Với số lượng lớn như vậy, vấn đề xử lý rác thải nhựa đang là nỗi lo ngại của quốc gia. Do đó, cần tìm ra những giải pháp, kế hoạch nhằm giảm lượng rác thải nhựa.
Mới đây (22/6), tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi Trường, Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nhà báo với Môi trường và Biển đảo năm 2019, nhằm tìm ra những giải pháp tối ưu trong việc chống rác thải nhựa.
|
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu khai mạc Diễn đàn. |
Với chủ đề “Chống rác thải nhựa: Trách nhiệm quản lý- truyền thông - doanh nghiệp”. Diễn đàn là dịp để các nhà quản lý, nhà báo doanh nghiệp cùng chia sẻ thông tin, chính sách và kinh nghiệm trong lĩnh vực rác thải nhựa, rác thải đại dương nhằm đạt đến tiếng nói chung để giảm thiểu tối đa rác thải nhựa ra môi trường và đại dương.
Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước thống nhất về bảo vệ môi trường, biển và hải đảo trước thực trạng rác thải nhựa trên đất liền và đại dương đang là thách thức lớn đối với Việt Nam.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động nhiều phong trào chống rác thải nhựa nhằm từng bước thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra, hướng tới một Việt Nam trong lành, phát triển bền vững.
|
Toàn cảnh buổi diễn đàn. |
Bên cạnh đó, với thực trạng, giải pháp chống rác thải nhựa và kế hoạch hành động của Tổng cục Môi trường sau Lễ ra quân toàn quốc phong trào “Chống rác thải nhựa năm 2019, TS.Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, Việt Nam hiện nay có nguy cơ và phải chịu ảnh hưởng lớn từ rác thải nhựa. Nếu chúng ta không có biện pháp kịp thời để hạn chế, khắc phục tình trạng này thì hậu quả sẽ khó lường.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương nói, “để cuộc vận động chống rác thải nhựa đạt hiệu quả, công tác tuyên truyền cần tập trung vào nhiều nội dung khác nhau. Đồng thời, cần tuyên truyền những chính sách của cả Trung ương và địa phương đối với việc bảo vệ môi trường, chú trọng ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chống rác thải nhựa”.
|
Ông Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo phát biểu tại diễn đàn. |
Ngoài ra, ông Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo nhấn mạnh về việc Chính phủ hiện đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam là đơn vị trực tiếp thực hiện xây dựng Kế hoạch) và Bộ đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch vào ngày 17/6/2019.
Kế hoạch được đề xuất 7 nhiệm vụ bao gồm:
1) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương;
2) Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý rác thải nhựa đại dương;
3) Ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ đất liền;
4) Ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ nguồn thải trên biển;
5) Tăng cường xã hội hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động làm sạch, thu gom rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương;
6) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về rác thải nhựa đại dương;
7) Tăng cường hợp tác quốc tế về quản lý rác thải nhựa đại dương.
Tại buổi lễ ông Lê Công Thành - Thứ trưởng Bộ TN&MT đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc công tác tuyên truyền, với chủ đề tài nguyên môi trường luôn là trọng tâm, được cộng đồng đặc biệt quan tâm, được các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương thường xuyên đăng, phát với dung lượng, thời lượng nhiều hơn, nội dung chuyên sâu hơn. Đồng thời các cơ quan báo chí cũng đã thành lập, vận hành các chương trình, chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề về tài nguyên và môi trường.
Quang Thịnh