Mời gọi tới BV nghỉ dưỡng
Thời gian qua, nhiều BV, phòng khám bị cơ quan quản lý Quỹ BHYT nêu tên vì sử dụng các chiêu thức khác nhau thu hút bệnh nhân có thẻ BHYT nhằm trục lợi Quỹ. Điển hình như Phóng khám Phương Nam (Cà Mau) sử dụng chiêu tặng quà bằng đường, sữa, bột ngọt, chén, ly, đồ chơi… để thu hút người dân tới khám, chữa bệnh.
Còn tại Thanh Hóa, hàng loạt BV trả tiền đi lại, ăn ở, tặng quà cho người tới khám, như: BV Đa khoa Thanh Hà, BV Đa khoa ACA, BV Đa khoa Hàm Rồng, BV Mắt Bình Tâm, BV Mắt Bắc Trung Nam, BV Tâm Đức Cầu Quan, Phòng khám 123 Môi. Hay BV Y học cổ truyền Lan Q. (TP Bắc Giang) chi hỗ trợ 120.000 đồng/người đến khám, chữa bệnh. Trong đó, hỗ trợ Hội Người cao tuổi ở cấp huyện, xã, thôn 20.000 đồng với mỗi người được các hội kêu gọi tới BV, và tiền đi lại 60.000 đồng/người.
|
Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An có chương trình giải trí mỗi chiều cho bệnh nhân. |
Tại BV Phục hồi Chức năng tỉnh Nghệ An (thị xã Cửa Lò, Nghệ An), để có nguồn bệnh nhân, BV đã in tờ rơi, cử người về các thôn bản miền núi Nghệ An quảng cáo, với nhiều lời giới thiệu hấp dẫn, như: BV nằm ở bãi biển đẹp nhất Cửa Lò, cạnh công viên, là BV đầu tiên của Nghệ An và cả nước xây dựng mô hình “Bệnh viện - khách sạn: Xanh - Sạch - Đẹp”… Dù là BV, nhưng được giới thiệu là “điểm đến nghỉ dưỡng tuyệt vời”. Bệnh nhân điều trị nội trú được nhà nước hỗ trợ tiền ăn, được xét nghiệm, cấp phát thuốc có BHYT chi trả. Đặc biệt, BV này hướng dẫn rõ với người dân có thẻ BHYT vùng 135 được “đặc cách” vượt tuyến không cần giấy chuyển của BV tuyến dưới, có thể đi thẳng tới BV đều được BHYT chi trả toàn bộ chi phí. BV còn trang bị cả sân bóng chuyền cho bệnh nhân chiều chiều nâng cao sức khỏe.
Với các cách thức trên, các BV đã thu hút đông người dân có thẻ BHYT tìm tới. Thậm chí, tại nhiều địa phương các đoàn thể đứng ra kêu gọi, tổ chức thành đoàn vài chục người cùng đi khám bệnh – nghỉ dưỡng. Khi người dân tới, BV không cần khám sàng lọc, tất cả được chỉ định cho nhập viện điều trị nội trú ngay, sau đó mới khám xem bệnh gì. Thậm chí, người tới chơi cũng được nhân viên BV động viên thăm khám, nhập viện. Nhờ đó, khi tới các BV trên, dễ dàng gặp những bệnh nhân còn mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình đi lại thăm thú BV, phố phường, vì nhiều người lần đầu xuống phố.
Và đương nhiên các chi phí trên bằng nhiều cách, đều được các BV lấy từ Quỹ BHYT, như: Cho tất cả người nhập viện điều trị dài ngày; các bác sĩ chỉ định làm nhiều thủ thuật cho bệnh nhân; sử dụng nhiều xét nghiệm không cần thiết; có hồ sơ nằm viện nhưng bệnh nhân vắng mặt; ghi khống phiếu thực hiện thủ thuật, phiếu không có chữ ký… Tại BV Phục hồi Chức năng Nghệ An, không ít lần nhân viên bảo hiểm xã hội phát hiện các sai phạm trên và lập biên bản, nhưng đại diện BV không ký. Thậm chí cán bộ bảo hiểm còn bị lãnh đạo BV gọi bảo vệ “mời” ra ngoài.
Thêm dịch vụ, “xén” thời gian
Nhờ tuyên truyền tốt, hầu hết người tới BV Phục hồi Chức năng Nghệ An có thẻ BHYT vùng 135 và đi vượt tuyến. Năm 2016 và nửa đầu năm 2017, bình quân mỗi bệnh nhân điều trị nội trú tại BV này 16,9 ngày, chi phí mỗi bệnh nhân lên tới 8,6 triệu đồng, cao gấp đôi trung bình cả nước. Thậm chí, chi phí khám chữa bệnh bình quân tại BV cao gấp đôi các bệnh viện tuyến trung ương ở các thành phố lớn (như TPHCM chỉ 15,5 ngày/người, chi phí bình quân 5,3 triệu đồng/người).
Điều này được cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ rõ do BV chỉ định nhiều dịch vụ kỹ thuật cùng cơ chế, chức năng cho 1 bệnh; có bệnh nhân 1 bệnh nhưng được chỉ định làm tới 9 thủ thuật; có bệnh nhân đau thần kinh đầu lại được chỉ định điều trị chân. Ngoài ra, nhiều thủ thuật trị liệu theo quy định phải kéo dài 20 phút, nhưng BV chỉ thực hiện 5-10 phút để còn thời gian thực hiện cho bệnh nhân khác; có người được chỉ định hàng loạt thủ thuật nhưng không rõ bệnh gì…
Làm việc với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, bà Thái Thị Xuân, Giám đốc BV Phục hồi Chức năng Nghệ An cho biết: “BV luôn tận tình vì bệnh nhân, có đoàn đi từ quê tới đã 1-2 giờ sáng, chúng tôi vẫn cử người làm thủ tục cho nhập viện hết. Cũng có người sáng sớm phải về theo đoàn nên bác sĩ tranh thủ làm thủ thuật ngay trong đêm cho đủ theo phác đồ. Để được tới BV, ở địa phương họ đã phải trải qua quá trình lựa chọn và bình bầu, tự sàng lọc với nhau, có người còn không biết tiếng phổ thông, không biết chữ, phải có trưởng đoàn đi cùng để dịch. Họ cũng chỉ ở viện 5-10 ngày rồi về, có người muốn ở lại thêm, lần đầu đi nên muốn ở lâu, nhưng cả đoàn về họ cũng phải về. Trải qua như vậy chẳng nhẽ chúng tôi lại khám sàng lọc rồi cho họ về, làm vậy là không có tình cảm với người dân”, bà Xuân nói.
Theo bà Xuân, việc làm nhiều thủ thuật là do bệnh nhân yêu cầu. Vì khi BV đưa danh sách các thủ thuật người bệnh họ đăng ký hết, có thủ thuật bác sĩ không chỉ định nhưng bệnh nhân vẫn xin làm. “Họ xin làm thủ thuật chẳng nhẽ mình từ chối”, bà Xuân nói thêm. Khi thu hút được nhiều bệnh nhân, thực hiện nhiều thủ thuật sẽ lấy được càng nhiều tiền từ Quỹ BHYT.
Trước việc “lôi kéo” người dân của BV Phục hồi Chức năng Nghệ An, ngày 29/5 và 20/6/2017, Bảo hiểm Xã hội huyện Tương Dương (Nghệ An) đã làm việc với UBND xã Lưu Kiền và Tam Thái để xác minh. Tại các buổi làm việc, Hội người cao tuổi xã Lưu Kiền và Tam Thái đã xác nhận tổ chức cho các hội viên tới BV Phục hồi Chức năng Nghệ An để điều dưỡng, an dưỡng, không phải khám chữa bệnh. Trước đó, Hội người cao tuổi xã Lưu Kiền đã tổ chức đoàn gồm 28 người, xã Tam Thái lập đoàn 21 người tới BV Phục hồi Chức năng Nghệ An an dưỡng nhiều ngày.
Theo Phạm Thanh/Tiền Phong