Thông tin mới nhất về cơn bão số 2 Sinlaku, thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, dự báo khoảng 4h sáng 2/8, vị trí tâm bão sẽ trên vùng biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10.
Sau đó, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15km, đi vào đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão số 2, toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật và lốc xoáy. Trên đất liền các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng cao xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
|
Ảnh minh họa. |
Khẩn trương di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm
Chiều 1/8, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện chỉ đạo các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với bão số 2.
Thủ tướng yêu cầu, các địa phương phối hợp với Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng, Tổng cục Thủy sản tiếp tục tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, phương tiện (kể cả các tàu vận tải và tàu du lịch), hướng dẫn di chuyển thoát ra và không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc kêu gọi về nơi tránh trú an toàn.
Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị, Thủ tướng yêu cầu, các địa phương khẩn trương rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trong các nhà yếu, không bảo đảm an toàn, trong đó cần lưu ý công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại khu vực sơ tán.
Đối với khu vực miền núi, trung du, tập trung rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn; sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.Vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước nhất là đối với các đập, hồ chứa nước xung yếu hoặc đã đầy nước. Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và lưu ý các đơn vị chủ động phối hợp với các địa phương triển khai phương án ứng phó với bão số 2 theo phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra...
Thanh Hoá còn 172 tàu cá hoạt động trên biển
Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hoá, tính đến 14h ngày 1/8, toàn tỉnh đã kiểm đếm, giữ liên lạc được 7.234 phương tiện/26.376 lao động.
Trong đó, 7.062 phương tiện, 25.223 lao động vào bến neo đậu an toàn. Tuy nhiên, hiện còn 172 phương tiện/ 1.143 lao động còn đang hoạt động trên biển. Trong đó, hoạt động trên vùng biển Thanh Hóa 86 phương tiện; vùng biển Vịnh Bắc Bộ 86 phương tiện; vùng biển Quảng Ninh 12 phương tiện; Hải Phòng 34 phương tiện; Ngệ An 26 phương tiện; Hà Tĩnh 8 phương tiện; Quảng Bình 6 phương tiện, tất cả các phương tiện hoạt động trên biển đều giữ liên lạc bình thường với đất liền.
Hiện Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hoá đang tích phối hợp với các địa phương ven biển và các Đài thông tin duyên hải thường xuyên theo dõi chặt chẽ hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới.
|
Tàu thuyền về neo đậu tại biển Sầm Sơn. Ảnh: Báo Thanh Hóa. |
Đồng thời, bộ đội biên phòng và các địa phương thông báo, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm.
Tổ chức giúp đỡ ngư dân chằng chống, neo tàu thuyền nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra; bố trí nơi neo đậu an toàn cho tàu thuyền các địa tỉnh khác vào nơi tránh trú an toàn.
Quảng Ninh, Hải Phòng cấm biển
Ngày 1/8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”
Trong đó, tập trung kêu gọi tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển về nơi tránh trú (kể cả các tàu vận tải và du lịch), hướng dẫn di chuyển thoát ra và không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc kêu gọi về nơi tránh trú an toàn.
Tại đất liền, các địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân nhất là khu vực quanh bãi thải mỏ, cửa sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, yêu cầu những người dân trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sàn di chuyển vào đất liền, hoàn thành trước 9 giờ 00 ngày 02/8/2020.
Đáng chú ý, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Sở Giao thông Vận tải và các đia phương ven biển thực hiện cấm biển từ 0 giờ 00 ngày 02/8/2020.
Đồng thời, tổ chức kiểm soát, cử người trực, canh gác 24/24h và có biển cảnh báo tại các vị trí ngẩm, tràn, đường giao thông bị ngập, kiên quyết không cho phương tiện và người qua lại khi có lũ xuất hiện.
Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu Sở Du lịch chỉ đạo các địa phương tuyến biển nắm lại lượng khách còn lưu trú trên các đảo, chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch bố trí chỗ ăn nghỉ chu đáo cho đối tượng này (lưu ý đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh COVID-19).
Tại Hải Phòng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết, UBND thành phố chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức sơ tán nhân dân tại khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển, khu nhà cũ yếu, khu vực có nguy cơ sạt lở, khu nuôi trồng thủy sản ngoài đê và các chòi canh thủy sản trên sông, trên biển, hoàn thành trước 8 giờ ngày 2/8.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố Hải Phòng thông báo đình chỉ (cấm biển) các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, vui chơi giải trí trên các khu vực biển đảo, ven sông từ 18h ngày 1/8.
Cảnh báo mưa dông khu vực nội thành Hà Nội:
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, qua theo dõi trên ảnh mây vệ tinh và ảnh ra đa thời tiết cho thấy mây đối lưu đang phát triển gây mưa rào và dông trên khu vực các quận/huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ của thành phố Hà Nội.
Cảnh báo: Trong những giờ tới, những vùng mây đối lưu này sẽ tiếp tục phát triển thêm, di chuyển đến và gây ra mưa rào và dông cho các quận, huyện kể trên. Sau đó có khả năng lan sang khu vực các uận nội thành khác của thành phố Hà Nội. Trong cơn dông có khả năng xuất hiện lốc, sét, và gió giật mạnh.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tàu chiến Hải quân Việt Nam vượt bão tuần tra chung với Hải quân Thái Lan
Nguồn: Truyền hình Quốc phòng
Hải Ninh