Mới đây, UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND - Nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, đáng chú ý trong đó là nội dung cấm công dân quay phim, chụp ảnh cán bộ tiếp công dân khi chưa được sự đồng ý. Việc này ngay sau đó đã gây tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Quy định trên gây nhiều tranh cãi bởi điều 2 Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Do đó, những công chức, viên chức làm nhà nước họ bắt buộc phải hiểu nghĩa vụ và trách nhiệm của mình là vì dân như thế nào.
Tại Điều 25 Hiến pháp 2013 cũng đã quy định tương đối đầy đủ các quyền tự do cơ bản của công dân, theo đó: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội” và tại điều 28 cũng quy định việc công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
|
Trụ sở tiếp công dân của TP Hà Nội. Ảnh: Vnexpress |
Với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và thực hiện quyền giám sát của công dân đối với hoạt động của các cán bộ, viên chức, của cơ quan nhà nước thì việc ghi âm, ghi hình sẽ có tác dụng trong việc thu thập các chứng cứ, thực hiện quyền giám sát để những người thi hành công vụ có ý thức tốt hơn, có trách nhiệm hơn trong việc phục vụ nhân dân, thể hiện công khai, minh bạch, dân chủ.
Bên cạnh đó, trong Luật tiếp công dân không có quy định cấm hay hạn chế công dân quay phim, chụp ảnh khi thực hiện thủ tục tiếp công dân, nên nếu UBND TP Hà Nội đưa ra quy định này trong nội quy tiếp công dân thì cũng cần có luận giải, giải thích về căn cứ pháp lý trong kỹ thuật xây dựng văn bản đối với nội dung này để người dân hiểu và tự nguyện chấp hành.
Nếu Luật đã có quy định thì các văn bản dưới luật như nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư mới được quy định quy định chi tiết những nội dung có tính chất cấm đoán, hạn chế quyền cơ bản đó của công dân.
Do đó, việc UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND - Nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân căn cứ theo Luật Tiếp công dân, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Nghị định hướng dẫn thi hành luật Tiếp công dân.
Nội quy quy chế này không được đưa ra những quy định trái với những văn bản pháp luật nêu trên.
Những hành vi cấm đoán, hạn chế quyền tự do cơ bản của công dân phải căn cứ vào các văn bản luật chứ không được quy định bởi những văn bản dưới luật theo nguyên tắc quy định tại khoản 2, điều 14 Hiến pháp 2013 đó là quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Nội quy nêu trên cũng quy định trách nhiệm của người tiếp công dân là: Người tiếp công dân có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày.
Nếu công dân thực hiện việc ghi âm, ghi hình thì sẽ có những chứng cứ để khiếu nại hoặc tố cáo hành vi của những cán bộ tiếp dân khi những người này không thực hiện nhiệm vụ, không thực hiện các nghĩa vụ nêu trên, vi phạm nội qui tiếp công dân, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Mà điều này cũng đã được thể hiện rõ tại điều 30 Hiến pháp 2013 đó là mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Việc lo ngại các trường hợp công dân lợi dụng việc ghi âm, ghi hình để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cán bộ tiếp công dân hoặc thực hiện những hành vi nêu trên để gây rối trật tự công cộng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì theo quy định hiện hành, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với những chế tài hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội.
Ngoài ra Luật an ninh mạng cũng vừa có hiệu lực từ đầu năm 2019, quy định rất rỏ về các hành vi bị cấm trên mạng theo đó nếu bất cứ một cá nhân, tổ chức nào lợi dụng các quyền tự do dân chủ, nêu các vấn đề sai sự thật sẽ bị pháp luật xử lý.
Hoặc điều 32 Bộ luật dân sự 2015 về quyền của cá nhân đối với hình ảnh thì theo đó cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Tuy nhiên, trong thời giờ làm việc tại trụ sở, các công chức viên chức là người đại diện cho nhà nước và ở nơi công cộng.
Do đó, việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ đó là: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Trên thực tế, cần phải phát huy mặt tích cực của công nghệ trong việc giám sát của người dân. Cụ thể, pháp luật cũng đã có những chế tài hành chính hoặc hình sự đối với những hành vi: Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, xúi giục, kích động người khác nhằm gây rối, xuyên tạc, nói xấu đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...
Bởi vậy, khi những cá nhân, công dân có một trong những hành vi vi phạm nêu trên thì những người thi hành công vụ, cơ quan bảo vệ pháp luật đã có đủ căn cứ pháp lý để xử lý bằng những chế tài mà luật pháp đã quy định.
Do đó, nếu không sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình trong quá trình tiếp công dân thì sẽ không phát huy được mặt tích cực của công nghệ.
Việc ghi hình, sử dụng các thiết bị giám sát trong quá trình tiếp công dân sẽ là những chứng cứ khách quan, quan trọng để xem xét việc tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức cũng như của công dân khi thực hiện luật tiếp công dân.
Khi có sự kiện pháp lý xảy ra, có những tình huống va chạm, mâu thuẫn thì những chứng cứ ghi âm, ghi hình này là cần thiết để xử lý bất cứ bên nào (người tiếp công dân hoặc công dân) khi những người đó có hành vi vi phạm nội qui, vi phạm pháp luật.
Nếu không có thiết bị ghi hình thì những hành vi không thực hiện đúng nội qui, không thực hiện đúng các quy định pháp luật sẽ khó có chứng cứ để xử lý trước pháp luật, cho dù người vi phạm là cán bộ tiếp công dân hay là công dân có mặt tại đây.
Điều cần làm là nâng cao năng lực, đạo đức của cán bộ công chức chứ không phải là cấm người dân. Thực tế, trên mạng cũng có nhiều clip rất hay về thái độ làm việc của các cảnh sát và ngay cả các đồng chí cảnh sát đó cũng đồng ý cho ghi hình vì họ làm đúng nên không việc gì phải sợ dân ghi.
Luật sư Diệp Năng Bình