Phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đã kết thúc phần tranh luận và bước vào nghị án.
|
Các bị cáo tại tòa. |
Tại phiên tòa này, bị cáo Phạm Nhật Vũ bị xét xử về tội đưa hối lộ khi bị cáo buộc sau khi hoàn thành thương vụ bán cổ phần AVG cho Mobifone đã 'cảm ơn" ông Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải 500.000 USD và Trương Minh Tuấn 200.000 USD.
Tuy nhiên, xét toàn bộ diễn biến vụ xét xử, bị cáo Phạm Nhật Vũ tích cực khắc phục triệt để thiệt hại, tích cực phối hợp cơ quan tố tụng làm rõ vụ án, có nhiều việc làm thiện nguyện cho xã hội, để rồi hơn 2.000 tổ chức, cá nhân làm đơn xin khoan hồng cho bị cáo và chiều qua (24/12), khi được nói lời sau cùng, các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Phạm Thị Phương Anh và Hồ Tuấn đều nhất mực xin khoan hồng cho ông Vũ... Điều này lần nữa dấy lên nguồn cơn xôn xao trong dư luận.
Nhiều ý kiến còn có cái nhìn chưa đúng đắn, thậm chí sai lệch khi cho rằng, việc hơn 2.000 cá nhân tổ chức trong và ngoài nước xin khoan hồng cho ông Vũ là do gia đình ông Vũ tác động, chạy tiền, mua đơn mua chữ ký...
"Không hiểu sao nhiều người nhìn đâu cũng thấy đinh. Cứ thấy người giàu là ghét, nhìn thấy ai giàu lên, đều nghĩ làm ăn bất chính dù chẳng có bằng chứng gì. Tâm lí này có “nguồn cơn” vừa là thành kiến, vừa vì không hài lòng với hoàn cảnh kinh tế cá nhân mình sinh ra ghét lây và cũng có thể không thích người khác hơn mình. Sống như vậy bất hạnh lắm. Mọi người trách mắng đủ chưa?!, nhà báo Đỗ Minh Tuấn chia sẻ.
Theo nhà báo Đỗ Minh Tuấn, gia đình ông Vũ dù có tiền nhiều thế nào cũng không thể mua được Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam, ông Konstantin Vasilievich Vnukov, không thể mua được một Đại lão Hòa thượng Yoshimizu Daichi - nguyên Hội trưởng Phật giáo Tịnh Độ Tông Nhật Bản có sức ảnh hưởng tới hàng ngàn ngôi chùa trên nước Nhật và càng không thể "mua" được ông Kirsan Ilyumzhinov - nguyên Tổng thống đầu tiên Nước cộng hoà Kalmykia thuộc Liên bang Nga... để họ viết đơn xin bảo lãnh, khoan hồng cho ông Vũ.
Động cơ của hơn 2.000 cá nhân, tổ chức xin khoan hồng cho ông Phạm Nhật Vũ có lẽ xuất phát từ tấm lòng cảm phục đối với những hành động thiện nguyện của ông Vũ khi sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, đóng góp rất lớn cho các cá nhân, tổ chức xã hội. Họ không tin ông Vũ vì động cơ vụ lợi mà vi phạm pháp luật nên những hành động của họ xuất phát từ tấm lòng, sự tin tưởng đối với ông Phạm Nhật Vũ.
Ông Phạm Nhật Vũ thật may mắn khi lúc sa cơ, vẫn có người vợ trẻ kề vai sát cánh, nói những lời gan ruột, đồng cam cộng khổ; có hàng nghìn người từng được ông giúp đỡ và chứng kiến những việc ông làm... đã viết đơn xin khoan hồng giảm án cho ông.
"Đây là kết quả của một quá trình phát tâm thiện nguyện, sống không chỉ cho bản thân mình mà còn sống cho người khác của cựu Chủ tịch AVG. Điều này rất đúng với câu nói: Khi con đường của bạn rộng mở, bạn bè biết bạn là ai. Khi bạn rơi vào nghịch cảnh, bạn sẽ biết ai là bạn bè”, vị nhà báo này cho biết.
Cũng không phải ngẫu nhiên, khi bào chữa cho bị cáo Trương Minh Tuấn, luật sư Vũ Xuân Nam nêu quan điểm, cho dù ông Tuấn và bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên (cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone) có nỗ lực bao nhiêu trong việc hủy hợp đồng cũng không bằng sự chủ động khắc phục của ông Phạm Nhật Vũ - cựu Chủ tịch HĐTV AVG.
Nếu ông Vũ và gia đình không khắc phục thì thiết nghĩ mức án đề nghị của các bị cáo trong phiên tòa này sẽ không như thế này, mà khả năng sẽ nặng hơn nhiều, thậm chí ngồi tòa hôm nay không chỉ có từng này bị cáo và mức án cũng không thể như VKS đề xuất.
Hiện nay, HĐXX đang tiến hành nghị án, dù mức án tòa tuyên đối với ông Phạm Nhật Vũ có thế nào đều là cái giá phải trả cho những sai lầm. Dư luận không nên trách mắng mà cần nhìn nhận những đóng góp của ông Vũ cho xã hội, nhìn nhận sự chủ động, tích cực khắc phục thiệt hại, tích cực phối hợp cung cấp tài liệu để cơ quan điều tra làm rõ hành vi của các bị can vi phạm về đầu tư công, cũng như hậu quả của vụ án. Ông Vũ hoàn toàn xứng đáng được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt của pháp luật như các cơ quan tố tụng đã đề nghị để sớm có cơ hội đóng góp cho xã hội, sửa chữa những sai lầm đã mắc phải liên quan đến vụ án này.
>>> Mời độc giả xem video Bà Kolmakova Ekaterina, vợ Phạm Nhật Vũ nói tại tòa:
Nguồn: Báo Người Lao động.
Nói lời sau cùng, 3 bị cáo Bắc Son, Phương Anh, Hồ Tuấn xin khoan hồng cho ông Phạm Nhật Vũ:
Khi nói lời sau cùng trước tòa, nhiều bị cáo đã xin được giảm án cho ông Phạm Nhật Vũ - cựu Chủ tịch AVG vì có nhiều đóng góp cho xã hội và đã khắc phục được phần nào hậu quả của vụ án.
Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói: Trước khi vào trại tạm giam, ông biết ông Vũ đã góp phần tích cực khắc phục hậu quả vụ án này, đã nộp lại số tiền vốn, gốc, hỗ trợ tiền lãi cho MobiFone.
Qua kết luận điều tra, cáo trạng, ông Son biết thêm thông tin ông Vũ còn có nhiều đóng góp cho nước nhà, đóng góp cho ngoại giao của Đảng, Nhà nước và nhân dân, duy trì phát triển quan hệ của Việt Nam với Nga… Vì thế, cựu Bộ trưởng thiết tha đề nghị HĐXX khoan hồng cho bị cáo Vũ.
Tiếp đó, bị cáo Phạm Thị Phương Anh (cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone) và bị cáo Hồ Tuấn - cựu thành viên Hội đồng thành viên MobiFone đều xin khoan hồng cho ông Phạm Nhật Vũ.
Bị cáo Hồ Tuấn trình bày, giai đoạn ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần AVG cho MobiFone, ông không biết Phạm Nhật Vũ. Đến giai đoạn thực hiện hợp đồng và hủy hợp đồng bị cáo mới làm việc với ông chủ AVG. Bị cáo nhận xét Phạm Nhật Vũ là người trách nhiệm và tín nghĩa, thể hiện rõ nhất trong việc khắc phục hậu quả vụ án. Bị cáo gửi lời cảm ơn tới bị cáo Phạm Nhật Vũ (bị cáo Vũ vắng mặt tại tòa vì lý do sức khỏe).
Tâm Đức