“Giải cứu” khoảng 800 công dân về nước vẫn còn 40 người bị “mắc kẹt”
Ngày 26/03/2020, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã cập nhật thông tin về các biện pháp hỗ trợ của các cơ quan đại diện Việt Nam đối với những công dân Việt Nam bị “kẹt” tại các sân bay quốc tế nước ngoài, không thể trở về nước.
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nhiều nước/vùng lãnh thổ đã tiến hành hạn chế hoặc đóng cửa các đường bay quốc tế, không cho quá cảnh, khiến nhiều hành khách là công dân Việt Nam bị “kẹt” tại các sân bay quốc tế.
Trước tình hình đó, Bộ Ngoại giao đã liên tục cập nhật thông tin và đưa ra các khuyến cáo công dân Việt Nam về việc đi lại, đặc biệt là lưu ý công dân hạn chế tối đa đi lại giữa các nước và về Việt Nam trong thời điểm hiện nay, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại, thường xuyên kiểm tra, cập nhật quy định của nước sở tại và các hãng hàng không, đảm bảo có đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu để thực hiện chuyến đi (đặc biệt là các giấy tờ xác nhận tình trạng sức khỏe nếu có).
|
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. |
Trường hợp không có đầy đủ giấy tờ cần thiết hoặc các quốc gia, vùng lãnh thổ, các hãng hàng không thay đổi quy định có thể bị “kẹt” tại các sân bay quốc tế nước ngoài.
Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên theo dõi, chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, cảng hàng không quốc tế, các hãng hàng không quốc tế tại các nước để cung cấp thông tin cụ thể về chính sách nhập cảnh của Việt Nam, khẳng định công dân Việt Nam được phép về nước mà không cần Giấy xác nhận của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại; tìm hiểu thông tin về tình hình công dân Việt Nam bị “kẹt” tại các sân bay, kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ cần thiết trong điều kiện có thể.
Trong các ngày 21 – 25/03/2020, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước hỗ trợ khoảng 800 công dân về nước an toàn. Đến nay còn khoảng 40 công dân bị “kẹt” tại các sân bay quốc tế nước ngoài. Các cơ quan đại diện Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không quốc tế, cơ quan chức năng sở tại, đảm bảo chăm sóc y tế, cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết, hỗ trợ tìm chỗ ở tạm thời cho các công dân và hỗ trợ tìm kiếm, thu xếp các chuyến bay phù hợp về Việt Nam.
Trường hợp cần trợ giúp, đề nghị công dân liên hệ theo số đường dây nóng bảo hộ công dân được đăng tải trên website chính thức của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc số điện thoại của Tổng đài Bảo hộ công dân.
Có cán bộ Ngoại giao phải cách ly nhưng chưa ghi nhận ai nhiễm Covid-19
Cũng tại buổi họp báo, nói về công tác bảo vệ sức khỏe cho cán bộ ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài trong dịch Covid-19, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, ngay từ khi có thông tin về dịch bệnh, Bộ Ngoại giao đã quán triệt tất cả cán bộ, công chức và viên chức của Bộ ở trong và ngoài nước nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, cùng các quy định, yêu cầu về phòng, chống dịch của sở tại khi đi công tác nước ngoài.
Đồng thời yêu cầu Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài quán triệt tinh thần “bám trụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại, đồng thời sẵn sàng bảo hộ công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện đã thực hiện nghiêm túc nhiều biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn vệ sinh dịch tễ; tuân thủ nghiêm các yêu cầu, khuyến cáo, quy định về phòng, chống dịch của sở tại để vừa đảm bảo tốt công tác, vừa đảm bảo sự an toàn, sức khỏe cho các cán bộ, công chức, viên chức ngoại giao và gia đình.
Theo bà Hằng, trong bối cảnh, tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp trên toàn thế giới, các cán bộ ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe, một số cán bộ đã phải tự cách ly trong quá trình làm việc, thực hiện bảo hộ công dân tiếp xúc với người nhiễm bệnh.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn duy trì các hoạt động đối ngoại và giành ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở sở tại như: Duy trì trì đường dây nóng Bảo hộ Công dân, thường xuyên cập nhật thông tin và giữ liên hệ với sinh viên và cộng đồng người Việt Nam ở sở tại, thăm hỏi, động viên, chủ động trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại đề nghị tạo điều kiện cư trú và chăm sóc y tế cho công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết, phối hợp hỗ trợ công dân trong quá trình về nước.
Cho đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận trường hợp cán bộ viên chức ở Cơ quan đại diện nhiễm Covid-19.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cung cấp thông tin về việc gia hạn thị thực cho người nước ngoài tại Việt Nam trong giai đoạn này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 26/3 cho biết: “Tôi đã trao đổi với cơ quan chức năng và được biết, người nước ngoài hiện đang ở Việt Nam có thể làm các thủ tục gia hạn thị thực tại Cục quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an theo đúng quy định”.
Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam thường xuyên chia sẻ thông tin và sẵn sàng phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thực hiện công tác bảo hộ công dân, giải quyết các vấn đề liên quan tới thị thực lưu trú của công dân nước ngoài tại Việt Nam trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật và thực tiễn quốc tế.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bệnh viện Bạch Mai trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19
Hải Ninh