Tuy nhiên, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh giữ vững quan điểm đòi bồi thường do lỗi chủ quan của Vinafco Ship.
Luật sư Mai Thảo, Phó Giám đốc TAT Law Firm cho rằng, vụ việc 42 ô tô rơi xuống biển đã trở thành tâm điểm tranh cãi khi hai bên liên quan không đạt được sự đồng thuận về trách nhiệm bồi thường. Phía Vinafco lập luận rằng họ đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu (P&I) từ Bảo Việt và QBE, đồng thời ủy quyền cho các nhà bảo hiểm này giải quyết tổn thất.
Theo luật sư Mai Thảo, đây là một bước ngoặt đáng chú ý trong tranh chấp, mở ra khả năng vụ việc sẽ được giải quyết qua bảo hiểm thay vì công ty vận tải trực tiếp bồi thường.
|
TÌnh trạng các container còn lại khi cập cảng Bến Nghé, TP HCM. (Ảnh Nori Hà Nội).
|
Công ty Phương Anh lại cho rằng trách nhiệm bồi thường thuộc về Vinafco Ship, dựa trên kết luận của Công ty Giám định Nori Hà Nội, cho thấy đây là lỗi chủ quan của người vận chuyển. Theo đó, Phương Anh yêu cầu Vinafco phải chịu trách nhiệm toàn bộ cho tổn thất này, thay vì chuyển giao trách nhiệm cho các công ty bảo hiểm. Quan điểm này vẫn được giữ vững, bất chấp việc Vinafco đã ủy quyền cho Bảo Việt và QBE.
Luật sư Mai Thảo cho rằng, điều này đặt ra nhiều vấn đề pháp lý quan trọng. Trước hết, hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu (P&I) thường bảo vệ chủ tàu trước các khiếu nại từ bên thứ ba, bao gồm cả tổn thất hàng hóa. Nếu Vinafco đã mua bảo hiểm này, việc bồi thường sẽ do các công ty bảo hiểm chịu trách nhiệm, theo quy định của hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, trách nhiệm bảo hiểm sẽ chỉ được kích hoạt nếu nguyên nhân tổn thất không phải là do lỗi cố ý hoặc vi phạm nghiêm trọng quy trình vận hành của người vận chuyển.
Phía Công ty Phương Anh lại đang đợi câu trả lời chính thức từ Bảo Việt về việc có chi trả bồi thường hay không. Thông tin từ Bảo Việt cho biết họ sẽ có văn bản phản hồi, nhưng đến nay Phương Anh vẫn chưa nhận được câu trả lời. Điều này làm tăng thêm sự phức tạp cho vụ việc, đồng thời đẩy vụ kiện vào một tình thế chưa ngã ngũ.
Từ góc độ pháp lý, luật sư Mai Thảo nhìn nhận, đây là một tình huống điển hình của tranh chấp bảo hiểm hàng hải. Trước hết, cần xác định rõ phạm vi bảo hiểm của hợp đồng P&I mà Vinafco đã ký kết. Nếu phạm vi bảo hiểm bao gồm cả tổn thất hàng hóa do lỗi sơ suất của chủ tàu, thì việc bồi thường sẽ do bảo hiểm chi trả. Tuy nhiên, nếu có bằng chứng cho thấy Vinafco không tuân thủ các quy định an toàn trong quá trình vận chuyển, thì trách nhiệm sẽ không chỉ dừng lại ở việc yêu cầu bảo hiểm bồi thường mà còn phải xem xét trách nhiệm dân sự của Vinafco Ship.
|
Luật sư Mai Thảo, Phó Giám đốc TAT Law Firm |
Việc Bảo Việt chưa đưa ra quyết định cuối cùng cho thấy họ đang cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố trong hợp đồng và tình tiết của vụ việc. Công ty Phương Anh, với tư cách là chủ hàng, cần chuẩn bị đầy đủ các bằng chứng chứng minh lỗi thuộc về Vinafco, bao gồm kết quả giám định của Công ty Nori Hà Nội và các tài liệu liên quan đến quy trình vận chuyển.
Để giải quyết tranh chấp này một cách hiệu quả, các bên nên cân nhắc việc thương lượng và hòa giải. Nếu không đạt được thỏa thuận, việc đưa vụ việc ra tòa sẽ là bước tiếp theo. Lúc này, cả Vinafco, Công ty Phương Anh và các công ty bảo hiểm sẽ phải chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo vệ quan điểm của mình.
Kết luận, thông tin mới từ phía Vinafco cho thấy vụ việc đang có chiều hướng phức tạp hơn khi các yếu tố về bảo hiểm và trách nhiệm pháp lý đan xen. Việc cần làm là xác định rõ ràng trách nhiệm của từng bên, từ đó có hướng giải quyết phù hợp. Đây là một vụ việc điển hình, đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về luật hàng hải và bảo hiểm để đưa ra quyết định cuối cùng một cách công bằng và hợp lý.
Trước đó, TAND huyện Thanh Trì (TP Hà Nội) đã yêu cầu Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco cung cấp bổ sung một số tài liệu liên quan tới hợp đồng bảo hiểm giữa Công ty Vinafco và Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt; báo cáo giám định của Công ty cổ phần Giám định và Tư vấn Việt (Vietcontrol). Tòa án cũng đưa Công ty Bảo hiểm Bảo Việt tham gia vụ án với vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Công ty Phương Anh trước đó đã khởi kiện ra TAND huyện Thanh Trì, yêu cầu Vinafco bồi thường thiệt hại sau sự cố khiến 14 container, bên trong có 42 ô tô điện rơi xuống biển; 1 container bên trong có 3 ô tô bị va đập, hư hỏng.
Theo đó, Công ty Phương Anh ký hợp đồng thuê Công ty Vinafco vận chuyển 15 container (chứa 45 xe ô tô, trong đó có 26 ô tô điện) đi từ cảng Chùa Vẽ (TP Hải Phòng) đến cảng Bến Nghé (TP HCM). Khoảng hơn 21h ngày 22/12/2023, khi tàu Morning Vinafco (thuộc Công ty Vinafco) đang di chuyển đến khu vực Cù Lao Chàm (Quảng Nam) bị rơi 37 container xuống biển, trong đó có 14 container của Công ty Phương Anh. Việc này đã gây thiệt hại nặng nề cho Công ty Phương Anh.
Sau nhiều lần gửi văn bản yêu cầu Công ty Vinafco bồi thường thiệt hại, nhưng bất thành, Công ty Phương Anh khởi kiện ra tòa, yêu cầu bồi thường giá trị tài sản và lãi chậm trả đối với tổn thất 45 xe ô tô bị mất tích và hư hỏng, tổng cộng hơn 38 tỷ đồng.
Tại phiên họp công khai để hòa giải, đại diện bị đơn cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tai nạn/sự cố rơi các container xuống biển được chuyên chở trên tàu Morning Vinafco là do thiên tai bất khả kháng gây ra, nên được miễn hoàn toàn trách nhiệm đối với tổn thất hàng hóa. Vinafco đưa ra căn cứ, bởi Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã có công văn khẳng định: “Vào khoảng thời gian từ 19h00 ngày 22 đến 7h00 ngày 23/12/2023 có mưa, mưa vừa. Gió đông bắc cấp 6-7, độ cao sóng dao động trong khoảng 1.75-4.0m”.
Trong khi đó, theo đại diện Công ty Phương Anh, Báo cáo giám định sơ bộ ngày 25/12/2023, Báo cáo giám định tiếp theo lần 1 ngày 12/3/2024, Báo cáo giám định tiếp theo lần 2 ngày 14/5/2024 của Công ty cổ phần Giám định Phương Bắc Hà Nội (Nori Hà Nội) đều đề cập đến tình trạng không đảm bảo của tàu Morning Vinafco.
Cụ thể, các thiết bị để cố định/lashing container trên hầm hàng của Bay 16/Bay 20 có tình trạng han gỉ cũ, hư hỏng biến dạng nặng. Đặc biệt là vị trí các hộp chân đế container có tình trạng han gỉ nặng; các hộp góc container dùng để lashing có tình trạng han gỉ, mòn; các chốt khóa gù bị biến dạng hư hỏng; các thanh giằng/tăng đơ chẳng bị biến dạng nặng, đứt rời...
Báo cáo giám định tiếp theo lần 2, Nori Hà Nội cho rằng, với tình trạng lắc ngang mạnh, có thể tồn tại một số thiết bị chằng buộc xảy ra tình trạng kém, giảm khả năng chịu lực kéo giãn, không còn phù hợp để đảm bảo giữ cố định các khối liên kết container trên boong. Đến thời điểm sự cố, các lực tổng hợp đã phá vỡ khả năng chịu tải của các thiết bị chằng buộc. Điều này đã khiến cho hàng hóa bị xê dịch, dẫn tới cấu trúc của khối container bị phá vỡ và gây ra sự cố rơi các container.
Từ đó, Nori Hà Nội đã kết luận nguyên nhân dẫn đến tổn thất đối với lô hàng xe ô tô xếp trong các container thuộc vận đơn 30/MVN-715HS của Công ty Phương Anh được vận chuyển trên tàu Morning Vinafco là “hậu quả do thiết bị chằng buộc container trên tàu có tình trạng kém, không đảm bảo việc chẳng giữ an toàn cho hàng hóa khi tàu hành trình trong điều kiện thời tiết có sóng gió cấp 6, cấp 7.
Trong buổi hòa giải ngày 9/9 vừa qua tại TAND huyện Thanh Trì, nguyên đơn cho rằng lỗi thuộc về các điều kiện tàu và container của Vinafco không đảm bảo; tiếp tục bảo lưu quan điểm yêu cầu bồi thường. Còn bị đơn cho rằng cho rằng nguyên nhân trực tiếp gây ra tổn thất do "thiên tai bất khả kháng". Bị đơn dẫn báo cáo giám định của Công ty Giám định và Kiểm định Vietcontrol, kết luận về nguyên nhân "do thiên tai bất khả kháng".
Ngày 9/9, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cũng được tòa đưa vào vụ án với vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, do cả nguyên đơn và bị đơn đều có hợp đồng bảo hiểm với công ty này. Nguyên đơn cho hay trong buổi làm việc hồi tháng 5, Bảo Việt nêu quan điểm, nguyên nhân dẫn đến sự cố "không thuộc rủi ro được bảo hiểm". Bảo Việt cho biết sẽ có văn bản trả lời Công ty Phương Anh về việc có bồi thường hay không, song hiện vẫn chưa phản hồi. Tòa dự kiến sau ngày 24/9 sẽ thông báo lịch buổi hòa giải thứ hai.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ đoạn trục lợi bảo hiểm chế độ thai sản
Hải Ninh