Đường đi của hơn 6 triệu USD của 4 quan chức nhận hối lộ từ ông Phạm Nhật Vũ như thế nào, đặc biệt là 3 triệu USD của ông Son đã nhận?
Trả lời câu hỏi trên, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc –Thứ trưởng Bộ Công an nhắc lại cơ quan điều tra Bộ Công an ngày 31/8 đã có kết luận điều tra vụ án, và báo chí đã đăng tải khá đầy đủ thông tin.
Về chính sách đặc biệt cho những người khai báo thành khẩn, tướng Ngọc nhấn mạnh chính sách khoan hồng của pháp luật Việt Nam rất cụ thể nhằm ghi nhận sự hợp tác tích cực của những người có hành vi phạm luật với cơ quan điều tra và pháp luật trong khai báo, khắc phục hậu quả.
“Đây là chính sách ưu việt và chúng tôi cũng kiến nghị áp dụng với những người hợp tác tích cực và khắc phục hiệu quả đối với những thiệt hại xảy ra. Trong quá trình điều tra chúng tôi điều tra một cách toàn diện và kết quả đến đâu chúng tôi kết luận đến đó”, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay.
|
Ông Nguyễn Bắc Son. |
Liên quan đến vụ việc trên, trong kết luận điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt với ông Phạm Nhật Vũ – Chủ tịch AVG.
Kết luận điều tra xác định ông Vũ muốn bán cổ phần AVG nên đề nghị các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải sớm thực hiện dự án đầu tư truyền hình của MobiFone. Quá trình đàm phán, Phạm Nhật Vũ không hứa hẹn sẽ đưa tiền cho các cán bộ trên nhưng khi hoàn thành giao dịch đã chi hơn 6 triệu USD để hối lộ. Hành vi này phạm vào tội Đưa hối lộ quy định tại khoản 4 điều 364 Bộ luật hình sự có khung hình phạt 12 đến 20 năm tù.
Tuy nhiên, Bộ Công an đánh giá ông Phạm Nhật Vũ thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Ngoài ra, bị can còn chủ động hủy bỏ thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tự nguyện trả lại MobiFone số tiền đã nhận kèm lãi và chi phí phát sinh; gia đình có công với cách mạng, có nhiều đóng góp cho các tổ chức, hoạt động xã hội nên cần xem xét các tình tiết giảm nhẹ.
"Chính sách hình sự đặc biệt" còn được cơ quan điều tra đề nghị áp dụng với cựu bộ trưởng Tuấn, ông Trà cùng Phạm Đình Trọng (cựu vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông), Phan Thị Mai Hoa (thành viên Hội đồng thành viên MobiFone), Hồ Tuấn (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Phạm Thị Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Nguyễn Bảo Long (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Nguyễn Đăng Nguyên (cựu phó tổng giám đốc phụ trách MobiFone), Nguyễn Mạnh Hùng (cựu phó tổng giám đốc MobiFone).
Tuy nhiên, ông Nguyễn Bắc Son – Cựu Bộ trưởng TT&TT lại không được đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt.
Kết luận điều tra cho biết, với vai trò trách nhiệm là Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, là người chỉ đạo trực tiếp việc lập, thẩm định, phê duyệt đầu tư dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, ông Nguyễn Bắc Son nhận thức rõ việc thực hiện dự án bắt buộc phải tuân thủ theo quy định về trình tự, thủ tục đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp; về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; về hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và Bộ TT&TT không có chức năng thẩm định, đánh giá về giá mua và hiệu quả đầu tư dự án.
Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo Phạm Đình Trọng tổ chức họp với Mobifone và AVG ngày 2/10/2015 để thống nhất giá mua 95% cổ phần AVG là 8.898,3 tỷ đồng theo nguyên trạng.
Bên cạnh đó, mặc dù nhận thức rõ các văn bản của các Bộ, ngành chỉ là tài liệu tham khảo, không phải là văn bản pháp quy; giá mua và hiệu quả đầu tư chưa được các cơ quan chức năng làm rõ, Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến về việc sử dụng các kênh tần số đã cấp cho AVG... nhưng ông Nguyễn Bắc Son vẫn cố ý quyết định, chỉ đạo Trương Minh Tuấn ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone, với vốn đầu tư của dự án là 8.900 tỷ đồng, trong đó giá mua 95% cổ phần AVG là 8.898,3 tỷ đồng.
Như vậy, ông Nguyễn Bắc Son đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vì động cơ mục đích cá nhân, quyết liệt chỉ đạo nhân viên dưới quyền làm trái quy định của Luật số 69 và Luật số 67, ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến việc Mobifone phải tổ chức thực hiện, ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với AVG, gây thiệt hại hơn 6.400 tỷ đồng theo phương pháp tài sản.
Hành vi của ông Son đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Khoản 3, Điều 220 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với vai trò chủ mưu, cầm đầu.
Ngoài ra, theo lời khai của ông Son, ông Phạm Nhật Vũ đã đến nhà ông Son (đường Lý Nam Đế, Phường Cửa Đông, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đưa 3 triệu USD (khoảng 66,5 tỷ đồng). Ngoài ra, ông Son còn khai đã nhận của ông Cao Duy Hải 200 triệu đồng dịp 30/4/2015 và nhận của ông Lê Nam Trà 200.000 USD dịp Tết âm lịch 2016.
Sau khi nhận tiền, ông Son khai đưa cho con gái là N.T.T.H trong những lần chị này từ TP.HCM ra Hà Nội thăm gia đình. Việc đưa tiền khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000-400.000 USD nhưng không có tài liệu gì chứng minh.
Tuy nhiên khi cơ quan điều tra lấy lời khai với con gái của ông Nguyễn Bắc Son, chị này thừa nhận có ra Hà Nội thăm bố mẹ vài lần. Tuy nhiên, chị H. khẳng định không nhận bất kỳ khoản tiền nào từ bố. Kết quả đối chất với ông Nguyễn Bắc Son, chị N.T.T.H vẫn giữ nguyên lời khai không nhận tiền.
Dù nhận 3 triệu USD nhưng đến nay, ông Son mới chỉ nộp số tiền hơn 500 triệu đồng trong tài khoản cá nhân để khắc phục.
Hải Ninh