Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình vừa có kết luận điều tra bổ sung vụ án: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vô ý làm chết người, xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Kết luận gồm 16 trang, trả lời 6 kiến nghị của TAND TP Hòa Bình tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra từ 15/5-5/6.
Theo đánh giá của các luật sư bào chữa, kết luận bổ sung cơ bản giống với kết luận điều tra ban đầu, chỉ khác về nội dung khởi tố đối với 2 bị can Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó giám đốc) và ông Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng vật tư Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình).
Theo kết luận điều tra bổ sung, cho đến thời điểm xảy ra sự cố y khoa, tại Đơn nguyên nhân tạo, Hoàng Công Lương là bác sĩ duy nhất được phân công làm việc cố định, hưởng chế độ lương, phụ cấp thủ thuật và các chế độ khác theo quy định tại Đơn nguyên.
|
Bác sĩ Hoàng Công Lương. |
Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, bác sĩ Lương còn thực hiện một số nhiệm vụ khác như ký xác nhận y lệnh của bác sĩ khác, chủ trì giao ban tại đơn nguyên thận khi không có lãnh đạo khoa, phân buồng thăm khám bệnh nhân cho các bác sĩ khác, ký đề xuất sửa chữa hệ thống lọc nước RO2 ngày 20/4/2017.
Liên quan đến sự cố y khoa làm 9 bệnh nhân chạy thận tử vong, kết luận bổ sung của Công an tỉnh Hòa Bình xác định bị can Hoàng Công Lương chưa được người có trách nhiệm cho biết hệ thống lọc nước RO số 2 đã đảm bảo an toàn để đưa vào sử dụng.
Lương chỉ nghe điều dưỡng Đỗ Thị Điệp nói với mọi người trong Đơn nguyên thận nhân tạo là hệ thống nước đã sửa chữa xong. Bác sĩ Lương không báo cáo, không trao đổi với ai về việc hệ thống lọc nước sau sửa chữa đã đảm bảo an toàn chưa trước khi ra y lệnh chạy thận.
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình cho rằng bác sĩ Lương phải chịu trách nhiệm trong việc ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân ngày 29/7/2017. Bác sĩ Hoàng Công Lương là người được đào tạo và có chứng chỉ về lọc máu, biết rõ nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng, hiểu quy trình và biết rõ hệ thống lọc nước RO2 vừa sửa chữa ngày 28/5/2017. Tuy nhiên, sáng 29/7/2017 khi chưa có ý kiến chỉ đạo của Trưởng khoa – người có thẩm quyền trong đảm bảo chất lượng nước sử dụng trong lọc máu. Cùng với đó, khi không có căn cứ xác định an toàn của hệ thống lọc nước sau sửa chữa, không báo cáo lãnh đạo khoa đã ra y lệnh lọc máu cho bệnh nhân dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Theo cơ quan điều tra, hành vi của bác sĩ Lương đủ yếu tố cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại khoản 2, điều 285 Bộ luật hình sự 1999 (nay là khoản 3, điều 360 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017).
Trước đó, ngày 29/5/2017, tại Đơn nguyên thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã xảy ra sự cố chạy thận làm 9 người tử vong.
Trong vụ án trên, cơ quan điều tra đã truy tố Hoàng Công Lương (bác sĩ tại Đơn nguyên thận nhân tạo – BVĐK tỉnh Hòa Bình) và Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng Vật tư-Trang thiết bị y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Bùi Mạnh Quốc (giám đốc Công ty xử lý nước Trâm Anh) về tội “Vô ý làm chết người”.
Ngày 7/5/2018, TAND TP Hòa Bình mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án trên. Tuy nhiên, sau đó phiên tòa bị hoãn theo đề nghị của các luật sư.
Đến ngày 15/5/2018, TAND TP Hòa Bình mở lại phiên tòa. Sau 12 ngày xét xử (từ ngày 15/5 đến ngày 30/5, không tính ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ Nhật), đến chiều 5/6, TAND TP Hòa Bình đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung do còn các tình tiết của vụ án cần phải làm rõ.
Đáng chú ý, HĐXX đề nghị cần điều tra làm rõ trách nhiệm đối với ông Trương Quý Dương, Nguyên Giám đốc bệnh viên đa khoa Hòa Bình; ông Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng liên danh, liên kết mua bán máy móc, sửa chữa, bảo dưỡng, vật tư y tế. Căn cứ để thỏa thuận mức tiền, nguồn tiền thuê máy chạy thận nhân tạo; có hay không thỏa thuận giữa 2 bên về số tiền này. Làm rõ trách nhiệm đối với các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước phát sinh từ các hợp đồng đã ký kết giữa Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Hải Ninh