Tiền thân của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (tên tiếng Anh: Ton Duc Thang University - TDTU) là Trường ĐH Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng, thành lập theo Quyết định số 787-TTg ngày 24-9-1997 của Thủ tướng Chính phủ. Trường do LĐLĐ TP HCM sáng lập và quản lý thông qua Hội đồng Quản trị nhà trường với Chủ tịch LĐLĐ TP thời đó làm chủ tịch Hội đồng Quản trị.
|
Trụ sở chính Trường Đại học Tôn Đức Thắng tại quận 7, TP HCM Ảnh: MẠNH TÙNG |
Được quan tâm đặc biệt
Những ngày đầu thành lập, dù gọi là trường dân lập nhưng trường đã được LĐLĐ TP HCM cấp nhiều kinh phí, cũng như tạo điều kiện tối đa để hoạt động. Theo Quyết định số 22/QĐ-LĐLĐ của LĐLĐ TP HCM, ngày 12-7-1999, Ban Thường vụ LĐLĐ TP đã quyết định cấp 500 triệu đồng để trường làm kinh phí hoạt động ban đầu. Đây là toàn bộ kinh phí của LĐLĐ TP HCM, không có vốn của bất kỳ cá nhân nào.
Ngày 1-11-1999, LĐLĐ TP HCM ban hành Quyết định số 36/QĐ-LĐLĐ cấp 6,65 tỉ đồng để trường có kinh phí mua lại nhà xưởng của Công ty Dệt may Gia Định tại số 98 Ngô Tất Tố, phường 19, quận Bình Thạnh. Sau đó, trường còn được LĐLĐ TP HCM cho vay hơn 83,2 tỉ đồng, trong đó không tính lãi 30 tỉ đồng.
Ngày 28-1-2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 18/2003/TTg-QĐ chuyển Trường ĐH Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng sang loại hình trường bán công và đổi tên thành Trường ĐH Bán công Tôn Đức Thắng, trực thuộc UBND TP HCM. Trong giai đoạn này, UBND TP HCM vẫn giao tổ chức Công đoàn (CĐ) quản lý trường. Nhờ quyết định này, Trường ĐH Bán công Tôn Đức Thắng được UBND TP HCM giao 90.725 m2 đất tại phường Tân Phong, quận 7 để mở rộng cơ sở vật chất của trường và được ngân sách nhà nước của TP HCM cấp hơn 61 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ để xây dựng ký túc xá tại đây.
Ngày 11-6-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 747/TTg-QĐ về việc đổi tên Trường ĐH Bán công Tôn Đức Thắng thành Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) và chuyển sang mô hình trường công lập, trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam. Trên cơ sở đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam, TDTU đã được Chính phủ tạo điều kiện áp dụng cơ chế tài chính đặc thù; được các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương tạo điều kiện về đất đai, cơ sở vật chất… Đặc biệt, để tạo điều kiện cho TDTU hoạt động hiệu quả, tổ chức CĐ nhiều lần cho trường vay không tính lãi, thời điểm số tiền vay nhiều nhất lên tới 150 tỉ đồng. Ngoài ra, TDTU còn được Tổng LĐLĐ Việt Nam và UBND các tỉnh tạo điều kiện giao một số khu đất để làm cơ sở, phân hiệu tại Khánh Hòa, Lâm Đồng, Cà Mau, An Giang.
Chính từ nguồn lực vật chất vô cùng quan trọng đó, từ những chính sách hỗ trợ ưu đãi của Chính phủ và TP HCM, sự tận tâm, nhiệt huyết của các thế hệ cán bộ lãnh đạo CĐ TP và Tổng LĐLĐ Việt Nam, tập thể cán bộ, giảng viên… TDTU ngày càng lớn mạnh và phát triển.
Hàng loạt vi phạm trong đầu tư, xây dựng
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM, ông Lê Vinh Danh với trách nhiệm là hiệu trưởng nhà trường (chủ đầu tư), trưởng ban quản lý dự án, đã ban hành hướng dẫn quy trình đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, thanh lý tài sản của trường không đúng quy định pháp luật về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, đấu thầu, chỉ định thầu thực hiện các dự án đầu tư xây dựng không bảo đảm quy hoạch, thẩm quyền, thủ tục theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu. Trong đó, một số vi phạm nghiêm trọng như: chỉ định thầu và ký hợp đồng với Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng Sagen không có năng lực, có nguy cơ gây ra tổng giá trị thiệt hại cho trường số tiền khoảng hơn 20 tỉ đồng; chỉ định thầu hạng mục mua sắm trang thiết bị Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan trị giá hơn 22 tỉ đồng không đúng quy định Luật Đấu thầu…
Với vai trò Chủ tịch Hội đồng lương, Hội đồng chính sách của trường, hiệu trưởng Lê Vinh Danh đã quyết định cách tính và chi thu nhập tăng thêm có sự chênh lệch rất lớn giữa lãnh đạo quản lý và viên chức nhà trường, vi phạm Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Theo bảng lương, riêng trong 8 tháng đầu năm 2020, thu nhập của ông Danh đạt tổng cộng 3,2 tỉ đồng (trung bình 400 triệu đồng/tháng).
Tháng 7-2019, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tiến hành kiểm tra công tác đầu tư xây dựng và hoạt động của các trung tâm, đơn vị trực thuộc TDTU và đã chỉ ra hàng loạt sai phạm, trong đó có trách nhiệm cá nhân của ông Lê Vinh Danh với vai trò là chủ đầu tư. Giai đoạn 2014-2019, TDTU là chủ đầu tư 16 dự án đầu tư xây dựng, mua sắm với tổng kinh phí hơn 2.575 tỉ đồng. Ông Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng TDTU với tư cách là chủ tài khoản, Trưởng Ban Quản lý dự án - đã chỉ đạo công tác lựa chọn nhà thầu sai quy định; ký kết hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng của 164 gói thầu chưa bảo đảm quy trình, đa số không tuân thủ quy định pháp luật hiện hành với số tiền đã thanh toán hơn 1.154 tỉ đồng.
Ông Danh đã vượt cấp để tự phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi 6 dự án; tự ý phê duyệt dự án trước khi có ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng; không đăng tải thông tin đấu thầu. Có 15 gói thầu lớn hơn 500 triệu đồng (tương ứng với tổng giá gói thầu được duyệt là hơn 28,17 tỉ đồng) nhưng chủ đầu tư lại chỉ định thầu thay vì đấu thầu rộng rãi. Hiệu trưởng nhà trường không lựa chọn đơn vị tư vấn giám sát độc lập mà sử dụng cán bộ trường làm tư vấn giám sát thi công hoặc ký tài liệu trong hồ sơ nghiệm thu nhưng không có chứng chỉ hành nghề.
Gây hậu quả nghiêm trọng
Sau một thời gian kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM đã kết luận về khuyết điểm, vi phạm của Đảng ủy TDTU và cá nhân ông Lê Vinh Danh - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường.
Với vai trò là Bí thư Đảng ủy TDTU, ông Danh thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Đảng ủy, dẫn đến Đảng ủy có những khuyết điểm, vi phạm nghiêm trọng như: không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo Quy định số 97-QĐ/TW ngày 22-3-2004 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để lãnh đạo trường vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc không chấp hành các chỉ đạo của cơ quan chủ quản là Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Đặc biệt, ông Danh trực tiếp chủ trì cuộc họp lãnh đạo trường ngày 8-5-2019 để một số đảng viên, cán bộ chủ chốt của trường có những phát biểu không đúng, thiếu chuẩn mực, làm ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của Tổng LĐLĐ Việt Nam; biên tập nội dung biên bản cuộc họp phản ánh không đúng ý kiến của những người tham dự, nội dung chỉnh sửa theo hướng thêm những phát biểu phản đối nhằm làm giảm sút nghiêm trọng uy tín của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Còn với vai trò Hiệu trưởng nhà trường, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Lê Vinh Danh đã chỉ đạo thực hiện chưa đúng quy định của Đảng, quy định pháp luật và quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam; trực tiếp ký các văn bản thể hiện việc không chấp hành các chỉ đạo của Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ của trường.
Cá nhân ông Lê Vinh Danh và trường liên tục có văn bản khẳng định trong suốt quá trình hoạt động, trường tự chủ tài chính, tự trang trải toàn bộ các khoản chi, hoàn toàn không nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và tổ chức CĐ - là không đúng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của LĐLĐ TP HCM, UBND TP, Tổng LĐLĐ Việt Nam và UBND các tỉnh dành cho trường; thể hiện nhận thức chưa đúng, không bảo đảm quan điểm lịch sử, toàn diện, tạo dư luận bức xúc trong cán bộ, đoàn viên CĐ. Ông Lê Vinh Danh thiếu gương mẫu trong việc thực hiện quy định về kê khai tài sản, thu nhập; sử dụng chức danh giáo sư chưa bảo đảm quy định pháp luật hiện hành.
Tạo dư luận không tốt
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM cho rằng những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm của ông Lê Vinh Danh đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm sút vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy trường, ảnh hưởng đến hoạt động của trường, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Tổng LĐLĐ Việt Nam; gây bất bình, bức xúc trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và đoàn viên CĐ, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Trước những sai phạm nêu trên tại TDTU, ngày 18-9-2020, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đại học, cao đẳng TP HCM đã ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Vinh Danh. Trước đó, ngày 21-8, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ra Quyết định số 1228/QĐ-TLĐ tạm đình chỉ công tác 90 ngày đối với ông Lê Vinh Danh.
Theo NLĐ