Liên quan vụ việc ông Nguyễn Tiến Dũng, cựu cán bộ Trung tâm hỗ trợ xã hội TP HCM có hành vi dâm ô nhiều bé gái đã bị khởi tố bắt giam, Sở LĐ,TB&XH TP HCM cũng đã kỷ luật hàng loạt cán bộ.
Cụ thể, theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TP HCM cho biết, đã kỷ luật giáng chức đối với bà Võ Thị Thanh Kim, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xã hội TP HCM.
Ngoài ra, ông Phạm Đình Lương, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xã hội nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo. Ông Lương bị kỷ luật do có vai trò Phó giám đốc phụ trách tham mưu công tác quản lý phòng quản lý hồ sơ - giáo dục tư vấn đã chưa làm hết trách nhiệm, để viên chức dưới quyền vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng đến mức bị truy tố hình sự.
|
Ông Phạm Đình Lương, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội. Ảnh: BVPL |
Mới đây, ông Phạm Đình Lương đã có đơn khiếu nại đến Giám đốc Sở LĐ,TB&XH để phản đối, không chấp nhận quyết định kỷ luật. Ông Lương cho rằng, bản thân ông không phụ trách và cũng không trực tiếp quản lý viên chức nơi nhân viên Nguyễn Tiến Dũng thực hiện hành vi dâm ô nên ông không liên quan. Hơn nữa, thời gian ông Dũng thực hiện hành vi dâm ô không trùng ca trực với ông Lương và thời điểm công an bắt nhân viên Dũng, ông Lương cũng không còn phụ trách phòng quản lý hồ sơ nữa.
Do đó, ông Lương cho rằng, việc cho rằng ông chưa làm hết vai trò là nhầm lẫn và quá trình xử lý kỷ luật cũng có một số thủ tục chưa đúng quy định.
Đáng chú ý, theo ông Lương, thời điểm xảy ra vụ việc, ông Võ Thanh Quang là phó giám đốc phụ trách khu quản lý đối tượng. Trong khi đó, cuối tháng 11/2019, Sở vẫn giải quyết cho ông Quang nghỉ hưu mà không tạm dừng chế độ hưu để xử lý kỷ luật là không công bằng.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi dâm ô của ông Nguyễn Tiến Dũng, cựu nhân viên trung tâm hỗ trợ xã hội thành phố Hồ Chí Minh khiến dư luận vô cùng bức xúc, sự việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến dư luận xã hội, làm suy giảm niềm tin của người dân trước các cơ quan bảo vệ trẻ em, cứu trợ xã hội.
Đồng thời, sự việc này cho thấy, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý cán bộ là có vấn đề. Ngoài việc xử lý hình sự với ông Dũng, việc xem xét trách nhiệm quản lý là cần thiết, cần làm rõ lỗ hổng, sai phạm ở đâu để những cán bộ thiếu đạo đức, thiếu chuẩn mực, nhân cách thấp kém như vậy lại thực hiện nhiệm vụ cứu trợ xã hội, bảo vệ trẻ em ?!
Tuy nhiên, theo luật sư Cường, việc xem xét xử lý cán bộ phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cán bộ có liên quan trong vụ việc này. Muốn xử lý kỷ luật, thậm chí, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cán bộ có liên quan trong vụ việc này, cơ quan chức năng cần phải làm rõ trách nhiệm, làm rõ sai phạm và phải tiến hành các thủ tục kỷ luật cán bộ công chức, kỷ luật viên chức theo đúng quy định của pháp luật.
“Việc xử lý kỷ luật phải đúng thẩm quyền, có căn cứ và theo trình tự, thủ tục luật định. Trong trường hợp người bị xử lý kỷ luật không đồng ý với quyết định kỷ luật thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật”, ông Cường cho hay.
Đồng thời, luật sư Cường cho rằng, xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền, có trách nhiệm trong việc quản lý viên chức, quản lý hồ sơ là cần thiết. Tuy nhiên, xử lý cán bộ nào, xử lý ai, căn cứ vào đâu, theo trình tự thủ tục nào là vấn đề mà hội đồng xử lý kỷ luật phải cân nhắc, xem xét và thực hiện đúng các quy định của pháp luật trước khi ban hành quyết định kỷ luật. Tránh trường hợp kỷ luật sai đối tượng, sai thẩm quyền, thiếu căn cứ hoặc không tuân thủ trình tự, thủ tục luật định.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp. |
Trong vụ việc này ông Phạm Đình Lương bị xử lý kỷ luật viên chức với hình thức cảnh cáo, người có thẩm quyền ban hành quyết định kỷ luật phải có căn cứ để chứng minh rằng hành vi vi phạm của ông Lương thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11, Nghị định số 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.
“Điều 11 của Nghị định 27/2012/NĐ-CP là căn cứ để ban hành hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với viên chức. Tổ chức nào muốn thực hiện cảnh cáo đối với viên chức thì phải có một trong các căn cứ theo quy định tại Điều 11 nêu trên. Ngoài ra cần phải tuân thủ quy định về thẩm quyền, nội dung, hình thức và trình tự thủ tục tổ chức thực hiện việc kỷ luật viên chức theo quy định pháp luật”, luật sư Cường cho biết.
Theo ông Cường, nếu việc kỷ luật thiếu căn cứ, không đúng thẩm quyền, không đúng nội dung hoặc không tuân trình tự thủ tục luật định thì người bị kỷ luật có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định pháp luật.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin vụ bé gái bị dâm ô tại TT hỗ trợ xã hội TP HCM, PGĐ phản ứng án kỷ luật, chối trách nhiệm.
Điều 11. Cảnh cáo
Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng;
2. Không chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền hoặc không thực hiện công việc, nhiệm vụ đã cam kết trong hợp đồng làm việc mà không có lý do chính đáng, gây ảnh hưởng đến công việc chung của đơn vị;
3. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được dự thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp;
4. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 05 đến dưới 07 ngày làm việc trong một tháng được tính trong tháng dương lịch hoặc từ 05 đến dưới 07 ngày làm việc liên tiếp, mà không có lý do chính đáng;
5. Phân biệt đối xử dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức;
6. Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và xã hội;
7. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp;
8. Sử dụng trái phép chất ma túy bị cơ quan công an thông báo về đơn vị sự nghiệp công lập nơi viên chức đang công tác;
9. Viên chức quản lý không thực hiện đúng trách nhiệm quản lý, để viên chức thuộc quyền quản lý, phụ trách vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp;
10. Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này;
11. Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật.
>>> Mời độc giả xem video Vụ nhiều trẻ bị dâm ô: Trách nhiệm Sở LĐ-TB&XH TP HCM:
Hải Ninh