Ngày 14/3, Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, cho biết Vàng Thị Thắm (19 tuổi, quê huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu - là công nhân khu công nghiệp Đình Trám, huyện Việt Yên) đã ra trình diện Công an. Tại cơ quan Công an, Thắm khai nhận bản thân không rõ bố bé trai là ai. Vì vậy, thắm lo sợ bị gia đình, xã hội đánh giá nên vứt bỏ con ở nhà vệ sinh khiến cháu bé tử vong.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hoà (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, với vành vi vứt bỏ con mới đẻ của Vàng Thị Thắm khiến cháu bé bị chết có thể bị cơ quan tố tụng tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can về Tội vứt bỏ con mới đẻ theo khoản 2 Điều 124 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
“Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”, luật sư Tùng viện dẫn quy định pháp luật.
|
Vàng Thị Thắm. |
Luật sư Tùng phân tích: "Tội vứt bỏ con mới đẻ là trường hợp đặc biệt của tội giết người, cụ thể cấu thành tội phạm của Tội vứt bỏ con mới đẻ như sau: Chủ thể thực hiện hành vi ở đây là mẹ của đứa bé. Trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt đã vứt con của mình mới đẻ ra. Khách thể bị xâm phạm là quan hệ nhân thân của con người, cụ thể ở đây là quyền được sống của con người, được Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi nhận.
Đối tượng của hành vi là con được sinh ra trong vòng 7 ngày. Mặt chủ quan trong đó có lỗi của người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Mặt khách quan là hành vi vứt bỏ con mới đẻ (hành vi vứt bỏ con mới đẻ là hành vi bỏ rơi con mình ở bất kỳ địa điểm nào, mặc dù không dẫn đến hậu quả đứa trẻ bị chết thì vẫn cấu thành tội phạm này)".
|
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hoà (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Theo luật sư Tùng, thời gian gần đây, có nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở khu dân cư, trong bệnh viện, thậm chí ở bãi rác, hố ga dưới trời nắng nóng khiến ai cũng phải xót xa trước số phận kém may mắn của những đứa trẻ vô tội. Tình trạng này khiến mọi người không khỏi thương cảm đối với những đứa trẻ kém may mắn mà còn cảm thấy phẫn uất đối với những người mẹ vô cảm, mất nhân tính khi bỏ rơi chính đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Phần lớn khi được phát hiện, các đứa trẻ đều trong tình trạng sinh non hoặc bị những bệnh lý nặng như dị tật bẩm sinh, bị nhiễm trùng nặng... và thậm chí bị vứt bỏ quá lâu không được ai phát hiện dẫn đến tử vong.
Luật sư Tùng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến một số cô gái trẻ thực hiện hành vi bỏ con, giết con là do họ thiếu nghiêm trọng kỹ năng sống, nỗi lo cơm áo gạo tiền, giấu gia đình mang lại tâm lý bất an, gây nên sự căng thẳng trong cuộc sống, khiến cho họ rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ mà họ thường không lường trước được hậu quả xảy ra. Đây thường là những bà mẹ trẻ, hoặc do trong những giây phút nghĩ quẩn, ở đường cùng, không biết cách giải quyết mà lựa chọn giải pháp tiêu cực.
"Để làm giảm thiểu những vụ việc đau lòng như vậy thì cần phải thực hiện các giải pháp từ phía cơ quan chức năng cũng như từ phía gia đình và bản thân những người trẻ tuổi. Cụ thể: Từ phía bản thân người trẻ tuổi: Cần chấn chỉnh lại lối sống, rèn luyện kĩ năng sống của bản thân, nâng cao kiến thức về giới tính, pháp luật để từ đó có những nhận thức đúng đắn, có cách phòng tránh, bảo vệ bản thân. Từ phía gia đình thì gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề giáo dục đối với con cái trong độ tuổi nhất định. Do đó, gia đình cần sát sao quan tâm đến con cái và phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục nhận thức giới tính cho các em để các em biết cách phòng tránh, bảo vệ bản thân. Còn đối với những trường hợp xảy ra ngoài ý muốn thì gia đình cũng cần quan tâm, động viên chia sẻ để các em ổn định tâm lý, tránh có những hành vi tiêu cực, gây hậu quả nghiêm trọng. Từ phía cơ quan chức năng: Để hạn chế tình trạng trên, cần sự vào cuộc của các đoàn thể, các ngành chức năng trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về dân số, bảo vệ trẻ em; công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các đối tượng là thanh thiếu niên, phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường trong việc giáo dục pháp luật cho các em", luật sư Tùng chia sẻ.
Hiện vụ bỏ con mới đẻ trong nhà vệ sinh ở Bắc Giang đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
>>> Xem thêm video: Phát hiện bé sơ sinh tử vong trong túi nilong vứt ngoài ruộng ở Hà Nội
Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.
Gia Đạt