Uông Bí sẵn sàng hội xuân Yên Tử 2025

Google News

Khu di tích Yên Tử (thuộc TP Uông Bí, Quảng Ninh) là một trong những khu du lịch tâm linh nổi tiếng của miền Bắc.

Trong tiết xuân tháng Giêng với chút mưa phùn lây phây, hành hương về miền đất Phật sẽ giúp bạn cảm nhận được sự giao hòa đất trời cùng những trải nghiệm khó quên.
Khám phá miền Di sản huyền bí, linh thiêng Yên Tử
Khu di tích Yên Tử thuộc vùng đất Yên Tử nổi danh là đất Phật linh thiêng, là hệ thống chùa chiền với lối kiến trúc truyền thống, hấp dẫn du khách gần xa. Khu di tích được xây dựng trên núi Yên Tử, còn được người dân gọi là núi Tượng Đầu, ngọn núi nằm giữa ranh giới của 2 tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh. Với độ cao 1.068 mét so với mực nước biển, nơi đây có thảm động thực vật vô cùng đa dạng, phong phú.
Đây là nơi quy tụ các di tích lịch sử, công trình văn hóa gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Nơi đây sở hữu phong cảnh núi non hữu tình, khí hậu trong lành, thiên nhiên phong phú, đã trở thành điểm sáng trong du lịch văn hóa và tâm linh của Quảng Ninh.
Uong Bi san sang hoi xuan Yen Tu 2025
 
Khu vực Yên Tử có tổng diện tích tự nhiên khoảng 2.686ha, trong đó có 1.736ha rừng tự nhiên, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng Đông Bắc, nơi còn bảo tồn được nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm… Xen kẽ với thiên nhiên là hệ thống chùa, am, tháp… Ven lối dẫn lên các chùa, am, tháp thường trồng rất nhiều tùng.
Trong khu vực này hiện còn khoảng hơn 200 cây tùng đại thụ, thuộc 4 nhóm quý hiếm, được trồng cách đây khoảng 700 năm. Ngoài đường tùng cổ thụ, rừng trúc ở đây cũng nổi tiếng từ ngàn xưa… Trúc là sản phẩm độc đáo của Yên Tử, tượng trưng cho sức sống dẻo dai, vẻ đẹp thanh bạch và tao nhã của tạo hóa. Có lẽ, đó cũng chính là lý do mà Trần Nhân Tông đã chọn nơi đây để tu hành và lấy tên “rừng Trúc”, tức Trúc Lâm, để đặt tên cho dòng Thiền do ông sáng lập.
Trải qua thăng trầm lịch sử, Yên Tử luôn ấp ủ trong mình hồn thiêng văn hóa Việt với hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am tháp, hàng ngàn di vật cổ chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa rực rỡ thời Đại Việt.
Uong Bi san sang hoi xuan Yen Tu 2025-Hinh-2
 
Về với non thiêng Yên Tử, bạn sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, đi bộ qua những vườn hoa đỗ quyên đang vào độ rực rỡ, trải nghiệm cáp treo, leo những bậc thang dốc và hẹp hay thả hồn ngắm nhìn những thảm thực vật đa dạng dọc hai bên đường đi.
Đến với khu di tích Yên Tử, người hành hương sẽ được đi qua miền Di sản với các cung bậc khác nhau.
Điểm đầu là chùa Trình hay còn gọi là đền Trình, chùa Bí Thượng, tọa lạc ở độ cao 1.000m. Ngôi chùa có tuổi đời gần 400 năm với lối kiến trúc cổ độc đáo. Nổi tiếng là ngôi chùa gần như sắp chạm đến trời mây Yên Tử, nơi đây thu hút đông đảo du khách đến tham quan, lễ Phật. Chùa Trình có cảnh quan thanh tịnh, không gian yên bình với cây cối xanh mát, suối chảy róc rách cùng kiến trúc cổ độc đáo, du lịch Yên Tử, đừng quên dừng chân tại đây để nghỉ ngơi, vãn cảnh chùa.
Suối Giải Oan: Trên đường đi du lịch Yên Tử, người hành hương sẽ ngang qua con suối Giải Oan trong xanh. Nơi đây còn gắn với câu chuyện hàng trăm cung nữ đã trầm mình để ngăn cản vua Trần Nhân Tông quy y. Kinh nghiệm du lịch bụi Yên Tử cho thấy, dừng chân tại đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh núi non nên thơ, suối chảy róc rách, thi thoảng là tiếng chim hót líu lo, tận hưởng không khí trong lành.
Cung Trúc Lâm: Công trình đồ sộ nhất trong tổng thể Trung tâm văn hoá Trúc Lâm Yên Tử. Toàn bộ kiến trúc của công trình được thiết kế bằng cách lấy cảm hứng từ các kiến trúc cổ còn sót lại ở Yên Tử, đặc biệt là tháp Huệ Quang cùng với các bức tường quanh tháp và các di sản văn hóa, lịch sử của Việt Nam và Thiền phái Trúc Lâm trên núi Yên Tử.
Bên trong Cung Trúc Lâm bố trí 160 hàng ghế bằng gỗ lim, cung có sức chứa từ 5.000 đến 7.000 người. Đây là nơi tổ chức các sự kiện tưởng niệm, lễ hội, hội thảo và các hoạt động văn hóa Phật giáo.
Uong Bi san sang hoi xuan Yen Tu 2025-Hinh-3
 
Chùa Hoa Yên: Đây là ngôi chùa to nhất nên còn được gọi là chùa Cả. Chùa vốn được khởi dựng từ thời nhà Lý, lấy tên là Phù Vân. Trên 700 năm trước, chùa chỉ là một thảo am rất nhỏ, là nơi để Phật hoàng Trần Nhân Tông giảng đạo, lấy tên là Vân Yên. Cả ba vị sư tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đều đã trụ trì tại chùa này. Đến đời nhà Lê, khi Lê Thánh Tông đi qua chùa thấy hoa lá xanh tươi, sương khói la đà mới đổi thành Hoa Yên.
Ngôi chùa hiện nay được xây vào đời nhà Nguyễn với kiến trúc 5 gian hình chữ Đinh. Người ta cho rằng theo thế núi, chùa Hoa Yên tọa lạc ở nơi đầu rồng, đôi mắt rồng là chỗ dựng tháp tổ; hai dãy núi hai bên như những cánh tay rồng ôm lấy con đường hành hương của du khách. Năm 2002, chùa Hoa Yên được tôn tạo lại theo kiến trúc bên trong chữ Công bên ngoài chữ Quốc. Chùa bao gồm nhà thờ tổ, hành lang tả hữu hai bên, trống, chuông chùa đều được mô phỏng kiến trúc đời Trần. Trước tòa Tam bảo đặt một lầu hương bằng đồng cổ rất cổ kính. Phía sau chùa Hoa Yên là chùa Phổ Đà Quan Âm Bồ Tát, tuy nhiên nay chỉ còn là phế tích. Gần chùa Hoa Yên có vườn tháp Huệ Quang với 97 ngọn tháp bằng gạch hoặc đắp đất kề nhau tạo thành một quần thể.
Chùa Một Mái hay còn gọi là chùa Bồ Đà. Chùa có kiến trúc độc đáo với một nửa ẩn mình trong hang động, một nửa phô ra ngoài với mái ngói phủ rêu phong. Nằm giữa lưng chừng trời, xung quanh là núi đá, cây cối, nơi đây mang đến không gian thanh tịnh, hòa mình với thiên nhiên.
An Kỳ Sinh và tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông: An Kỳ Sinh là một tảng đá tự nhiên có hình thù giống một vị tu sĩ chắp tay cung kính. Tận dụng vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên, người dân đã lập nên am thờ An Tử - vị tu sĩ sáng chế nhiều phương thuốc chữa bệnh cứu người.
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, giữa khung cảnh núi rừng tráng lệ, nguy nga. Tượng được đúc bằng đồng nguyên khối nặng đến 138 tấn, cao 12,6m. Đây là tượng đài nhân dân xây dựng nhằm tưởng nhớ đến công vua Trần Nhân Tông đối với dân tộc và đạo pháp. Tượng với tư thế tĩnh tại, ung dung giữa đất trời là điểm tham quan, lễ Phật đáng đến khi du lịch Yên Tử.
Chùa Đồng: Tọa lạc ở độ cao 1.068m, chùa Đồng là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất của Yên Tử. Chùa được chạm trổ với những đường nét hoa văn tỉ mỉ, chạm khắc tinh xảo, điêu luyện theo kiến trúc nhà Trần. Đứng ở đây, bạn có cảm giác như chạm tới mây, đứng giữa trời đất bao la, rộng lớn. Nằm ở vị trí cao nhất, đường lên cũng khá cheo leo và không bằng phẳng nhưng điều đó không ngăn được bước chân những người hành hương.
Vì sự bình yên vùng non thiêng Yên Tử
Ngày 7/2/2025 (tức ngày 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ), Lễ khai hội Xuân Yên Tử sẽ được chính thức diễn ra nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân, góp phần bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị và quảng bá hình ảnh của khu Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Lễ khai hội Xuân Yên Tử được thực hiện theo nghi thức truyền thống, tổ chức trang trọng, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm; mang đậm bản sắc của dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Thành, Uỷ viên BTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Uông Bí cho biết, Lễ hội Xuân Yên Tử 2025 sẽ tổ chức với đầy đủ các nghi thức lễ hội truyền thống, kết hợp với nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, kéo dài suốt ba tháng mùa xuân. Phần lễ khai hội bao gồm các hoạt động rước kiệu, dâng lễ, cùng các nghi thức tâm linh như: Gióng trống, thỉnh chuông, lễ chúc phúc đầu năm, lễ cầu Quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử...
Uong Bi san sang hoi xuan Yen Tu 2025-Hinh-4
 
Sau phần nghi lễ trang trọng, phần hội hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách một không khí xuân tươi vui, phấn khởi với các hoạt động nổi bật như: Đêm hội hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, múa lân, võ thuật cổ truyền; trải nghiệm cưỡi ngựa; các trò chơi dân gian; biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương, Yên Tử; triển lãm tranh ảnh tuyên truyền, quảng bá giá trị và vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử; văn hóa ẩm thực dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử…
Được biết, để chương trình khai hội Yên Tử 2025 mang đậm bản sắc, văn hoá dân tộc và phục vụ chu đáo đông đảo du khách, ngay từ tháng 12/2024, Thành uỷ - UBND thành phố Uông Bí đã xây dựng kế hoạch, kịch bản và chương trình tổ chức Lễ khai Hội xuân Yên Tử năm 2025; Kế hoạch duy trì Hội xuân và đón khách về Yên Tử năm 2025.
Về công tác xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa lễ hội, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ chủ trì Đêm Hội hoa đăng, lễ cầu nguyện Quốc thái dân an và các nghi thức tôn giáo khác.
Công ty CPPT Tùng Lâm được giao chủ trì tổ chức các trò chơi dân gian; biểu diễn nghệ thuật truyền thống, nhạc cụ dân tộc; múa Rồng, Lân; biểu diễn võ thuật cổ truyền; trải nghiệm cưỡi ngựa... tại khu vực Quảng trường Minh Tâm trước, trong và sau thời gian diễn ra Lễ khai hội xuân Yên Tử.
Ngoài ra, Công ty CPPT Tùng Lâm cũng đã trưng bày, triển lãm tranh, ảnh tuyên truyền, quảng bá về các giá trị và vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử. Ẩm thực của người dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử.
Để có cơ sở vật chất phục vụ cho Lễ khai Hội, tổ chức Hội xuân Yên Tử năm 2025, Thành uỷ - UBND thành phố Uông Bí đã yêu cầu các lực lượng chức năng rà soát, bổ sung hệ thống bảng biển chỉ dẫn trong khu di tích Yên Tử; biển tuyên truyền vệ sinh môi trường, hình ảnh hóa văn minh du lịch; hướng dẫn hành hương khu du lịch; hướng dẫn việc mua vé tham quan, vãng cảnh; chỉnh trang tuyến đường giao thông vào khu du lịch, khu vực Bến xe, nội viện các chùa phục vụ Hội xuân 2025; sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống đường đi bộ, lan can tay vịn trên tuyến đường hành hương từ chùa Giải Oan lên đến chùa Đồng.
Theo Kế hoạch, Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử là cơ quan thường trực thực hiện quản lý trực tiếp toàn diện tại Khu di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử. Ngoài nhiệm vụ đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ được phân công, đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch; BQL sẽ phải thực hiện nhiệm vụ kiên quyết xử lý các hành vi mời chào, chèo kéo, đeo bám du khách thiếu văn minh lịch sự, bán hàng rong, đổi tiền lẻ trong khu di tích; các hành vi bán hàng giả, hàng kém chất lượng, bán hàng giá cao; treo mắc, bày bán thức ăn, thịt động vật tươi sống; phối hợp với UBND phường Phương Đông, UBND xã Thượng Yên Công về các hoạt động xe ôm, xe taxi đậu đỗ, đón trả khách không đúng quy định. Rà soát, bổ sung quy chế phối hợp quản lý hoạt động xe taxi, xe ôm, hoạt động chụp ảnh tại khu di tích; phương án sắp xếp hoạt động dịch vụ trong khu di tích, không để hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, căng bạt, che ô, mái vẩy làm mất cảnh quan khu di tích…
Hiện Trung tâm Truyền thông và Văn hóa TP. Uông Bí cũng đã và đang phối hợp với Ban trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Quảng Ninh dàn dựng chương trình khai hội đặc sắc, mang đậm văn hoá, truyền thống dân tộc. Đặc biệt, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa TP. Uông Bí đã có nhiều tham mưu tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian trong dịp khai Hội xuân Yên Tử năm 2025.
Được biết, Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm cũng đã có phương án miễn, giảm vé cáp treo cho đại biểu, khách mời về dự Lễ khai hội; phối hợp tiếp đón các đoàn khách của Trung ương, của Tỉnh Quảng Ninh và các địa phương bạn về dự Lễ khai Hội xuân năm 2025…
Với sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, Lễ khai hội xuân Yên Tử 2025 sẽ diễn ra thành công và để lại những ấn tượng đẹp trong lòng du khách, góp phần giới thiệu về những giá trị di sản và tiềm năng lợi thế của Yên Tử nhằm thu hút các tầng lớp nhân dân và du khách hành hương lễ Phật.
Lễ khai Hội: Thời gian dự kiến: 8h30', ngày 07/02/2025 (tức ngày 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Địa điểm: Cung Trúc Lâm Yên Tử.
Hội xuân: Tập trung trong 3 tháng đầu năm (âm lịch); đón khách du lịch trong cả năm 2025.

PV