Vì sao Tập đoàn Điện lực Việt Nam bị thanh tra tài chính?

Google News

(Kiến Thức) - Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính làm rõ liên quan đến hạch toán một số hạng mục và chênh lệch tỷ giá trong hoạt động tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 43/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về vấn đề thanh tra tài chính tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan đến việc hạch toán khoản chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP. HCM giai đoạn 2012 - 2015 và khoản lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ đến cuối năm 2016 tại công ty mẹ - EVN để hoàn chỉnh kết luận thanh tra, bảo đảm đúng thẩm quyền và quy định, đồng thời tạo điều kiện cho EVN thực hiện hiệu quả kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được phê duyệt.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền thì Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và EVN chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
 Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN. Ảnh: Evn.com.vn
Trước đó, ngày 20/1/2018 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp về vấn đề thanh tra tài chính tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự cuộc họp có đại diện các Bộ Tài chính, Công Thương, Văn phòng Chính phủ và EVN.
Vào cuối tháng 12/2017, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định truy thu thuế 1.935 tỷ đồng đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do phát hiện đơn vị này hạch toán sai một số khoản chi phí khiến doanh thu và lợi nhuận các năm 2015, 2016 giảm.
Năm 2015, EVN hạch toán vào chi phí hơn 1.341 tỷ đồng khoản chênh lệch cước phí vận chuyển dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM (giai đoạn 2012-2015). Việc hạch toán này được Bộ Tài chính xác định là "không đúng chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng".
Theo Bộ Tài chính, khoản chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM mà EVN phải trả cho PVN là 1.938 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản chênh lệch này lại được EVN hạch toán trước thời gian Bộ Công thương có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép phân bổ. Cụ thể, năm 2015 EVN hoạch toán hơn 1.341 tỷ đồng và năm 2016 là hơn 596 tỷ đồng.
Việc phân bổ vào chi phí sản xuất kinh doanh tức là đưa vào cấu thành giá điện. Hạch toán ngay vào năm 2015 đã làm giảm lợi nhuận của EVN hơn 1.341 tỷ đồng, làm giảm 88,2 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm 877 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế phải nộp cho ngân sách.
Bộ Tài chính cho rằng, EVN còn chưa hạch toán 4.848 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá vào doanh thu hoạt động tài chính năm 2016.
Giải trình việc trên, EVN cho biết, khoản chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM giai đoạn 2012-2015 với khoảng 1.900 tỷ đồng là khoản chi phí hồi tố cước vận chuyển khí đường ống nêu trên. Công văn số 12577 ngày 8/12/2015 của Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ về cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM và công văn số 872 ngày 4/2/2016 của Văn phòng Chính phủ cho phép EVN được phân bố khoản chi phí này và giao Bộ Công Thương đề xuất thời gian thực hiện phù hợp, nhưng ngắn hơn 5 năm. Trong năm 2015, EVN đã tiết kiệm chi phí và cân đối, phân bổ được 1.341 tỷ đồng vào kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015.
EVN cũng cho rằng, việc phân bổ chi phí trên vào năm 2015, 2016 thay cho năm 2016, 2017 là "sự nỗ lực của EVN trong tiết kiệm chi phí tự cân đối để giảm áp lực tăng giá bán lẻ điện và giá điện tăng từ 1/12/2017 không gồm khoản chi phí trên".
Tổng doanh thu của EVN năm 2017 ước đạt 293.180 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán điện là 289.250 tỷ đồng, tăng 8,94% so với năm 2016. Năm 2017, điện sản xuất và mua của EVN ước đạt 192,45 tỷ kWh, tăng 8,6% so với năm 2016. Điện thương phẩm ước đạt 174,05 tỷ kWh, tăng 8,92% so với năm 2016. Năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện toàn EVN đạt 1,92 triệu kWh/người, tăng 9% so với năm 2016.
EVN bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước, tổng giá trị tài sản hợp nhất ước tính đến cuối năm 2017 là 707.270 tỷ đồng (tăng 15.053 tỷ đồng so với năm 2016), trong đó vốn chủ sở hữu là 216.510 tỷ đồng (tăng 11.275 tỷ đồng).
Với tổng tài sản vượt ngưỡng 700.000 tỷ đồng, EVN trở thành tập đoàn có quy mô lớn thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Giá trị nộp ngân sách năm 2017 của toàn EVN đạt 15.870 tỷ đồng.
Hải Ninh