Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vắng mặt tại tòa
Sáng 30/10, Tòa án quân sự Trung ương mở phiên xét xử phúc thẩm Đinh Ngọc Hệ (Út "Trọc") – nguyên Phó TGĐ Tổng công ty Thái Sơn cùng đồng phạm trong vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Tại phiên tòa này, ông Lê Thanh Cung - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương với tư cách là người làm chứng trong vụ án và được triệu tập nhưng vắng mặt.
Thư ký phiên tòa đã công bố đơn xin vắng mặt của vợ ông Lê Thanh Cung thể hiện ông bị bệnh tim nặng, từng phải sang Mỹ mổ và hiện tại phải xuất cảnh tái khám tại Mỹ. Đơn của vợ ông Cung có kèm theo giấy xác nhận của Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe tỉnh Bình Dương, đơn thuốc, hình ảnh trong chương trình khám bệnh... Bà cũng khẳng định các nội dung chồng mình đã báo cáo cơ quan điều tra là đúng sự thật và không có gì khai báo thêm.
|
Út trọc tại phiên tòa. |
Đại diện Viện Kiểm sát quân sự Trung ương cho rằng việc này không ảnh hưởng tới xét xử vụ án khách quan, đề nghị Hội đồng xét xử công bố lời khai của họ nếu thấy cần thiết.
Bị cáo Trần Văn Lâm khẳng định chỉ là giám đốc bù nhìn
Tại phiên tòa, ông Trần Văn Lâm -– Giám đốc điều hành Thái Sơn Bộ Q.P nêu ra 3 lý do để xin giảm nhẹ hình phạt, trong đó có việc ký thế chấp, cho thuê xe quân sự, xe biển xanh theo chỉ đạo của Đinh Ngọc Hệ. Ông Lâm thừa nhận đã ký nhiều hợp đồng thế chấp xe quân sự, xe biển xanh để lấy vốn. Tuy nhiên không nhớ số lượng cụ thể. Về 2 hợp đồng cho thuê xe tạo nguồn thu cho đơn vị, bị cáo thừa nhận ký nhưng “không biết xe ở đâu, xe thế nào”.
Trước lời khai này, chủ tọa đã công bố 2 hợp đồng cho thuê xe biển xanh mang lại nguồn thu hơn 6 tỷ đồng. Ông Lâm nói không nắm được việc sử dụng số tiền trên dù là giám đốc công ty.
“Công ty của bị cáo không giống công ty khác. Bị cáo chỉ là giám đốc bù nhìn, không có quyền điều hành dòng tiền. Tất cả quyền điều hành là anh Hệ”, bị cáo Trần Văn Lâm nói.
Về hành vi làm giả hợp đồng để hợp thức 20.000 lít xăng dầu kém chất lượng, bị cáo Lâm khai khi lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương niêm phong cây xăng, Đinh Ngọc Hệ đã cùng bị cáo lên gặp Chủ tịch UBND Bình Dương nhờ giải quyết.
Sau đó, vẫn qua lời giới thiệu của Út “trọc”, Lâm gặp bị cáo Bùi Văn Tiệp (nguyên Sư đoàn trưởng 367) để nhờ xác nhận số xăng kém chất lượng là của Sư đoàn 367 gửi. Dựa theo giấy tờ hợp thức hóa này, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương đã không truy xuất đến cùng số xăng dầu kém chất lượng. Trong khi thực tế, cây xăng vi phạm là của Công ty vận tải thủy Hải Hà.
Út trọc kháng cáo, kêu oan, nói bị vu khống
Chiều 30/10, tại phiên tòa bị cáo Phùng Danh Thắm - nguyên Chủ tịch Công ty Thái Sơn xin thay đổi mong muốn từ kháng cáo toàn bộ phần bản án liên quan tới mình sang xin giảm nhẹ hình phạt. Trước đó, ông Thắm bị Tòa án Quân sự quân khu 7 phạt 24 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Thiếu trách nhiệm gây...”. Lý do, ông Thắm không quản lý Công ty con và quân nhân thuộc quyền, để Đinh Ngọc Hệ cấu kết phạm tội.
Bị cáo Trần Văn Lâm giữ nguyên kháng cáo xin giảm án 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ....”. Ông Lâm xin tòa xem xét mình làm thuê, phải thực hiện theo chỉ đạo; vai trò trong vụ án không lớn; gia đình khó khăn...
Riêng bị cáo Đinh Ngọc Hệ kháng cáo toàn bộ bản án, kêu oan và khẳng định mình bị vu khống. Ông Hệ bị tòa sơ thẩm kết luận đã mua ô tô, đăng ký biển quân sự, biển xanh rồi thế chấp ngân hàng, cho thuê, cho mượn thu về hơn 6 tỷ đồng.
Đinh Ngọc Hệ được xác định dùng bằng tốt nghiệp giả của Đại học Kinh tế Quốc dân để thăng quân hàm... Vì vậy, bị cáo phải nhận 12 năm tù về các tội “Lợi dụng chức vụ...” và “Sử dụng giấy tờ giả...”.
Tại tòa phúc thẩm, Út “trọc” khai việc mua, sử dụng xe biển đỏ, biển xanh đã được xin phép cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an với mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh, đi lại và đối ngoại. Việc cho thuê xe được Luật doanh nghiệp cho phép và các xe đều do các cổ đông bỏ tiền ra mua, không làm ảnh hưởng tới tài sản Nhà nước. Khi cho thuê xe, Thái Sơn Bộ QP đã hạch toán, đóng thuế đầy đủ.
“Các cơ quan tố tụng cáo buộc giao xe cho các đối tượng ngoài xã hội, có đơn thư... nhưng chúng tôi giao cho các cá nhân, tổ chức có thân nhân tốt, làm ăn chân chính như Công ty Đức Bình, Công ty Yên Khánh và một cá nhân làm trong tổng cục 5. Khi giao xe không để vi phạm luật giao thông, không chở hàng gian.... Nói chúng tôi cho thuê xe làm mất uy tín quân đội là không đúng còn đơn thư tố cáo là vu khống, một chiều” - Đinh Ngọc Hệ nói.
Về vấn đề làm giả hợp đồng gửi xăng, bị cáo này cho rằng trách nhiệm thất thoát gần 1,5 tỷ đông tiền phạt thuộc Quản lý thị trường; bản thân không được hưởng lợi hoặc mất mát gì trong việc cây xăng bị xử phạt hay không. Út “trọc” dẫn các lời khai của bị cáo Tiệp, Lâm với nhiều mâu thuẫn và cho rằng họ muốn đổ tội để rũ bỏ trách nhiệm.
Đặc biệt, ông Hệ cho rằng Lâm vu khống khi khai đi cùng Hệ đi gặp ông Lê Thanh Cung nhờ giúp đỡ.
“Lời khai này bị anh Cung bác bỏ vì anh khai việc này được Út “trọc” nhờ qua điện thoại trong 2 phút vào một buổi chiều mưa. Đời bị cáo chưa nhờ anh Cung bất cứ việc gì, việc này anh Cung nhớ không chính xác.... Đề nghị tòa tra cứu điện thoại, nếu bị cáo có cuộc gọi nào cho Cung trên 1 phút, bị cáo ngồi bao nhiêu năm tù cũng được” - Đinh Ngọc Hệ khẳng định.
Về giấy tờ giả, bị cáo Hệ cho rằng lỗi của mình là vô ý vì vào năm 2000 đã tin tưởng anh em xã hội khi họ nói không phải đi học, chỉ nộp tiền là có bằng. Sau khi bị thẩm tra, phát hiện bằng giả, bị cáo đã ngừng sử dụng. “Nếu cơ quan, tổ chức không kê khai, làm sai, cuộc đời quân nghiệp của bị cáo không như bây giờ” - Út “trọc” nói trước tòa.
Tuy nhiên, nhân chứng Cung Đình Minh - Phó TGĐ công ty Thái Sơn và bị cáo Trần Văn Lâm đều cho rằng các lời khai của bị cáo Út "trọc" sai sự thật.
Hải Ninh