Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức họp báo xin ý kiến các bộ, ngành trước khi công bố chính thức. Trong đó, du khách quốc tế có thể đến Việt Nam bằng nhiều loại hình phương tiện thay vì chỉ bằng đường hàng không như hiện nay. Du khách cũng có thể tự do đi lại khi đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng COVID-19.
Nhiều cơ chế được nới lỏng
Sáng 21/2, Tổng cục Du lịch thông tin những điểm mới nhất trong phương án đón khách quốc tế, dự kiến áp dụng từ 15/3. Theo đó, Việt Nam sẽ nới lỏng nhiều cơ chế cho du khách quốc tế.
Về quy định nhập cảnh, du khách từ 12 tuổi đến Việt Nam phải có chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19 hoặc khỏi bệnh. Kết quả xét nghiệm âm tính nCoV là bắt buộc, song công nhận phương pháp test nhanh trong 24 giờ và RT-PCR 72 giờ trước khi xuất cảnh. Bảo hiểm y tế có nội dung chi trả điều trị COVID-19, mức tối thiểu giảm xuống còn 10.000 USD thay vì 20.000 USD như thí điểm giai đoạn 2.
|
Nhiều du khách đã đến chọn Việt Nam làm điểm đến sau đại dịch COVID-19. |
Sau khi nhập cảnh, du khách đi bằng đường hàng không xét nghiệm nhanh tại nơi lưu trú và nhận kết quả trong 24 giờ. Khách đi đường bộ, đường biển xét nghiệm nhanh tại cửa khẩu. Trẻ dưới 12 tuổi, người già trên 65 tuổi chưa tiêm vắc-xin có thể nhập cảnh, song phải đi kèm người giám hộ và áp dụng quy định xét nghiệm, mua bảo hiểm y tế. Sau khi âm tính, có thể du lịch tự do, trường hợp dương tính cách ly, điều trị.
Du khách cần cài đặt ứng dụng về COVID-19 và kết nối liên tục trong thời gian ở Việt Nam. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề xuất miễn thị thực nhập cảnh giống như trước năm 2020.
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết du khách sau khi vào Việt Nam có thể du lịch như khách nội địa theo quy định, không cần xét nghiệm trừ trường hợp điều tra dịch tễ đến từ vùng 3 và 4 của Việt Nam. Hiện nay các địa phương được yêu cầu công bố mở cửa hoạt động du lịch và đón khách theo từng cấp độ dịch.
Ông Khánh cho biết thêm, việc cấp thị thực là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển quốc tế như trước khi dịch bệnh. Việt Nam đã công nhận "Hộ chiếu vắc-xin", giấy chứng nhận tiêm chủng của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 14 quốc gia công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam. Điều đó khiến điều kiện đi ra nước ngoài cũng bị hạn chế. Chỉ khi nào cân bằng được cung và cầu của khách đi và đến thì mới giảm chi phí các chuyến bay, giảm giá thành chi phí của các công ty du lịch.
Chuẩn bị nguồn lực phục vụ
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến rất nhiều doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành phải đóng cửa, làm việc cầm chừng, nhân lực của ngành du lịch thiết hụt. Vì vậy, nếu ngành du lịch được phục hồi mạnh mẽ, tạo được công ăn việc làm, thu nhập cao sẽ tự động là đòn bẩy thu hút lao động trước đây bị phân tán và chuyển sang làm các lĩnh vực khác quay trở lại.
|
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết Việt Nam đang nới lỏng nhiều cơ chế cho du khách quốc tế khi đến Việt Nam. |
Hiện Tổng cục Du lịch đang phối hợp cùng các địa phương kiểm tra, khắc phục lại cơ sở vật chất có thể xuống cấp sau 2 năm, nhằm đảm bảo phục vụ khách du lịch. Đồng thời ngành du lịch tiếp tục tổ chức chương trình đào tạo, áp dụng chính sách hỗ trợ để thu hút lại nguồn lực.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 38.000 cơ sở lưu trú trong cả nước với gần 700.000 phòng. Khách sạn cao cấp, khách sạn 4-5 sao chiếm tỷ trọng lớn tại các trung tâm du lịch lớn. Với điều kiện như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể đón khách quốc tế với mục tiêu mà ngành đã đề ra.
Bên cạnh đó còn những loại hình cơ sở lưu trú khác bảo đảm đầy đủ các điều kiện đón khách. Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra ở các địa phương, hướng dẫn các địa phương hoàn thành tốt hoàn thiện cơ sở vật chất để đón khách quốc tế.
Với con số gần 9.000 khách quốc tế đến Việt Nam từ khi thực hiện chương trình thí điểm (tháng 11/2021) đến nay tuy không nhiều nhưng là con số đáng khích lệ, là "liều thuốc tinh thần" cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch đẩy mạnh hoạt động trong thời gian mở cửa du lịch tới đây.
ông Nguyễn Đức Trung - Giám đốc Công ty Du lịch Tầm nhìn Việt chia sẻ về khó khăn ngành du lịch đang mắc phải hiện nay. Theo đó, các doanh nghiệp lữ hành đã kết nối với các đối tác nước ngoài để xây dựng chiến lược đón khách vào Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không triển khai sớm thì chắc chắn nguồn lực lao động trong ngành du lịch sẽ mất cơ hội và họ sẽ chuyển sang ngành nghề khác để mưu sinh. Do vậy, việc mở cửa du lịch càng sớm càng tốt để không chỉ khôi phục lại ngành du lịch, mà còn góp phần phục hồi các ngành kinh tế khác.
Hoàng Nam