Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) vừa có báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 nhân cuộc làm việc giữa Ủy ban này với 2 bộ GD&ĐT, Công an ngày 23/4.
Theo đó, những dấu hiệu tiêu cực và gian lận trong thi cử có tổ chức ở một số địa phương như Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang đã gây tâm lý lo ngại trong học sinh và dư luận xã hội, làm suy giảm niềm tin vào tính trung thực, khách quan của kỳ thi.
Bộ Công an, Bộ Giáo dục hứa “xử đến cùng” gian lận điểm thi
Trước những dấu hiệu sai phạm, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Thường trực Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thủ tướng, đồng thời thông tin cho dư luận, báo chí.
|
Ở Hà Giang, cá biệt có thí sinh được chấm tăng đến 29,95 điểm. Ảnh: Ngọc Châu. |
Tại Hà Giang, kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT cho thấy 330 bài thi của 114 thí sinh có tổng điểm đã công bố chênh lệch hơn 1 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm.
Tại Sơn La, Bộ GD&ĐT đã đề nghị Bộ Công an xác minh, làm rõ những sai phạm để xử lý theo quy định. Bộ Công an đã chỉ đạo cơ quan an ninh điều tra - Công an tỉnh Sơn La xác minh để lập hồ sơ vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến sai phạm tại Hội đồng thi THPT quốc gia 2018 của tỉnh Sơn La.
Thí sinh được nâng nhiều điểm nhất ở Hà Giang là 29,95 điểm; Sơn là 26,55 điểm; Hòa Bình là 26,45 điểm.
Cơ quan an ninh điều tra của công an tỉnh đã xác định được những bài thi có sửa chữa trên phiếu trả lời trắc nghiệm không do thí sinh thực hiện.
Theo kết luận điều tra, có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm trên tổng 3 môn. Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9 điểm.
Tại Hòa Bình, kết quả điều tra của cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh cho thấy có 64 thí sinh được sửa điểm thi. Cụ thể, có 56 thí sinh với 140 bài thi trắc nghiệm đã bị thay đổi từ 0,2 đến 9,25 điểm mỗi môn thi. Đặc biệt, có thí sinh được nâng điểm 3 môn với tổng số 26,45 điểm; bài thi Hóa học của một thí sinh được nâng đến 9,25 điểm.
Quan điểm của Bộ Công an và Bộ GD&ĐT là tuyệt đối không dung túng cho sai phạm, phải xử lý nghiêm, xử lý đến cùng để đảm bảo công bằng cho kỳ thi.
Hai bộ thống nhất sau khi có kết luận chính thức cuối cùng của cơ quan điều tra, căn cứ tình hình cụ thể sẽ phối hợp xử lý trên tinh thần đúng pháp luật, nghiêm minh, công bằng.
Đặc biệt, không chấp nhận những cán bộ, viên chức có gian lận trong thi cử được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của ngành.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương xem xét, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình và kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ vi phạm.
Làm rõ “còn những ai liên quan”
Trao đổi thêm với Zing.vn về sau cuộc họp chiều 23/4, bà Nguyễn Thị Mai Hoa (Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng) cho biết đây là vấn đề hết sức hệ trọng, cần được xem xét, xử lý nghiêm minh.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng. Ảnh: Quốc hội. |
Theo bà Hoa, đến nay nội dung sai phạm đã cơ bản làm rõ. Hầu hết đối tượng liên quan tới vụ gian lận điểm thi đã bị xử lý với các hình thức, mức độ khác nhau.
Chia sẻ với Bộ Giáo dục cũng như cơ quan điều tra khi phải xử lý vụ việc phức tạp, diễn ra trên diện rộng, song bà Hoa vẫn băn khoăn khi tiến độ xử lý còn chậm, một số vấn đề chưa được làm sáng tỏ.
“Ví dụ, ngoài 16 cán bộ bị khởi tố thì còn những ai liên quan khác? Rõ ràng họ không tự nhiên phạm tội, mà chịu sự tác động từ những người khác với các hình thức khác nhau để nhờ nâng điểm cho các thí sinh”, bà Hoa nhận định.
Bà cho rằng những người khác liên quan chưa được phát hiện, xử lý nên cơ quan điều tra cần phải tích cực hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để điều tra, làm rõ. Nếu liên quan tới thành phần cán bộ, công chức nhà nước thì cần có sự vào cuộc của các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra.
Nữ đại biểu bày tỏ băn khoăn về trường hợp các thí sinh được nâng điểm, được trả về điểm thật, nhưng một số vẫn tiếp tục được theo học tại các trường đại học.
“Đành rằng có thể là lỗi do người lớn can thiệp, nhưng không thể nói là các em vô can. Do vậy, vẫn cần có những hình thức xử lý phù hợp để bảo đảm công bằng cho những người học thật, thi thật”, bà Hoa nêu quan điểm.
Nói về quan điểm của Ủy ban, bà cho hay Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thống nhất là việc xử lý phải đảm bảo nguyên tắc nghiêm minh, đúng pháp luật, sai đến đâu xử lý đến đó.
Đồng thời, phải công khai, minh bạch và không có vùng cấm, cần xử lý nghiêm các đối tượng liên quan, từ những cán bộ làm sai lệch kết quả thi, các thí sinh cho tới người thân của thí sinh, các thí sinh.
Ủy ban cũng đề nghị tránh kéo dài vụ việc dẫn đến tâm lý hoài nghi trong dư luận.
Theo Hoài Thu/Zing