Vì sao nguyên GĐ Sở GD&ĐT Thanh Hóa bị Công an tra soát tài sản?

Google News

Bà Phạm Thị Hằng - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa bị Cơ quan CSĐT (Bộ CA) đề nghị tra soát tài sản nhà, đất do nghi liên quan tới vụ vi phạm quy định về đấu thầu xảy ra tại Sở GD&ĐT Thanh Hóa. 

Sự việc Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Thanh Hóa tra soát tài sản nhà, đất của nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Thị Hằng (hiện Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa) cùng một số cán bộ của Sở GD&ĐT Thanh Hóa đang gây xôn xao dư luận. 
 Bày tỏ quan điểm về vụ việc trên, dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc ngăn chặn, hạn chế chuyển dịch quyền sở hữu tài sản chỉ được thực hiện trong một số trường hợp do cơ quan có thẩm quyền tiến hành trong đó có cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và cơ quan thi hành án tiến hành theo thủ tục luật định.
 Trong đó, cơ quan điều tra và cơ quan thanh tra có quyền tiến hành các hoạt động xác minh điều tra làm rõ các thông tin có liên quan đến các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Trong quá trình kiểm tra, xác minh thông tin, cơ quan có thẩm quyền có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp các thông tin tài liệu để phục vụ cho công tác điều tra, thanh tra theo quy định pháp luật.
Vi sao nguyen GD So GD&DT Thanh Hoa bi Cong an tra soat tai san?
Trụ sở Sở GD&ĐT Thanh Hóa. 
Theo luật sư Cường, trong vụ nguyên GĐ Sở GD&ĐT Thanh Hóa bị Công an tra soát tài sản, cả cơ quan thanh tra và cơ quan điều tra đang vào cuộc xác minh làm rõ các dấu hiệu sai phạm trong hoạt động đấu thầu xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, vụ việc có liên quan đến một số cán bộ, cá nhân. Bởi vậy, việc cơ quan điều tra yêu cầu Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Thanh Hóa cung cấp thông tin về tài sản của một số cán bộ có liên quan và ngăn chặn việc sang tên tài sản là điều dễ hiểu.
 “Đây là một hoạt động rất cần thiết, kịp thời và có trách nhiệm của cơ quan điều tra trong việc xác minh tài sản của các đối tượng trong các vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Hoạt động này nhằm làm rõ hành vi vi phạm, sai phạm của các cán bộ, cơ quan có liên quan đồng thời ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trong trường hợp khởi tố vụ án hình sự” – luật sư Cường nêu ý kiến.
 Ông Cường nói thêm, trước đây, việc xác minh tài sản cũng như áp dụng các biện pháp ngăn chặn thường được thực hiện sau khi khởi tố vụ án hình sự. Việc xác minh tài sản do phạm tội mà có và thu hồi tài sản do phạm tội mà có thời gian qua chưa thực sự đạt hiệu quả mặc dù đã có những chuyển biến rất tích cực. Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do việc xác định tài sản, thu thập thông tin về tài sản còn chưa hiệu quả, công tác thi hành án để thu hồi tài sản do phạm tội mà có còn có những kết quả khiêm tốn.
 Ngày 2/6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
 Trong đó, quy định rõ: “Nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự và các quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong toả tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử…”
 Luật sư Cường cho rằng, hoạt động này của cơ quan điều tra trong quá trình xác minh tin báo là rất khẩn trương, cần thiết và thể hiện tinh thần trách nhiệm theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị 04.
 Bên cạnh việc thu thập các tài liệu chứng cứ để làm rõ các sai phạm, dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng tiến hành xác minh, ngăn chặn chuyển dịch tài sản là cần thiết và cần phải thực hiện trong tất cả các vụ án hình sự về kinh tế, chức vụ thì mới đảm bảo hiệu quả trong việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có, đảm bảo điều kiện thi hành án khi vụ án được giải quyết.
Bà Phạm Thị Hằng và nhiều cán bộ thuộc Phòng Tài chính - Kế hoạch, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa bị đề nghị tra soát tài sản do liên quan tới vụ việc mà Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang tiến hành điều tra, xác minh do có dấu hiệu vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở này và một số đơn vị liên quan.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa tra soát, cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến tài sản nhà, đất và không thực hiện các thủ tục chuyển dịch quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với các cá nhân (9 người) có liên quan.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thanh Hóa: Bắt trùm giang hồ bảo kê hoạt động đấu thầu:

Nguồn: THĐT1

Hải Ninh