Trong thời gian gần đây, liên tiếp ghi nhận nhiều cán bộ lãnh đạo trẻ rời biên chế Nhà nước ra ngoài đi buôn gà, bán rau. Hành động này khiến dư luận "sốc", xôn xao và đặt dấu hỏi lớn vì sao các cán bộ trẻ lại bỏ công việc ổn định?
Trưởng phòng Sở Công Thương tỉnh bỏ việc đi bán gà nướng
Những ngày cuối tháng 9/2017, thông tin anh Nguyễn Như Hoàng (33 tuổi, trú TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đang giữ chức vụ Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Thông tin, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk) bất ngờ làm đơn xin nghỉ việc nhà nước để về nhà mở quán bán hàng rong khiến dư luận xôn xao.
Chia sẻ với báo chí, anh Nguyễn Như Hoàng cho biết, anh đã làm việc ở nhà nước được 11 năm. Trong suốt quãng thời gian ấy, anh Hoàng luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. “Tuy nhiên, với mức lương 4 triệu đồng/tháng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Lương thấp khiến tôi không còn nhiệt huyết để cống hiến, làm việc”, anh Hoàng cho biết.
|
Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Thông tin, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp từ bỏ công chức về bán hàng rong. |
Sau khi anh Hoàng rời khỏi vị trí công tác, đã quyết định làm một chiếc xe đẩy, tìm vị trí để bán gà nướng, đồng thời giao gà tận nhà cho khách với giá 140 nghìn đồng/con để kiếm thu nhập lo cho gia đình.
Liên quan đến sự việc, ông Miên Klơng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, xác nhận anh Nguyễn Như Hoàng đã nộp đơn xin thôi chức Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Thông tin (Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghệ) trực thuộc Sở Công Thương Đắk Lắk. Dù đã được động viên, nhưng anh Hoàng vẫn nhất quyết xin nghỉ để ra ngoài tìm việc khác nên ngày 18/7, Giám đốc Sở Công thương đã ký quyết định theo đúng quy định.
Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Dương – Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk nói với báo chí rằng, anh Hoàng không phải trường hợp đầu tiên nộp đơn xin nghỉ việc tại Sở này do "lương công chức không được cao".
Cô gái bỏ công chức về nhà bán hàng trên mạng
Ngày 23/9/2017, chị Lô Thị Tố Tâm (SN 1987, Nghệ An) là công chức văn hóa xã hội của xã Châu Thôn (huyện Quế Phong, Nghệ An) đã bất ngờ viết đơn xin nghỉ việc, từ bỏ công chức nhà nước để trở về kinh doanh trên mạng xã hội.
Theo chia sẻ của chị Tâm, năm 2015, do địa điểm công tác cách nhà gần 20km đường rừng núi, công việc lại khó khăn, nhiều áp lực, không mang lại hứng thú, đồng lương thì chỉ đủ trang trải cuộc sống nên Tâm đã quyết tâm bỏ việc.
|
Đơn xin nghỉ việc của chị Lô Thị Tố Tâm. |
|
Chị Tố Tâm từ bỏ công chức để bán hàng online. |
Bà Vi Thị Hoa - mẹ của Tâm cho biết: “Tôi rất buồn vì con gái đã quyết định từ bỏ công chức nhà nước để ra kinh doanh buôn bán bên ngoài. Nuôi con mười mấy năm trời ăn học, thi đậu công chức nhà nước, cái nghề mà nhiều người mơ ước cũng không được. Đùng một cái nó nói con xin nghỉ việc, vợ chồng tôi chỉ biết ngỡ ngàng nghe theo.
Ông Vi Văn Chín - Chủ tịch UBND xã Châu Thôn cho biết: "Chúng tôi cảm thấy tiếc nuối khi Tâm là một cán bộ nhiệt tình, năng động, có chuyên môn tốt. Về lý do, Tâm nói sức khỏe yếu, công tác xa nhà, đồng lương không đủ trang trải cuộc sống nên xin nghỉ công chức để kinh doanh bên ngoài".
Thạc sỹ bỏ việc nhà nước về trồng rau sạch
Giữa tháng 3/2017, báo Lâm Đồng đưa tin, thạc sỹ Lê Quốc Đức (30 tuổi, ở TP thành phố Đà Lạt) đang làm việc ổn định trong một cơ quan nhà nước lại quyết định nghỉ ngang về trồng rau thủy canh đón khách tham quan.
Dù không có kinh nghiệm gì về trồng rau, nhưng anh Đức vẫn kiên trì dựng được khu trồng rau thủy canh của anh Đức rộng khoảng 1.500m2, để hoàn thành khu nhà kính trồng rau, tất cả chi phí đầu tư đến nay cũng hơn 1 tỷ đồng. Đối với khách lẻ tìm đến tận vườn mua rau thì anh Đức bán 40.000 đồng/kg.
Giáo viên buốt lòng rời bục giảng tìm việc mới
|
Thầy giáo trẻ 8X từ bỏ bục giảng để làm nghề xăm hình vì lương giáo viên thấp. |
Thời gian qua thông tin về thầy Nguyễn Quang Tuệ (SN 1987, Quảng Bình) - Giáo viên mỹ thuật tại Trường tiểu học Thanh Thủy (Quảng Bình) đã nộp đơn xin nghỉ việc sau 10 năm gắn bó bục giảng cũng khiến dư luận xôn xao.
Buốt lòng hơn, khi trong đơn xin nghỉ việc thầy Tuệ viết: “Lý do xin nghỉ việc là vì điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống gia đình. Kính mong Ban Giám hiệu, BCH Công đoàn nhà trường cho tôi được thôi việc để tìm công việc mới đảm bảo thu nhập cá nhân và gia đình”.
Được biết, thu nhập của thầy Tuệ khi còn là giáo viên vẻn vẹn 3,6 triệu đồng/tháng. Sau khi nghỉ dạy thầy Tuệ tập trung vào công việc xăm nghệ thuật, công việc này trước đây thầy từng làm thêm ngoài giờ lên bục giảng.
Loạt cán bộ xã viết đơn xin nghỉ việc
Đầu năm 2016, tại UBND xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) ông Lê Văn Bình (SN 1982), cán bộ hợp đồng trong Đội quản lý trật tự xây dựng được 4 năm, với mức lương 2.000.000 đồng/tháng. Đầu năm 2017, ông Bình làm đơn xin nghỉ việc ra ngoài làm tự do.
Tháng 4/2017, ông Phạm Văn Sáu (SN 1987), tốt nghiệp Đại học, được tuyển dụng là công chức năm 2011, làm cán bộ Văn phòng thống kê tại xã Quảng Cư cũng đột ngột viết đơn xin nghỉ việc để ra ngoài làm việc khác với lý do là sức khỏe không đảm bảo.
Tại UBND phường Trường Sơn (Thanh Hóa), cán bộ dân số bà Nguyễn Huệ Linh cũng xin nghỉ việc ra Hà Nội làm thêm cho một phòng khám.
Hầu hết, những vị lãnh đạo, cán bộ làm việc trong cơ quan nhà nước đều rời bỏ công chức ra làm ngành khác nhằm tăng thêm thu nhập cho cuộc sống. Những người rời bỏ vị trí công chức đều chia sẻ buốt lòng vì “lương nhà nước thấp không đủ sống”.
Bảo Ngân (Tổng hợp)