Thông tin thêm về việc 23 năm trước Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện thu thanh bản ghi Quốc ca, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, trải qua các thời kỳ, lãnh đạo Đài đã chỉ đạo Ban Âm nhạc cũng như Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức dàn dựng rất công phu 4 sản phẩm âm nhạc chủ đạo trong các hoạt động chính trị của đất nước.
Trong năm 1997 - 1998, Nhà Hát Đài Tiếng nói Việt Nam và Ban Âm nhạc đã được lãnh đạo Đảng chỉ đạo dựng 3 bài chính ca bao gồm: Quốc thiều, Quốc ca, Lãnh tụ ca, đặc biệt là bài “Tiến quân ca” (Quốc ca) của nhạc sĩ Văn Cao, chỉ huy dàn dựng phối khí nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.
|
Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.
|
Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh: "Với trách nhiệm là một cơ quan báo chí quốc gia có bề dày hoạt động về truyền thông, văn hóa, Đài Tiếng nói Việt Nam cảm thấy có trách nhiệm trong việc phổ biến những sản phẩm âm nhạc chính thống đến với công chúng.
Đài Tiếng nói Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các tổ chức cá nhân để công bố, cho sử dụng rộng rãi sản phẩm thuộc bản quyền Đài Tiếng nói Việt Nam đến với công chúng cả nước và quốc tế trên mọi nền tảng".
Ông Phạm Mạnh Hùng cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan công bố sản phẩm này trên nền tảng số của Đài, trên báo điện tử VOV.VN, VTC News… và các đơn vị khác của Đài để cho công chúng, các đơn vị, tổ chức cá nhân liên quan có thể sử dụng một cách rộng rãi những bản nhạc có chất lượng thu cao.
"Chúng tôi coi đây là nhiệm vụ của Đài Tiếng nói Việt Nam và sẵn sàng chia sẻ đến với các tổ chức, cá nhân với mục đích kinh doanh phi lợi nhuận", lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh.
|
Phần cử hành Quốc ca của tuyển Việt Nam bị tắt tiếng trên YouTube.
|
Những ngày qua, dư luận bức xúc trước sự việc Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trong trận Việt Nam - Lào trên kênh YouTube tối 6/12. Đơn vị phát sóng trên nền tảng YouTube là Next Media giải thích: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ Chào cờ. Sau lễ Chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm".
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc bản ghi âm quốc ca, quốc thiều các nước có nhiều phiên bản được đăng ký bản quyền trên YouTube bởi nhiều đơn vị khác nhau.
Những đơn vị này không nắm tác quyền, mà chỉ đăng ký bản quyền đối với các bản ghi do chính họ sản xuất hoặc mua lại. Khi ban tổ chức giải đấu sử dụng những phiên bản này, đơn vị phát sóng vô tình bị tính là vi phạm bản quyền.
Ngày 7/12, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.
Theo đó, Bộ VHTTDL có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca. Cơ quan này nhấn mạnh rằng pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật.
Theo Vũ Vân/VTC News