Vì sao Hải Phòng cấm các trường ép học sinh học STEM?

Google News

Hải Phòng yêu cầu các cơ sở giáo dục không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh tham gia học thêm toán tư duy, STEM…

Ngày 14/10, UBND TP.Hải Phòng thông tin, việc tổ chức dạy thêm, học thêm và liên kết giáo dục, như: Dạy học ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, giáo dục STEM, toán tư duy, trải nghiệm, hướng nghiệp… tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn thành phố vẫn còn có những hạn chế, tính thiết thực và hiệu quả chưa cao.

Trong đó, có lúc, có nơi còn có biểu hiện "ép buộc" người học, tạo ra dư luận xã hội không tốt, gây quá tải với học sinh và bức xúc trong phụ huynh.

Trước thực trạng này, UBND TP Hải Phòng vừa có văn bản yêu cầu Sở GD&ĐT, UBND các quận, huyện, các sở, ngành, đơn vị tiếp tục chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, phối hợp liên kết giáo dục và việc thu chi trong trường học.

Điều này để việc dạy thêm, học thêm, liên kết giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập phát huy hiệu quả thực chất, tạo sự đồng thuận cao của học sinh và cha mẹ học sinh. 

Bên cạnh đó, Hải Phòng yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về dạy thêm, học thêm, liên kết giáo dục, bảo đảm nguyên tắc theo nhu cầu, tự nguyện của người học và được gia đình đồng ý. 

Vi sao Hai Phong cam cac truong ep hoc sinh hoc STEM?
Học sinh lớp 5 Trường tiểu học An Hồng (huyện An Dương, Hải Phòng) trong buổi học toán tư duy - Ảnh: Wesite nhà trường 

UBND TP cũng nhấn mạnh, các trường không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh tham gia học; Đồng thời, yêu cầu nâng cao trách nhiệm công khai, giải trình của cơ sở giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục với học sinh, phụ huynh và xã hội. 

Theo UBND TP Hải Phòng, thời gian qua, việc tổ chức dạy thêm, học thêm, liên kết giáo dục (dạy học ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài, tin học, kỹ năng sống, giáo dục STEM, toán tư duy, trải nghiệm, hướng nghiệp...) đã được các cấp, các ngành, địa phương chỉ đạo, quản lý đảm bảo theo quy định.

Tuy nhiên, công tác quản lý vẫn còn hạn chế, tính thiết thực và hiệu quả chưa cao, có lúc, có nơi còn có biểu hiện "ép buộc" người học, tạo dư luận xã hội không tốt, gây quá tải đối với học sinh và bức xúc trong phụ huynh.

Chính vì thế, UBND TP Hải Phòng yêu cầu nâng cao trách nhiệm công khai, giải trình của cơ sở giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục với học sinh, phụ huynh và xã hội. 

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện của các cơ sở giáo dục; xử lý nghiêm đối với những trường hợp thực hiện sai quy định và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra vi phạm.

STEM là thuật ngữ tiếng Anh được viết tắt từ bốn chữ: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Maths (Toán học). Hiện phương pháp này còn bổ sung thêm môn nghệ thuật (Art) với tên gọi STEAM. Như vậy, STEM là mô hình giáo dục theo cách tiếp cận liên môn.
Nếu trong thời khoá biểu trường tiểu học công của học sinh có những môn như STEM, tiếng Anh có giao tiếp với người nước ngoài, hay kỹ năng sống, thì đó là môn học liên kết. Đây là các môn học do trường học công lập liên kết tổ chức với các trung tâm giáo dục tư nhân, nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện của chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp tiểu học.
Đối với môn học liên kết thưởng được nhà trường xếp xen kẽ với giờ học chính khoá. Đối với các em không đăng ký học môn liên kết, thay vì được về nhà, các em sẽ phải vật vờ đợi ở ngoài hành lang, hoặc ngồi nhờ lớp bạn, đợi môn liên kết kết thúc thì mới được vào lớp để học tiếp môn chính khoá.
Các bố mẹ dù hoài nghi với chất lượng của các môn học này đến đâu, thì cũng phải vì thương con mà đăng ký cho con học. Họ không kỳ vọng con học được nhiều, mà chỉ mong muốn con có chỗ ngồi tử tế.
>>> Mời độc giả xem thêm video TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Ba Đình, Hà Nội chia sẻ cảm xúc đầu năm học mới:
 
Bình Nguyên (t/h)