Sáng 14/8, tại Nhà Quốc hội, phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ đây là một trong những phiên họp có khối lượng nội dung lớn nhất từ đầu năm đến nay.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: QH. |
Phiên họp sẽ được tiến hành vào 2 đợt. Đợt một từ ngày 14/8 đến ngày 18/8. Đợt hai từ ngày 24/8 đến ngày 25/8.
Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV, phiên họp sẽ xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với khoảng 20 nội dung tập trung vào công tác giám sát, lập pháp và một số vấn đề quan trọng khác.
Cho ý kiến 5 chuyên đề giám sát, chất vấn 2 nhóm vấn đề
Đối với nhóm nội dung về giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến đối với các nội dung liên quan của 5 chuyên đề giám sát và sẽ tổ chức chất vấn, trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đây là nội dung thường niên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra vào tháng 3 và tháng 8, còn nội dung chất vấn ở Quốc hội tổ chức 2 lần tại kỳ họp đầu năm và cuối năm.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hoạt động giám sát quan trọng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, được cử tri và Nhân dân hết sức mong đợi. Do đó, cả chất vấn và trả lời chất vấn và phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam để các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi, góp phần phát huy tính dân chủ, pháp quyền, công khai và minh bạch trong hoạt động của Quốc hội.
Theo chương trình kế hoạch giám sát năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chuyên đề này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào phiên họp tháng 7. Sau đó, Đoàn giám sát đã khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết.
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về giám sát chuyên đề 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Sau khi cho ý kiến tại phiên họp này, Đoàn giám sát sẽ tiếp thu ý kiến, hoàn thiện đề cương, sau khi cho ý kiến lần 2 vào tháng 9, dự kiến sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến các nội dung chuyên đề giám sát: Về dự thảo kế hoạch giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023; Cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Trong nội dung này có các dự án quan trọng như: Sân bay Long Thành; cao tốc Bắc - Nam; Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Vành đai 3 TP HCM…
Nội dung giám sát khác cũng được cho ý kiến là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023…
Về chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành một ngày làm việc để chất vấn hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Bộ Tư pháp sẽ tập trung vào các vấn đề về việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của toàn khóa cho đến nay, việc nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, công tác kiểm soát quyền lực và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác đấu giá cũng như giám định tư pháp.
Đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản, hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, giải pháp tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản, việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và vấn đề giá gạo và xuất khẩu gạo trong giai đoạn hiện nay…
Xem xét nhiều dự án luật quan trọng
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về 11 dự án luật và dự thảo nghị quyết để chuẩn bị nội dung trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
|
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 25. Ảnh: QH. |
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với 8 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 là dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và Luật Viễn thông (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối 2 dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 là Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ khối lượng công tác lập pháp tại phiên họp này là rất lớn, trong đó có nhiều dự án luật phức tạp, quan trọng, được cử tri và Nhân dân hết sức quan tâm, điển hình là nhóm 3 dự án luật về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản. Đây là 3 dự án luật được trình xem xét, quyết định tại cùng một kỳ họp, có tác động lớn về kinh tế - xã hội, có quan hệ chặt chẽ với nhau và cũng liên quan trực tiếp điểm các nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Do đó, cần phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất cao để khơi thông các nguồn lực phát triển, để thể chế hóa đúng đắn và đầy đủ các nghị quyết của Trung ương. Đồng thời, cần hết sức lưu ý tránh những vướng mắc về thể chế, sự chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất và đặc biệt tránh có những sơ hở có thể dẫn tới tiêu cực, lãng phí, thậm chí là có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Cùng với đó là các dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…cũng được cho ý kiến. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên nghiên cứu cho ý kiến cụ thể, đánh giá thẳng thắn, toàn diện, cầu thị, đặc biệt vấn đề tác động về tổ chức biên chế, ngân sách.
Mời quý độc giả xem video: "Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình cuối phiên họp ngày 31/5.". Nguồn: Truyền hình Quốc hội.
Mai Loan