Rất nhiều vụ án mạng vì ghen tuông xảy ra thời gian qua đã được các chuyên gia tội phạm học và luật sư chỉ ra nguyên nhân chính là do tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường đã làm tha hóa đạo đức của một bộ phận người dân trong xã hội. Nhiều người rất kém về nhận thức pháp luật, mù quáng trong tình yêu, vị kỷ cá nhân trong quan hệ gia đình, yêu đương nên khi gặp phải những mâu thuẫn ngờ vực đã không tìm được cách xử lý đúng mực mà sử dụng bạo lực dẫn đến phạm tội.
|
Ảnh minh họa. |
Thực tế này cũng được PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học cảnh sát (Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an) chỉ rõ: Hành vi bộc phát dẫn tới những vụ án mạng xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm trong sinh hoạt gia đình không chỉ là biểu hiện nhất thời mà đã tích tụ trong một thời gian dài. Bên cạnh đó có vấn đề đạo đức xuống cấp, việc giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống không được đề cao dẫn tới khi xảy ra xung đột, dù là xung đột nhỏ nhưng hậu quả họ gây ra lại rất lớn.
Dưới góc độ tâm lý học, Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý (Hội Tâm lý giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), phân tích, ghen là một trạng thái tâm lý xuất phát từ suy nghĩ nhận thức rồi dẫn tới hành động. Khi ghen tuông, người ta sẽ dễ dàng bị chuyển đổi từ trạng thái tâm lý giận dữ sang hành động bạo lực mù quáng. Nếu người đó nhận thức và đạo đức kém, việc họ sẵn sàng cướp đi sinh mạng của người họ yêu, người cùng chung sống với họ rất dễ xảy ra.
Một số chuyên gia cho rằng, những vụ án giết người do ghen tuông thường bộc phát nên rất khó phát hiện. Để đấu tranh có hiệu quả, hạn chế loại tội phạm này, quan trọng là phải đẩy mạnh giáo dục đạo đức và tuyên truyền pháp luật cho mọi đối tượng. Cái ác xuất phát từ tâm, tâm ác dẫn đến hành vi thủ ác. Cái ác sẽ không có chỗ đứng nếu con người định hướng cho mình lối sống nhân văn. Bên cạnh việc giáo dục hướng thiện, cần đề cao trách nhiệm của hệ thống chính trị, tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong việc phát hiện, xử lý, hóa giải các mâu thuẫn từ cơ sở.
Luật sư Lê Luân (Văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long, Hà Nội), tội phạm giết người do ghen tuông là bộc phát, nhưng cũng là hệ quả của mâu thuẫn tích tụ từ trước. Do đó, gia đình, các tổ chức đoàn thể, chính quyền tiếp tục phát hiện, giúp hóa giải, sẽ giúp họ tránh được việc sử dụng bạo lực để giải quyết.
Luật sư Lê Luân cũng nhấn mạnh đến việc song song với tăng cường giáo dục pháp luật là việc thực thi luật một cách nghiêm minh, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, như vậy con người ta sẽ phải tìm một cách hành xử phù hợp, chuẩn mực hơn. Việc cải cách hoạt động của các hội đoàn, đoàn thể cũng rất quan trọng để những mâu thuẫn tưởng như chỉ là chuyện nội bộ gia đình, cũng được tiếp nhận giải quyết thích đáng, như vậy sẽ góp phần hạn chế được những hành vi tiêu cực.
Nhiều đối tượng sau khi gây án lúc bình tâm lại mới thấy được tội ác mình gây ra quá tàn độc. Tìm một biện pháp để phòng ngừa những vụ án mạng xuất phát từ những nguyên nhân xã hội là rất khó. Nếu có cũng rất khó để áp dụng bởi đã mang tính bộc phát thì không có biện pháp nào là chuẩn. Việc mọi người tự rút ra cho mình một bài học để tự kiềm chế, ứng xử đúng mực tránh rơi vào trạng thái bộc phát, gây ra những hậu quả khôn lường cho người khác cũng như cho chính bản thân mình.
Theo VOV News