Mới đây, Công an TP HCM đã chuyển Quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi) - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam tới Viện KSND TP HCM, Cục Xuất nhập cảnh (A08) - Bộ Công an và cá nhân bà Hằng.
Theo quyết định này, bà Nguyễn Phương Hằng bị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 16/2/2022 đến 29/4/2022 để phục công tác điều tra, xác minh liên quan đến đơn thư tố cáo, căn cứ vào Quyết định phân công giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm số 1712-26 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM.
|
Bà Nguyễn Phương Hằng. |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về trường hợp nào công nhân bị tạm hoãn xuất cảnh, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam, hoãn xuất cảnh là một trong những biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự. Được áp dụng theo quy định tại điều 124 bộ luật tố tụng hình sự.
Cụ thể, Điều 124 Tạm hoãn xuất cảnh quy định: 1. Có thể tạm hoãn xuất cảnh đối với những người sau đây khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của họ có dấu hiệu bỏ trốn:
a) Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
b) Bị can, bị cáo.
2. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Quyết định tạm hoãn xuất cảnh của những người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.
3. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không được quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.
Như vậy theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự, đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh là những người đang bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua quá trình kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần thiết phải ngăn chặn ngay việc người đó bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ. Biện pháp tạm hoãn xuất cảnh còn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo trong vụ án hình sự.
Do đó, trong những vụ việc xác minh tin báo nếu cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố có dấu hiệu phạm tội và có thể bỏ trốn thì sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh căn cứ vào Điều 124 trên.
Theo luật sư Cường, người bị áp dụng biện pháp này nếu không đồng ý, có thể khiếu nại đến Thủ trưởng cơ quan điều tra hoặc Viện trưởng viện kiểm sát Nhân dân cùng cấp theo quy định pháp luật.
Được biết, hiện Công an tỉnh Bình Dương cũng đang thụ lý đơn thư của 6 cá nhân tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng về các hành vi "làm nhục người khác", "vu khống" và "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Tuy nhiên, quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Nguyễn Phương Hằng của Công an TP HCM để phục vụ cho công tác điều tra như kể trên, không liên quan đến những vụ việc mà Công an tỉnh Bình Dương đang thụ lý đối với bà Nguyễn Phương Hằng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ca sĩ Hà My khẳng định là vợ Hoài Linh, bênh bà Phương Hằng giữa ồn ào:
Hải Ninh