân của một cuộc tình cay nghiệt, chứng kiến cảnh cha giết mẹ, mẹ sát hại cha để rồi trong tâm trí hằn sâu những hình ảnh của một cuộc sống toàn những sự căm thù.
Lúc ấy, có lẽ bọn trẻ không còn gì khác ngoài sự bơ vơ, lạc lõng, không nơi nương tựa, bị người đời dè bỉu và sống cả đời với nỗi ám ảnh mà chính cha mẹ mình đã gây ra.
Minh Đức
Theo Minh Đức/antgct