Mời độc giả xem clip "Người dân bắt trăn gấm quý hiếm nuốt bê": (Nguồn: VTC)
Ngày 28/11, ông Lê Đình Bảy, Hạt trưởng kiểm lâm huyện Tân Kỳ (Nghệ An), cho biết, sau khi vào cuộc điều tra, đơn vị kết luận không có cơ sở để xử lý vụ người dân bắt hai con trăn quý ở ruộng mía thuộc ranh giới hai xã Tân An và Nghĩa Phúc.
|
Hai con trăn được phát hiện trong ruộng mía. Ảnh. H.T |
Theo ông Bảy, gần 10 ngày trước, sau khi báo chí đăng tải việc người dân bắt được hai con trăn gấm (loại trăn quý nằm trong sách đỏ Việt Nam), đơn vị này đã cử cán bộ điều tra.
Tuy nhiên, khi kiểm lâm đến, hai con trăn đã bị nấu cao. Trong khi đó, người dân khẳng định họ không bắt được trăn đồng thời kiểm lâm cũng không xác định được những con trăn đã bị nấu cao là trăn nuôi hay trăn nhốt nên không thể xử lý.
|
Con trăn bị đập chết trước khi mang bán nấu cao. Ảnh. H.T |
"Do không tìm được nguồn gốc của hai con trăn nên lực lượng chức năng không có cơ sở để xử lý. Hình ảnh người dân bắt đem bán và nấu cao hai con trăn quý chỉ là thông tin trên mạng xã hội. Khi hỏi những người có mặt trong các hình ảnh đó thì họ cam kết không phải", ông Bảy nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho hay, sau khi nhận được thông tin từ báo chí, chủ tịch huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm vào cuộc xác minh, điều tra vụ việc. Tuy nhiên, đến nay đơn vị này chưa nhận được báo cáo về kết quả thông tin sự vụ.
|
Kiểm lâm cho rằng, không tìm ra nguồn gốc con trăn nên không thể xử lý được. Ảnh. H.T |
Trước đó, ngày 19/11, người dân hai xã Nghĩa Phúc và Tân An đi thu hoạch mía đã phát hiện một con trăn lớn đang cuộn tròn trong ruộng mía. Lập tức, họ bao vây, đánh chết. Con trăn này dài hơn 5 mét, nặng khoảng 30 kg.
Một ngày sau, cũng tại ruộng mía này, người dân tiếp tục phát hiện, bắt sống một con trăn khác nặng gần 20 kg. Cả hai con vật này được đem bán cho chủ ruộng mía để nấu cao với giá 5 triệu đồng.
Cả hai con này đều thuộc loài trăn gấm, ở một số vùng quê còn gọi là trăn hoa vì có nhiều hoa văn trên thân. Trăn gấm là loài cực kỳ nguy cấp, nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Loài vật này xếp vào nhóm IIB, tức nhóm bị hạn chế khai thác, sử dụng. (Chỉ được khai thác trong trường hợp nghiên cứu khoa học và quan hệ quốc tế).
Theo Tiến Hùng/Báo Nghệ An