Tại Hội nghị giao ban với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý I/2015 diễn ra sáng 31/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị dành nhiều thời gian đề cập đến một vấn đề thời sự đã làm "nóng" dư luận trong 10 ngày qua, là việc thực hiện dự án thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, việc thống nhất nhận thức đánh giá trong nội bộ từ việc này rất cần thiết, trên cơ sở hiểu đúng bản chất vụ việc này. Vì sao chủ trương đúng, nhưng thực hiện sai? Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, vấn đề này không phải chỉ nói 2, 3 câu là hết được, đặc biệt khi truyền thông, hay các trang mạng làm nóng vấn đề.
“Nếu nói ngắn gọn thì chúng ta phải kiểm điểm tự phê bình, khắc phục những cái giản đơn, nóng vội, làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín thủ đô. Nếu chúng ta cứ thanh minh quá nhiều là chưa được”.
Bí thư Hà Nội cũng cho rằng, việc triển khai đã nóng vội, giờ xử lý lại nóng vội nữa thì thành ra hai cái vội cộng lại, trở thành một cái sai nữa.
Chủ trương đúng, động cơ đúng và được làm lâu nay bằng việc thay cây xấu, trồng cây đẹp, thay cây cong, trồng cây thẳng, thay cây sâu mọt nguy hiểm, gây chết người… nhưng vì sao lần này làm lại không được đồng tình?
Ông Phạm Quang Nghị đánh giá, trước hết đây là việc làm nhạy cảm, không chỉ là vấn đề cây xanh, môi trường mà còn là vấn đề văn hóa. Nhưng việc xử lý lại đơn thuần, nóng vội, chưa tuyên truyền tốt, chưa lấy ý kiến. Mặc dù việc này xưa nay thực hiện không phải lấy ý kiến, nhưng lần trước làm ít một, lần này làm nhiều, nhưng việc xử lý lại đơn thuần, không thấy hết được tính nhạy cảm, thậm chí có người còn nâng lên thành vấn đề tâm linh, thần thánh.
|
Trước đó, việc thay thế cây xanh diễn ra trên địa bàn thành phố Hà Nội vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía dư luận (ảnh: internet) |
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hà Nội, nếu không giải thích cặn kẽ thì không ai hiểu được. Đơn cử như việc "Vì sao phải làm đêm?", vì để không gây ách tắc, nhưng người ta lại hiểu có gì khuất tất, vụng trộm. Hay như những hộ dân sống cạnh cây sữa, muốn được thay thế sớm, nhưng người không sống cạnh đó lại thấy tiếc. Trước sự việc như vậy, theo ông Nghị, thành phố đã hết sức khẩn trương, tổ chức họp bàn để đưa ra giải pháp kịp thời.
Bài học cho người lãnh đạo từ vụ việc này theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, ngoài tự kiểm điểm thì bài học kinh nghiệm sâu sắc được rút ra là việc tổ chức thực hiện các vấn đề nhạy cảm, liên quan đến mối quan tâm và lợi ích của người dân, bài học về lắng nghe ý kiến người dân.
“Chúng ta thuộc bài nhưng khi áp dụng từng vụ việc cụ thể thì chưa được nhuần nhuyễn. Mấy ngày qua, tôi đã ngẫm nghĩ hết mọi lý lẽ. Chủ trương đúng như thế mà sao lại gặp phải phản ứng thế này?” – Bí thư Phạm Quang Nghị nêu băn khoăn và cho biết trước việc như vậy, thành phố đã cho tạm dừng việc thay cây.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lý giải, chủ trương này là thay thế cây chứ không phải chặt hạ cây. Nói điều này, ông liên tưởng đến việc xây mới Hội trường Ba Đình trước đây. Nếu nói cải tạo thì nhẹ, nhưng gọi là phá Hội trường Ba Đình rất nặng nề, thậm chí có cái gì đó sai trong đó. Do vậy phải nhìn đến cái tổng thể của vấn đề.
“Giá vừa rồi đưa ra thảo luận, trao đổi với nhân dân khu phố ấy, phường ấy, các nhà khoa học…nếu đồng thuận thì làm ngay, chưa đồng thuận thì giải thích, bao giờ thông thì làm, như thế chắc sẽ không xảy ra sự việc như vừa rồi”. Ông Nghị chia sẻ, đồng thời cho biết, điều quan trọng mà người dân đang chờ đợi là việc thực hiện thanh tra xem đúng sai thế nào.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu việc này cần phải thực hiện một cách minh bạch, xử lý khách quan, đúng mức, không oan sai nhưng cũng không quanh co, né tránh.
Theo GDVN