Trước đó, sáng 27/4, tại ga Hà Nội, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (Bộ Công an) phát hiện 2 người mang theo 1 valy, 1 thùng carton có chứa 15 sừng tê giác. Khai thác nhanh, các nghi phạm khai vận chuyển hàng cấm theo sự chỉ đạo của Nguyễn Mậu Chiến (47 tuổi, trú tại Hà Đông).
Phạm tội từ chuyến đi nước ngoài
Khám nhà vợ chồng Chiến tại Hà Đông, cơ quan điều tra thu giữ 2 hổ con đã chết để đông lạnh. Đây là loài hổ có tên khoa học Penthera tigris (loài hổ thuộc phụ lục 1, danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ và thuộc nhóm nghiêm cấm khai thác sử dụng vì mục đích thương mại), 10 miếng cao động vật, 2 mẩu xương động vật, 4 mảnh ngà voi châu Phi, 4 miếng da sư tử...
Đến ngày 10/5, Chiến đến Công an quận Hà Đông đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội.
Theo tài liệu điều tra, khoảng cuối năm 2016, Chiến đi Trung Quốc, gặp và quen biết Xieng Xieng (người Trung Quốc). Xieng Xieng thuê Chiến vận chuyển 15 chiếc sừng tê giác, trọng lượng 34kg từ TP.HCM ra Hà Nội với giá thuê 340 triệu đồng.
Nhận lời, đầu tháng 4, Chiến chỉ đạo Nguyễn Văn Tùng (34 tuổi, ở Thanh Hóa) vào TP.HCM nhận hàng.
Ngày 24/4, Xieng Xieng điện cho Chiến và cung cấp số điện thoại của một người tên Nguyễn Mạnh Chiến (trú ở quận Tân Bình, TP.HCM) để liên hệ lấy số hàng cấm đem ra Hà Nội.
|
Nguyễn Mậu Chiến cùng tang vật vụ án. |
Chiến gọi điện nhờ Nguyễn Mậu Thuận (33 tuổi, ở Thanh Hóa), là nhân viên tàu Bắc - Nam đến nhận hàng. Thuận đến điểm hẹn nhận 1 valy và 1 thùng carton đựng 15 khúc sừng tê giác rồi giao cho Tùng, kèm theo vé tàu hỏa để chuyển số hàng ra Hà Nội.
Khoảng 7h ngày 27/4, Tùng ra đến ga Hà Nội và bị lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ.
Sáng hôm đó, liên lạc qua điện thoại với Tùng không được, biết "đàn em" đã bị bắt, Chiến gọi điện về cho vợ là Lê Thị Hồng (45 tuổi) tẩu tán sừng tê giác, ngà voi và những sản phẩm từ động vật khác đang để tại nhà.
Hành vi của Chiến bị cho là phạm vào quy định tại khoản 1, điều 155 bộ luật Hình sự. Theo đó bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngày 27/10, TAND quận Hà Đông đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên phiên tòa hôm đó phải tạm hoãn do bị cáo tại ngoại vắng mặt và đại diện VKS bị ốm.
Hổ vồ người
Theo tài liệu của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), năm 2007, Chiến bị bắt ở châu Phi và bị xử phạt hành chính do vận chuyển một số sản phẩm động vật hoang dã (ĐVHD). Ở Thanh Hóa, Chiến được biết đến là chủ trang trại nuôi nhốt tới 12 con hổ.
Vào cuối tháng 5, một bé trai 13 tuổi (trú tại xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) bị hổ tại trang trại của Nguyễn Mậu Chiến vồ.
Các nghi phạm đã khai nhận 2 con hổ đông lạnh bị tịch thu có nguồn gốc từ cơ sở nuôi nhốt hổ của Nguyễn Mậu Chiến.
Chính vì vậy, ENV nghi ngờ cơ sở nuôi nhốt hổ của Chiến thực chất chỉ đóng vai trò “vỏ bọc” cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép hổ và các loài ĐVHD khác, mà không hề phục vụ mục tiêu nuôi thí điểm “bảo tồn” hổ như UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề ra.
Từ đầu tháng 5, ENV đã có văn bản đề nghị tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở nuôi nhốt hổ của Nguyễn Mậu Chiến; làm rõ những hoạt động bất hợp pháp nhằm xử lý triệt để mọi dấu hiệu vi phạm về hổ cũng như các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm khác tại cơ sở.
Ngoài ra cần xem xét không tiếp tục gia hạn hoặc cấp mới giấy chứng nhận nuôi nhốt hổ cho cơ sở của Nguyễn Mậu Chiến, nghiên cứu giải pháp nhanh chóng chuyển giao những con hổ nuôi nhốt tại cơ sở này về các trung tâm cứu hộ theo quy định của pháp luật.
Theo T.Nhung/Vietnamnet