Trao đổi với PV, Thẩm phán Phạm Văn Hà, Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội cho biết, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã hoãn phiên tòa phúc thẩm xử Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm) và 4 bị cáo, gồm: Trần Việt Tân, cựu Thứ trưởng Bộ Công an; Bùi Văn Thành, cựu Thứ trưởng Bộ Công; Phan Hữu Tuấn, cựu Phó Tổng Cục trưởng của Bộ Công an và Nguyễn Hữu Bách, cựu đại tá của Công an (tất cả đều bị tước danh hiệu Công an nhân dân khi khởi tố).
|
Vũ "nhôm" đứng ở hàng đầu và 2 cựu Thứ trưởng Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành (đứng hàng cuối) tại phiên xử sơ thẩm (ảnh TTXVN). |
Lý do, luật sư Nguyễn Hữu Thiệp (bào chữa cho bị cáo Phan Hữu Tuấn) có đơn xin hoãn. Trao đổi với PV, luật sư Thiệp cho biết, ông đang tham gia một phiên tòa tại TP.HCM. Do phiên xử tại đây kéo dài thời gian nên không thể thu xếp để tham gia phiên tòa bảo vệ cho thân chủ Phan Hữu Tuấn được nên đã làm đơn xin hoãn.
Theo điều 351 Bộ luật tố tụng hình sự, trường hợp người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Về thời hạn hoãn phiên tòa không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.
Trước đó từ ngày 28 đến 31.1, TAND thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm và tuyên án đối với 5 bị cáo trong vụ án này, cụ thể: Phan Văn Anh Vũ bị tuyên phạt 15 năm tù, Nguyễn Hữu Bách 5 năm tù, Phan Hữu Tuấn 5 năm, tất cả cùng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ông Trần Việt Tân, bị tuyên 36 tháng tù, Bùi Văn Thành, bị tuyên phạt 30 tháng tù, cả hai cùng tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo đã có đơn kháng cáo.
Theo bản án, Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") đã lợi dụng danh nghĩa tổ chức bình phong của Tổng cục V (Tổng cục Tình báo, Bộ Công an) để đề nghị các bộ, ngành và chính quyền địa phương cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của bảy dự án nhà, đất công sản trị giá 2.500 tỷ đồng ở các vị trí đắc địa tại Đà Nẵng và TP.HCM mà không qua đấu giá, trái quy định pháp luật.
Sau khi hai công ty bình phong được giao quyền sử dụng và tài sản tại những lô đất trên, Vũ "nhôm" đã chuyển sang mình đứng tên, người thân trong gia đình hoặc liên kết chuyển nhượng cho người khác. Mục đích này không có trong hoạt động nghiệp vụ của ngành công an mà nhằm thu lợi cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 1.160 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Hữu Bách là người trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ đối với Phan Văn Anh Vũ, Nguyễn Hữu Bách đã soạn thảo, ký nháy và tham mưu trình lãnh đạo Tổng cục V, lãnh đạo Bộ Công an ký ban hành các văn bản; tạo điều kiện và giúp sức tích cực cho Phan Văn Anh Vũ thực hiện các hành vi phạm tội đối với 6 dự án nhà đất công sản.
Bị cáo Phan Hữu Tuấn cùng là người trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ đối với Phan Văn Anh Vũ, sau khi Nguyễn Hữu Bách soạn thảo, Phan Hữu Tuấn đã trực tiếp ký ban hành hoặc ký nháy để tham mưu, trình lãnh đạo Bộ Công an ký ban hành các văn bản; tạo điều kiện và giúp sức tích cực cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ thực hiện các hành vi phạm tội đối với 6 dự án nhà đất công sản.
Bị cáo Bùi Văn Thành đã thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi việc thẩm định giá nhà, đất tại số 129 Pasteur; không chỉ đạo Tổng cục IV có văn bản thông báo để Tổng cục V biết, quản lý, theo dõi cơ sở nhà, đất, phục vụ mục đích an ninh; khi Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng nhà, đất này cho người khác nhưng Bùi Văn Thành đã không báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn, dẫn đến gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước.
Bị cáo Trần Việt Tân đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, chỉ đạo đối với Cục B61, Tổng cục V, Bộ Công an, để Phan Văn Anh Vũ lợi dụng chức vụ, quyền hạn và các văn bản của Bộ Công an, Tổng cục V xin nhận quyền sử dụng đất đối với các nhà, đất công sản tại thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh không qua đấu giá, và không sử dụng vào công tác nghiệp vụ của ngành Công an, dẫn đến gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước.
Theo Lương Kết/ Dân Việt