Cục Thi hành án dân sự TPHCM vừa cho biết, dự kiến ngày 6/3 tới, Cục Thi hành án dân sự TPHCM sẽ cưỡng chế thi hành phần dân sự liên quan tới vụ án Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nguyễn Thái Luyện đang chấp hành án phạt tù chung thân tại Trại giam Thủ Đức về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vợ Luyện là Võ Thị Thanh Mai bị phạt 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 12 năm tù về tội Rửa tiền nhưng chưa chấp hành án do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng.
|
Nguyễn Thái Luyện cùng các bị cáo trong vụ án.
|
Số lượng bị hại trong vụ án là 4.929 người, trong đó số bị hại đã làm đơn yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm ban hành quyết định cưỡng chế thi hành án là 3.899 người cư trú ở nhiều tỉnh, thành khác nhau, thành phần xã hội đa dạng, phức tạp.
Quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên đã xử lý số tiền hơn 57 tỷ đồng để chi trả cho các bị hại. Đồng thời, chấp hành viên thực hiện thông báo đầy đủ các quyết định thi hành án cho Luyện và Mai theo quy định.
Hiện đã hết thời hạn tự nguyện thi hành án, ông Luyện và bà Mai không tự nguyện thi hành. Do đó, chấp hành viên ban hành các quyết định cưỡng chế thi hành án để kê biên, xử lý tài sản tạm giữ để đảm bảo thi hành án.
Các tài sản dự kiến kê biên bao gồm: 272 miếng kim loại vàng thu tại trụ sở công ty Alibaba; 9 xe ôtô và 2 xe gắn máy chưa gắn biển số; 113 đầu CPU, 24 ổ cứng, 172 máy tính xách tay, 1 máy tính bảng, 18 điện thoại di động, 3 máy chụp ảnh, 2 thẻ nhớ, 4 đầu thu camera, 5 máy in, 1 máy phát wifi, 1 máy chiếu, 4 USB, 1 rô tơ.
Bản án buộc Nguyễn Thái Luyện và bà Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) liên đới bồi thường hơn 2.445 tỷ đồng cho 4.929 bị hại. Theo quy định, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan Thi hành án dân sự ra Quyết định thi hành án, nếu ông Nguyễn Thái Luyện và bà Võ Thị Thanh Mai chưa thi hành khoản tiền như án đã tuyên thì hàng tháng còn phải chịu thêm khoản tiền lãi theo mức lãi suất phát sinh do chậm thi hành án.
Theo Cục Thi hành án dân sự TPHCM, việc thi hành án vụ Alibaba được dư luận xã hội quan tâm, quá trình thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành án có khả năng người được thi hành án tập trung đông để chứng kiến việc cưỡng chế, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương. Do đó, phải bố lực lượng để bảo đảm an ninh trật tự; kịp thời ngăn chặn, xử lý tình huống xấu xảy ra.
Trước đó, ngày 19/5/2023, TAND cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm vụ vợ chồng bị cáo Nguyễn Thái Luyện và các bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”, xảy ra tại Công ty Alibaba, Hội đồng xét xử tuyên bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Thái Luyện về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, giữ nguyên mức án tù chung thân mà bản án sơ thẩm đã tuyên.
Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) được giảm 4 năm tù trong tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (án sơ thẩm tuyên 16 năm tù) và giảm 5 năm tù với tội danh “Rửa tiền” (án sơ thẩm tuyên 7 năm tù). Tổng hợp hình phạt bị cáo Mai chấp hành là 14 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Thái Lực (em bị cáo Luyện) bị phạt 22 năm tù (giảm 5 năm tù) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”. Một số bị cáo còn lại được HĐXX cấp phúc thẩm giảm từ 1 – 2 năm tù.
Tòa buộc bị cáo Nguyễn Thái Luyện và Võ Thị Thanh Mai liên đới bồi thường hơn 2.447 tỷ đồng cho các bị hại.
Theo nội dung vụ án, Nguyễn Thái Luyện thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba. Luyện dùng tiền cá nhân và tiền chiếm đoạt từ khách hàng chỉ đạo người thân trong đó có hai em trai là Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực; nhân viên nhận chuyển nhượng số lượng lớn đất nông nghiệp tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận. Luyện bán các dự án không có thật, chiếm đoạt hơn 2.466 tỷ đồng của hơn 4500 khách hàng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Mở rộng điều tra vụ án lừa đảo tại Công ty Alibaba
Hải Ninh