Đề xuất tách hai kỳ thi
Đó là ý kiến được ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2016 – 2017 của Bộ GDĐT tổ chức vừa qua. Theo ông Bình, có sự khác biệt rất lớn giữa hai kỳ thi: Tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH CĐ. “Kỳ thi THPT quốc gia là để công nhận tốt nghiệp cho học sinh sau 12 năm học phổ thông, còn việc tuyển sinh là việc của các trường. Các trường có thể tùy yêu cầu đặc thù để chọn cách xét tuyển phù hợp. Vậy chúng ta lấy kỳ thi công nhận phổ thông để áp vào xét tuyển ĐH sẽ rất khó” – ông Bình phân tích. Ông Bình cũng cho rằng tách 2 kỳ thi là một cách để giúp các trường thực hiện việc tự chủ theo Luật Giáo dục Đại học.
|
Có chuyên gia đề nghị tách 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển đại học (ảnh minh họa). Ảnh tư liệu |
Ý kiến này đã gây ra nhiều tranh cãi về việc có nên hay không nên giữ lại kỳ thi chung. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT nhiều năm nay đã đạt rất cao, năm 2017, cả nước có 97,42% học sinh đỗ tốt nghiệp. Tuy nhiên, việc xét điểm tốt nghiệp có một một nửa là điểm học bạ nên đã có tới 300.000 em (33,74%) đỗ tốt nghiệp nhờ vào mức điểm cộng học bạ này.
“Đã đến lúc cần bàn lại phương thức tuyển sinh. Tốt nhất là nên lấy các kỳ kiểm tra tại trường, kiểm tra học kỳ qua học bạ để xét tốt nghiệp. Cứ học bạ trên 5.0, có hạnh kiểm tốt là đỗ tốt nghiệp. Còn kỳ thi ĐH vẫn tổ chức riêng để phân loại trình độ học sinh, đáp ứng yêu cầu tuyển sinh theo đặc thù ngành học của từng trường. Cuộc thi 2 trong 1 vừa qua không đạt. Ít nhất thể hiện ở việc rất nhiều thí sinh đỗ điểm cao, có trường lấy điểm chuẩn lên tới 30 trong khi nhiều trường phải “vét sàn” không đủ. Thậm chí, có tới hơn 100.000 thí sinh xét tuyển trúng nhưng không thèm nhập học” – một chuyên gia giáo dục đề xuất.
Nguyên nhân thí sinh không nhập học được một số trường đưa ra là có hiện tượng thí sinh không có nhu cầu học ĐH nhưng vẫn đăng ký… cho vui. Đại diện trường ĐH Giao thông vận tải cho biết, sau khi công bố điểm trúng tuyển, trường đã gọi điện trực tiếp cho gần 70 thí sinh trúng tuyển nhưng không đến nhập học. Lý do các em đưa ra là không có nhu cầu đi học mà chỉ đăng ký xét tuyển theo sự “khuyến khích” của trường THPT nơi các em theo học.
Vẫn giữ nguyên chỉ… cải tiến
Trong khi đó, lãnh đạo của một số trường ĐH “top” lại cho rằng cần giữ lại kỳ thi và cải tiến những điểm yếu.
Ông Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, phương thức thi THPT quốc gia 2017 là đổi mới thành công dù vẫn còn một số bất cập kỹ thuật: “Ví dụ như bài thi tổ hợp năm nay vẫn còn bất cập, năm sau kiến nghị Bộ GDĐT để bài thi tổ hợp là 1 bài, không chia thành các môn như năm nay nữa việc này gây khó khăn cho các trường trong xét tuyển” – ông Sơn nói.
Bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Kiên Giang thì cho rằng, Bộ GDĐT cần rút kinh nghiệm và phân tích những hạn chế để khắc phục trong năm tới. Theo bà Giang, những thay đổi của kỳ thi này dù nhỏ nhất cũng nên công bố ngay đầu năm học khi các trường triển khai kế hoạch để giúp học sinh, giáo viên có thời gian chuẩn bị chứ không phải đến sát kỳ thi mới thay đổi.
Trước đó, trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 sẽ cơ bản giữ ổn định như 2017 và chỉ điều chỉnh về kỹ thuật. Còn nói về kỳ thi “2 trong 1” gây tranh cãi, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, kỳ thi đã được đánh giá là nhẹ nhàng hơn, tuy nhiên vẫn phải tiến hành cải tiến về kỹ thuật và tập trung vào khâu ra đề thi. “Bộ GDĐT ngày trước được mệnh danh là “Bộ thi” thì đến năm nay đã bớt được cái tên này. Tuy nhiên, cần bồi đắp thêm kho đề thi phong phú hơn để đáp ứng đúng 2 mục tiêu mà kỳ thi này đề ra” – Phó Thủ tướng nói.
Cũng theo ông Đam, việc tuyển sinh ĐH là việc của các trường, kỳ thi THPT quốc gia chỉ cung cấp dữ liệu để các trường tham khảo tuyển sinh chứ không phải là căn cứ duy nhất. Ông Đam yêu cầu Bộ GD- ĐT cần làm việc lại với các trường xem xét lại việc tổ chức các bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội với 3 môn thi riêng lẻ mà thực chất là để phục vụ cho các trường tuyển sinh - cách làm này gây phức tạp cho công tác tổ chức cũng như sự mệt mỏi cho thí sinh.
Theo Tùng Anh/Dân Việt