Thông tin về các vật thể lạ bất ngờ rơi xuống tại Yên Bái và Tuyên Quang đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều ý kiến tranh luận nảy lửa trên các diễn đàn mạng xung quanh sự việc kỳ lạ này, các cơ quan chức năng, chuyên gia vũ trụ cũng đã lên tiếng dự đoán về những vật thể lạ xuất hiện trên.
Nói về các vật thể lạ có hình khối cầu làm bằng hợp kim bất ngờ xuất hiện tại Yên Bái, Tuyên Quang, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết, hiện Bộ Quốc phòng đã thu hồi hai vật thể lạ nói trên và yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác định rõ.
Theo tướng Tuấn nhận định, hai vật thể lạ có thể là những bình khí nằm trong những vệ tinh các hoạt động trong vũ trụ. Những vệ tinh trong quá trình thực hiện cần những chất như oxy, khí nén như hydro… các chất đó sẽ được nén lại trong bình để được sử dụng nhiều. Khi các bình này không sử dụng nữa thì sẽ được tiêu hủy. Hoặc các vật thể lạ có thể là 1 thiết bị liên quan tới trang thiết bị trong vũ trụ. Khi không còn sử dụng nó được thả trôi nổi ngoài vũ trụ. Khi có lực hút chênh lệnh được hút vào trái đất nên rơi xuống Việt Nam.
|
Vật thể lạ liên tiếp được phát hiện tại Yên Bái, Tuyên Quang. |
Mới đây, đại diện Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang cho rằng, vật thể lạ rơi xuống xã Tân Mỹ, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) có thể là một bình chứa oxy hoặc hydro của một thiết bị trên không trung.
Trong khi chưa xác định cụ thể, vật thể lạ rơi ở các địa phương trên là bộ phận gì của thiết bị bay trên không trung, các chuyên gia vũ trụ Việt Nam cũng đã đưa ra những nhận định về nguồn gốc các vật thể lạ trên.
Nhận định về các vật thể lạ trên, trao đổi với PV Kiến Thức, Nhà nghiên cứu về Thiên văn - Vũ trụ, Đại học Quốc Gia Hà Nội, ông Nguyễn Đức Phường cho biết, nhìn các vật thể lạ rơi ở Tuyên Quang, Yên Bái có thể là những bộ phận của vệ tinh, tên lửa vũ trụ.
“Khi phóng tên lửa vũ trụ lên không gian, một bộ phận nào đó rơi xuống trở về trái đất, không may rơi xuống Tuyên Quang, Yên Bái của Việt Nam. Bình thường các bộ phận không thể rơi được khi các vệ tinh chuyển động ổn định xung quanh một quỹ đạo nào đó”, ông Nhường cho biết.
Nói về nguyên nhân các bộ phận tên lửa vũ trụ/vệ tinh rơi xuống mặt đất, ông Nguyễn Đức Nhường nhận định: “Khi các bộ phận của tên lửa vũ trụ hoặc vệ tinh rơi xuống có nhiều nguyên nhân. Nếu là bộ phận tên lửa vũ trụ, trong quá trình tên lửa hoàn thành đưa vệ tinh lên quỹ đạo thì quay trở lại bầu khí quyển trái đất và sẽ bốc cháy hoặc một số có thể rơi xuống trái đất. Các đơn vị phóng tên lửa đã tính toán để tên lửa khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ rơi xuống đại dương hay sa mạc, rừng núi. Tuy nhiên, khi không hoạt động bình thường hoặc gặp lỗi gì đó, một bộ phận tên lửa vũ trụ sẽ rơi xuống những khu vực khác. Trong trường hợp các vật thể lạ là bộ phận của vệ tinh, trên thực tế hiện nay có nhiều rác vũ trụ là những vệ tinh không hoạt động nữa nhưng vẫn quay quanh trái đất. Chúng sẽ dần hạ thấp độ cao và rơi xuống trái đất. Hiện nay có rất nhiều vệ tinh của các quốc gia đang quay quanh trái đất trong đó có không ít những vệ tinh không có hoạt động”.
Theo nhà nghiên cứu thiên văn, vũ trụ Nguyễn Đức Nhường, rất khó có thể đoán được những vật thể lạ trên là bộ phận nào của tên lửa vũ trụ hay vệ tinh. Bởi mỗi vệ tinh/tên lửa, thiết bị có kết cấu khác nhau. Nên hiện nay chỉ có thể gọi những vật thể lạ đó là một bộ phận, thiết bị bay nào đó. Để biết chính xác đó là bộ phận nào, các cơ quan chức năng cần mang những mẫu vật thể lạ đó sang nước ngoài để giám định.
Nói về việc, các vật thể lạ rơi xuống mặt đất như Tuyên Quang, Yên Bái vừa qua, nếu có hậu quả xảy ra thì ai chịu trách nhiệm, ông Nguyễn Đức Nhường cho biết, những bộ phận vệ tinh/tên lửa vũ trụ rơi vào địa phương nào, quốc gia nào thì vẫn thuộc sở hữu của quốc gia hoặc công ty chủ sở hữu của các vệ tinh/tên lửa. Nếu xảy ra hậu quả khi các bộ phận rơi xuống mặt đất thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm. Bởi vì thế, khi phóng tên lửa/vệ tinh luôn kèm theo những yêu cầu nghiêm ngặt.
Hải Ninh