Chính quyền địa phương nắm từng chi tiết ở Phủ “Thánh mẫu” sống
Nhiều người đặt câu hỏi vì sao một cơ sở thờ tự xây dựng trái phép với cơ ngơi khủng như Phủ Mẫu The ở Hải Dương tồn tại nhiều năm qua mà chính quyền địa phương không hay biết và không quyết liệt trong xử lý những vi phạm? Quá trình đi tìm hiểu thông tin về Phủ Mẫu The, làm việc với các cấp chính quyền và lật giở những hồ sơ, tài liệu, có thể khẳng định, từ nhiều năm nay, các cấp chính quyền địa phương ở Hải Dương đã nắm rất rõ về những hoạt động của bà Đoàn Thị The. cũng như quá trình xây dựng cơ sở thờ tự trái phép. Nhưng đến nay, cơ sở thờ tự này vẫn hoành tráng sau nhiều lần vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Trong bản báo cáo về "Tình hình hoạt động của bà Đoàn Thị The và cơ sở thờ tự trái phép tại gia đình bà The" của UBND TP Hải Dương do ông Phó chủ tịch UBND TP Hải Dương Vũ Tiến Phụng ký năm 2014 (nay ông Vũ Tiến Phụng là Chủ tịch UBND TP Hải Dương) đã tóm tắt chi tiết đến từng năm từng tháng hoạt động của người phụ nữ này.
|
Các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương nắm rất rõ hoạt động của bà Đoàn Thị The. |
Theo đó, thời điểm năm 1991, bà Đoàn Thị The bắt đầu hoạt động đồng bóng trái phép tại gia đình. Năm 1993, UBND và Công an xã Ái Quốc đã tiến hành làm việc với bà Đoàn Thị The cùng với 5 người có hoạt động mê tín trên địa bàn. Khi đó, bà The hứa không hoạt động mê tín nữa. Từ năm 1994 đến 1995, hoạt động của bà The lắng xuống do các cấp tiến hành nhiều đợt kiểm tra. Nhưng đến năm 1996, bà The hoạt động mạnh mẽ hơn trước. Tháng 11/1996, Phòng văn hóa thông tin và Công an huyện Nam Sách, UBND xã Ái Quốc đã triệu tập bà The lên lập biên bản đình chỉ hoạt động. Sau đó, bà The vẫn lén lút xây dựng, sửa chữa nhà cửa, lập các ban thờ, đặt tượng trái phép. Tháng 9/1997, các cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt hành chính 500 nghìn đồng, bà The cũng nhận trách nhiệm về việc làm sai phạm của mình và cam kết không hành nghề nữa. Tuy nhiên, đến năm 1998, bà The lại hoạt động với quy mô rộng hơn, trong nhà xuất hiện nhiều ban thờ mới, người nơi khác đến đông hơn, tập trung vào các ngày 1,3,7 và 15 âm lịch hàng tháng. Khi hành nghề, bà The thường mặc áo Long bào, tự xưng là “Thánh Mẫu”, mọi người đến lễ cơ sở của bà đều là “con”.
Các tài liệu ghi lại khi đó, ngày 20/8/1998, khi bị UBND xã Ái Quốc triệu tập, bà The lại cam kết dừng hoạt động. Sau thời gian đó, việc phải giải tỏa các ban thờ trái phép không được thực hiện nghiêm túc nhưng bà The không hoạt động rộng và công khai như trước. Từ năm 2003 đến 2004, hoạt động tại Phủ Đồng The lại bùng phát với số lượng người tham gia lớn. Tháng 10/2004, UBND huyện Nam Sách ra quyết định 1986/QĐ-UBND thành lập ban chỉ đạo xử lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật của bà Đoàn Thị The. Các cuộc họp sau đó xác định rõ các sai phạm của bà Đoàn Thị The như vi phạm luật đất đai, xây dựng trái phép trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng và chưa chuyển quyền sử dụng, lập cơ sở thờ tự trái phép. chữa bệnh trái phép, có biểu hiện mê tín dị đoan... Đồng thời vận động, thuyết phục để bà The không hành nghề và khắc phục vi phạm. Nhiều biện pháp sau đó được các cơ quan chức năng triển khai. Sau đó, từ năm 2004 đến năm 2007, lượng khách thập phương do hiếu kỳ, thiểu hiểu biết về nơi thờ tự trái phép của bà The nên kéo đến ngày một đông, tin đồn ngày càng vang xa, kể cả người dân các tỉnh phía Nam cũng về “chữa bệnh” càng đông, nhất là vào dịp 15 tháng giêng hàng tháng, trong khi các ngành chức năng chưa có biện pháp nào ngăn chặn hiệu quả.
Khi xã Ái Quốc sáp nhập về TP Hải Dương thì điểm thờ tự của gia đình bà Đoàn Thị The đã quá lớn, quy mô xây dựng và tầm ảnh hưởng lan rộng ra cả nước.
Xác định bà Đoàn Thị The có dấu hiệu hoạt động mê tín dị đoan
Tại thời điểm năm 2014, báo cáo của UBND TP Hải Dương cũng nêu rõ: “Bà Đoàn Thị The có dấu hiệu hoạt động mê tín dị đoan từ năm 1993. Bà Đoàn Thị The từng có những hoạt động như làm lễ hầu đồng, mở phủ, gọi dí, tìm hài cốt, chữa bệnh âm bằng cách kêu cầu tâm linh. Hàng năm, bà The có tổ chức một số buổi lễ lớn như lễ dâng sao giải hạn vào ngày rằm tháng giêng, lễ mẫu giáng trần ngày 13/3 âm lịch thu hút số lượng rất lớn các con nhang đệ tử, đồng cô, đồng cậu, người dân ở trong, ngoài tỉnh về dự từ vài nghìn lên đến vạn người (đợt nhiều nhất khoảng 15.000 người). Sau khi cúng lễ, số người này thường ở lại ăn uống tại khuôn viên nhà bà The. Việc ăn uống là do khách thập phương đến dự lễ và quyên góp tiền, người nhà bà The phục vụ việc nấu ăn. Bà Đoàn Thị The được những người đến xem bói, chữa bệnh tôn sùng là “mẫu The”. Mỗi khi diễn ra buổi lễ lớn có hàng trăm ô tô, hàng nghìn xe máy đỗ từ đường 5A, đường thôn đến khu vực xung quanh nhà bà The. Bà The lén lút có biểu hiện chữa bệnh bằng bùa ngải và phù phép, ban lộc, cầu an (hình thức hô hoán, thổi hương, uống nước thánh khi lên đồng chữa bệnh).
|
Trong báo cáo của UBND TP Hải Dương cũng xác định bà Đoàn Thị The có dấu hiệu hoạt động mê tín dị đoan.
|
Cơ quan chức năng cũng xác định, cơ sở thờ tự của bà Đoàn Thị The sầm uất với nhiều điện thờ, nhà khách, vườn ao, cây xanh... trên diện tích 2ha, phần lớn là đất chuyển nhượng của các hộ dân xung quanh, chưa thực hiện theo thủ tục pháp luật về đất đai, các công trình thờ tự được trang trí tương đối cầu kỳ và các công trình khác đều tự ý xây dựng chưa được cấp phép của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, số lượng hàng nghìn mâm cơm tiềm ẩn một số vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguy cơ cháy nổ, gây mất an ninh trật tự địa phương.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng nêu rõ: “Hoạt động của bà The là hoạt động lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để thu hút nhân dân ở nhiều nơi đến cúng thắp hương, cầu chữa khỏi bệnh, mở phủ, lập điện thờ. Bà The đã lập cơ sở thờ tự, điện thờ, để khách thập phương đến cúng lễ, đặt tiền công đức, toàn bộ số tiền đó vợ chồng bà The đều sử dụng".
Vì sao chính quyền chưa thể xử lý?
Dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần kiên quyết xử lý nhưng đến nay, Phủ Mẫu The vẫn ngang nhiên hoạt động trái phép. Lý giải điều này, trong báo cáo, UBND TP Hải Dương nêu: “Trong giai đoạn 2004-2007, các ngành chức năng của huyện Nam Sách không duy trì công tác kiểm tra, cũng như thực hiện các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, hành vi xây dựng và hoạt động trái phép ngày một tăng. Sau đó, bà The “biến gia thành tự” ngày một phát triển mà không có sự ngăn chặn hiệu quả, dần dần trở thành một điểm hoạt động nổi tiếng trên cả nước, khách về đông, quy mô hoạt động của bà The càng lớn, thách thức pháp luật. Vì quy mô nên việc các cơ quan thân trọng trong các biện pháp xử lý và quy mô ấy ngày càng lớn, các hoạt động công khai, hình thức ngày càng được thêu dệt kiểu tự xưng “Thánh Mẫu” khoác áo “Long bào”.
Dù có lúc UBND TP Hải Dương rất quyết liệt như năm 2013 thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Dương làm trưởng đoàn cùng 18 thành viên, chia làm 3 nhóm kiểm tra các vấn đề liên quan đến xây dựng cơ sở thờ tự và tổ chức hoạt động trái phép tại gia đình bà Đoàn Thị The. Tiếc rằng sau đó phải tạm hoãn do cháy Trung tâm Thương mại Hải Dương. Năm 2014, UBND TP Hải Dương ban hành công văn số 72 giao nhiệm vụ cho UBND xã Ái Quốc tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên sau đó, tình hình hoạt động của gia đình bà The có chiều hướng càng tăng về quy mô và tầm ảnh hưởng, UBND xã Ái Quốc khi đó chưa có biện pháp cụ thể, quyết liệt, còn né tránh... Trước thực tế ấy, UBND TP Hải Dương đã đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ thành phố trong việc xác định tính chất, mức độ vi phạm, những hệ lụy khi triển khai xử lý các hoạt động vi phạm quy định của gia đình bà Đoàn Thị The (nếu cần thiết đề nghị mời các chuyên gia phân tích những vấn đề nhạy cảm trong hoạt động tâm linh, tín ngưỡng để xác định).
Thế nhưng, dù UBND huyện Nam Sách và nay là UBND TP Hải Dương đã triển khai nhiều giải pháp, nhiều cuộc họp được tổ chức, nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành nhưng điều đáng buồn, qua thời gian, các biện pháp trên vẫn chưa thực sự hiệu quả, Phủ Mẫu The vẫn tồn tại như một thách thức.
|
Nhiều báo cáo, quyết định, nhiều cuộc họp diễn ra nhưng đều không mang lại hiệu quả. |
Ngày 14/2/2017, trao đổi với PV Kiến Thức, ông Đinh Duy Do, Phó Chủ tịch UBND phường Ái Quốc nêu ý kiến: “Thôi có những cái gì thì cứ bỏ qua. Tất nhiên, ở địa phương và UBND TP Hải Dương cũng tổ chức các lực lượng thuộc các ngành chức năng đã vào giải quyết rồi. Mong muốn anh em chúng tôi ở địa phương là vậy, bản thân tôi cũng làm trưởng công an rất lâu. Có thời kỳ lúc bà ấy bắt đầu xây dựng cũng đã gọi lên, đọc ở trước loa rằng: “Tôi tên Đoàn Thị The, không được hành nghề nữa”. Có rất nhiều văn bản đình chỉ. Thế hệ lãnh đạo trước các bác nghỉ hưu cả, bọn mình ở kế tiếp. Về cơ sở thờ tự của bà ấy, tất cả đều không hợp lý, thứ nhất là tư nhân và các việc khác. Đất xây dựng bà ấy mua lại của người dân. Tất nhiên xây dựng như thế là trái quy định. Khi mà nhà nước sử dụng đến thì chả có gì đền bù. Năm 2009, sau khi xã Ái Quốc được chuyển giao từ Nam Sách về TP Hải Dương, các văn bản liên quan đến cơ sở thờ tự của bà The được chuyển lên Sở Văn hóa gồm các văn bản cấm, đình chỉ, thu hồi. Ngày đó, chúng tôi còn chuẩn bị cả ruộng để chôn tượng đất, những tượng gỗ được bố trí đưa về các chùa để quản lý, đã từng đến mức độ dùng máy cưa, máy cắt để phá rồi nhưng do nhiều lý do phức tạp, giao cho các cơ quan chức năng làm rõ nhưng khi các cơ quan chưa làm rõ thì UBND tỉnh gửi văn bản đề nghị tạm dừng”.
Ông Vũ Trường Sơn, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Hải Dương thì cho rằng: “Trước đây, Sở VH-TT-DL Hải Dương chỉ phối hợp để xử lý, bởi chủ yếu ở UBND TP Hải Dương. Phủ Mẫu The hoạt động từ lâu rồi, Sở chỉ hướng dẫn nếp sống văn minh các thứ thôi. Chúng tôi cũng chỉ biết hướng dẫn thôi chứ áp vào quy định nào thì cũng rất khó. Hồi đó, UBND TP Hải Dương cũng có xử lý về xây dựng. Khó xử lý do không có chế tài, thành phố cũng lúng túng, khi mà sự đã rồi thì rất khó. Cái này phải liên ngành, nhưng nói thật chính quyền địa phương ở đó cũng có lợi ích”.
Ông Bùi Dương Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin, UBND TP Hải Dương cho biết: “Thật ra câu chuyện Phủ Mẫu The diễn ra nhiều năm rồi, từ năm 1993 thuộc huyện Nam Thanh, sau đó chuyển sang huyện Nam Sách, đến năm 2008, bắt đầu sáp nhập về TP Hải Dương. Hồ sơ để lại chứng minh ngày xưa, Nam Sách họ làm rất quyết liệt. Bà The chỉ là người bán hàng xén, dần dần theo lan truyền bà ấy lập cơ sở thờ tự trái phép ở đó rồi một số tỉnh, thành trên cả nước. Phải khẳng định, cơ sở thờ tự ấy không phải là di tích, không phải là hoạt động văn hóa. Tình trạng đang tồn tại hiện nay là do quản lý xây dựng để người ta xây dựng trái phép, vượt quá quy mô, quá thời hiệu rồi thì không thể xử lý nổi. Hơn nữa, do cơ chế phối hợp, tỉnh thì ngập ngừng (thời kỳ trước), cơ quan chuyên môn thì không rõ ngành nào tư pháp có, công an, văn hóa, y tế, xây dựng, tài nguyên môi trường. Khi xây nhà trái phép mình phải lập biên bản ngay và yêu cầu tháo dỡ ngay chứ xây xong, 10 ngày sau là hết hiệu lực, khi đó cưỡng chế lại là một quá trình nan giải. Có hàng tập hồ sơ của TP, giao nhiệm vụ đầy đủ".
Nhóm phóng viên Xã Hội