Ngày 6/2, TAND TP.HCM mở phiên tòa xử sơ thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn chủ quản hãng taxi Vinasun, đối với bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (Công ty Grab Taxi).
Tại phiên tòa Vinasun kiện Grab, ông Trương Đình Quý (Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam) đại diện hãng taxi Vinasun cho rằng Công ty Grab Taxi đang vi phạm pháp luật, có những phương thức cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mãi tràn lan, phá giá, gây thiệt hại cho hãng này với số tiền 41 tỷ đồng. Do đó Vinasun khởi kiện đòi Grab Taxi bồi thường thiệt hại, đồng thời phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trong hoạt động kinh doanh.
Đại diện nguyên đơn cho rằng dù chỉ mới được thực hiện thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT nhưng Grab Taxi thực hiện chẳng khác nào một hãng taxi, điều này vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Cụ thể là vi phạm các quy định của Luật thương mại, Luật Giao dịch Điện tử, Nghị định 86 và Thông tư 63. Các lỗi vi phạm phổ biến của Grab là tự ý đặt chuyến đi cho khách, tự quyết định giá cả chuyến đi, nhận tiền trực tiếp của khách hàng, sau đó mới phân bố lại cho các tài xế và tự quyết định mức thưởng phạt cho các tài xế. Trong khi theo Quyết định 24 thì Grab Taxi chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng cho các tài xế, thực tế điều này không có.
|
Đại diện Grab Taxi (đứng ngoài cùng bên trái) trình bày tại tòa. |
Ông Trương Đình Quý nêu mặc dù chỉ được phép thí điểm tại một số địa phương nhất định, nhưng Grab Taxi lại thực hiện tràn lan ở một số địa phương ngoài phạm vi thí điểm như Bình Dương, Cần Thơ, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Đại diện hãng Vinasun cũng nêu hãng này liên tục tăng trưởng hai con số cho đến khi Grab Taxi nhảy vào thị trường và thực hiện các phương thức cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại cho Vinasun 41 tỷ đồng chỉ từ năm 2016 đến tháng 6.2017.
Grab Taxi còn thực hiện khuyến mãi tràn lan, không xin phép của cơ quan quản lý nhà nước, chẳng hạn liên tục thực hiện giảm giá cước, chương trình cước 0 đồng. Trong khi theo quy định, 1 năm khuyến mãi không quá 90 ngày và một đợt không quá 45 ngày. Vị đại diện Vinasun thắc mắc vì sao Grab Taxi vốn điều lệ chỉ có 20 tỷ nhưng, đóng thuế nhà nước chỉ có 9,5 tỷ mà lại báo lỗ trong 3 năm liên tục là 938 tỷ đồng và bị đưa vào diện giám sát? Rõ ràng điều này cho thấy Grab lỗ là do thực hiện các chiến dịch khuyến mãi ồ ạt, vi phạm quy định pháp luật.
Trở lại vấn đề về hoạt động Grab, đại diện Vinasun cho biết theo Quyết định 24, Grab Taxi phải thực hiện thông qua các hợp tác xã (HTX), Grab Taxi chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm không thể tự thực hiện được. Mặc dù vậy Grab lại tự ý thực hiện như một đơn vị kinh doanh vận tải taxi khi tự điều chỉnh giá cước theo ngày, tuyển mộ lái xe, các xe không có logo… Grab Taxi tự thực hiện một cách tùy ý không thông qua HTX bởi HTX chỉ ở “trên giấy”.
Giải đáp về phần này, đại diện Grab Taxi cho biết có hợp đồng hợp tác giữa Grab Taxi và các HTX. HTX nhờ Grab cài phần mềm ứng dụng cho các tài xế, đồng thời nhờ Grab Taxi thu cước hộ. Từ trước đến nay các HTX chưa hề có bất cứ khiếu nại nào về hoạt động của Grab Taxi. Tuy nhiên, đại diện Grab Taxi lại từ chối cung cấp thông tin về các HTX nào đã hợp tác với Grab Taxi và nội dung hợp đồng hợp tác là gì. Đại diện Grab Taxi cho hay đã giải trình với Bộ GTVT về một số vấn đề liên quan đến hoạt động của mình khi bị hãng Vinasun kiện.
Đáng chú ý, tại tòa luật sư phía nguyên đơn cung cấp giấy phép kinh doanh của Grab Taxi chứng minh Grab Taxi là đơn vị kinh doanh vận tải với các mã ngành nghề: vận tải trong nội thành, vận tải hàng hóa đường bộ, vận tải khác. Đại diện Grab Taxi bác lại điều này, đồng thời khẳng định thông tin này là trên cổng thông tin đăng ký quốc gia nhưng không có trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trước đó, trong phần mở đầu phiên tòa, đại diện bị đơn đã yêu cầu HĐXX đình chỉ vụ kiện bởi nguyên đơn không đưa ra được lý do chính đáng để kiện họ. Đại diện Grab Taxi trình bày Grab Taxi được thành lập vào năm 2012 tại Malaysia, sau đó phát triển tại Việt Nam. Trong hoạt động tại Việt Nam, Grab Taxi đưa ứng dụng dịch vụ công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho khách đi lại dễ dàng. Grab Taxi đăng ký kinh doanh phần mềm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT, cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải là đúng pháp luật.
Dự kiến chiều mai (7.2) phiên tòa tiếp tục xử.
Theo Hữu Ký/Dân Việt